Với những hộ nuôi cá nước ngọt, thời điểm từ tháng Giêng cho đến hết tháng 3 âm lịch, mọi người lại tất bật hút nước, vệ sinh và dọn đáy các ao, hồ để bắt đầu vào vụ “làm ăn” mới cho kịp kế hoạch.
Khoảng thời gian này, trời nắng chói chang suốt cả ngày, cùng những con gió khô hanh đã làm cạn dần những ao nước tạo thuận lợi cho việc dọn đáy, từ đó mọi người lại rộn ràng bước vào mùa tát ao bắt cá…
Những con cá chui sâu vào lớp bùn, phải vất vả mới bắt được.
Đến vùng nuôi cá nước ngọt ở các xã: Tân Hạnh (TP Biên Hòa), Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) của Đồng Nai trong những ngày này, ở đâu cũng bắt gặp hình ảnh bà con nông dân bận rộn chuẩn bị vụ cá mới.
Kết thúc vụ cá muộn
Năm trước, đang giữa vụ cá trời đổ hàng loạt trận mưa lớn khiến người dân điêu đứng, lâm vào cảnh lỗ vốn vì cá theo dòng nước lũ thoát ra ngoài môi trường tự nhiên. Đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhiều người chấp nhận chăm đàn cá còn sót lại trong ao để bán tết; số khác tiếp tục mua cá giống về thả lại, đánh cược với “ông trời”.
“Số cá định bán trong dịp tết đã lỡ hẹn với thị trường, bây giờ chúng tôi mới thu hoạch để khẩn trương vét ao cho vụ nuôi tới. Vì vậy những ngày này hầu hết các trại cá ở đây đều ra sức vỗ béo cá và đánh bắt rải đàn để xuất bán những lứa cá cuối cùng. Cũng may, hiện cá nuôi được thương lái thu mua với giá cũng khá nên ai nấy đều phấn khởi” - ông Trần Văn Trương (ngụ xã Bắc Sơn) cười nói giòn giã.
Với những hộ nuôi cá nước ngọt tại các ao, hồ thì thời điểm này thích hợp nhất để thu hoạch, dọn ao chuẩn bị cho vụ nuôi cá mới. Sau khi số cá trong ao đã bán hết, người nuôi lại tất bật hút nước, dọn đáy và cải tạo ao nuôi. Những nhà làm ăn lớn có khoảng 3-4 hécta mặt nước, phải thuê người đến làm các công đoạn này.
Theo ông Trương, cá nuôi thường được xuất bán quanh năm, nhưng có lẽ dịp giáp tết được xem là mùa thu hoạch chính với nhiều kỳ vọng nhất của người nuôi cá. Tuy nhiên, thời tiết không thuận lợi đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch của những hộ nuôi cá. Gặp trận lũ lớn, các hộ ở làng cá gần như phải gầy dựng lại tất cả. Sau khi khẩn trương sửa chữa lại bờ ao, xử lý nguồn nước, họ mới tái vụ, thả lứa cá mới.
Vậy là sau 4 tháng, đi một vòng quanh làng cá, có thể nhìn thấy từng đàn cá bơi lội tung tăng, tiếng cá lóc, trê, rô phi, chép… táp mồi nghe rõ mồn một dưới ao. Đàn cá dạn dĩ đến mức chỉ cần vung thức ăn xuống nước rồi lấy lưới quây lại là có thể bắt được cá một cách dễ dàng. Với giá cả ổn định, người nuôi tỏ ra phấn khởi, các thương lái tới tận nhà để thu mua rồi xuất bán đi các chợ đầu mối ở khắp nơi, không còn lo đầu ra như mọi năm.
Gia đình bà Đỗ Thị Minh (ngụ xã Tân Hạnh) vừa kết thúc vụ thu hoạch cách đây vài ngày. Bà Minh hồ hởi cho biết, vụ cá vừa rồi bà đã thu lãi hàng chục triệu đồng sau khi trừ chi phí. Năm nay, bà Minh thả nuôi hàng trăm ký cá giống, như: rô, lóc, diêu hồng... Cá thả nuôi chậm 2 tháng, nhưng cho năng suất cao, trái với nỗi lo phập phồng khi bắt đầu tái vụ.
“Nuôi cá bây giờ gặp nhiều cái khó khiến người nuôi dễ bị mất trắng. Nếu nuôi ở các làng bè thường bị ảnh hưởng do nguồn nước biến động, bị ô nhiễm từ bên ngoài. Nuôi tại ao, hồ thì lo thiếu nước khi mùa khô đến, nên thường sau vụ cá tết là tôi nghỉ nuôi, chờ mùa mưa đến mới thả cá nuôi lại. Xung quanh đây vẫn còn mấy ao đã cạn nước dần, nhưng họ chưa thu hoạch vì muốn đợi thêm thời gian nữa xem giá cá có nhích lên hay không” - bà Minh tỉ tê nói.
Vui như đi tát ao, mót cá
Ghé thăm làng cá những ngày này mới thấy được sự sinh động và nhộn nhịp khi cả chục người mặt mũi, áo quần lấm lem bùn đất xúm lại, tranh nhau bắt từng con cá còn sót lại dưới đáy ao. Đó là lúc nước đã gần cạn, những con cá lóc, rô, rô phi, chép… chui sâu dưới bùn không lối thoát thân, vùng vẫy để tránh khỏi chỗ khô cạn.
“Người ta thu hoạch cá xong thì thuê tôi đến vệ sinh ao và mót số cá còn lại trong ao. Tùy vào diện tích ao lớn hay nhỏ mà tôi rủ thêm vài người cùng làm. Tiền công do 2 bên tự thỏa thuận, một là mình lấy tiền do chủ ao đưa ra, hoặc chấp nhận gán ngang từ số cá còn sót lại trong ao. Thường thì chúng tôi không lấy tiền công dọn ao, mà chọn phương án mót cá trừ công” - ông Ba Dân (ngụ ấp 4, xã Tân Hạnh) vui vẻ nói.
Nhiều người cho hay, chuyện mót cá ở đáy ao sau mỗi vụ thu hoạch nghe có vẻ lạ, nhưng đã có từ bao đời nay. Qua con mắt của người đi tát ao, lời lãi tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi người. Nước trong ao rút gần hết, xâm xấp đầu gối rất khó biết số cá còn sót lại bao nhiêu. Bởi lúc này đàn cá sẽ lẩn sâu dưới lớp bùn non, không trồi lên mặt nước để đớp mồi.
Giăng lưới bắt những mẻ cá còn sót lại dưới các ao nuôi ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom).
Theo ông Ba Dân, nếu mặt nước cạn mà chỗ nào có nhiều bóng nước nổi lên chắc chắn chỗ đó cá tụ thành bầy, người đi mót cá phải nhìn mặt nước để thỏa thuận với chủ nhà. Xong xuôi mọi việc, 4-5 người mới quây lưới, nhắm đến đoạn nhiều cá để vây bắt. Lúc này, đàn cá sau đợt “án binh bất động” bỗng giật mình lao thẳng lên mặt nước nhìn rất sướng mắt. Người bắt cứ việc túm đầu cá bỏ vào thùng, ai nấy tỏ ra háo hức và thích thú.
Với ông Năm Răng (ngụ xã Bắc Sơn), sau đợt thu hoạch cá còn sót lại trong ao lâu ngày không được cho ăn nên thịt khá ngon, không nhão như lúc nuôi, nhờ vậy ông bán được giá cao như cá sống trong môi trường tự nhiên. Người dân ở quanh làng cá mỗi lần thấy nhà nào thuê tát ao cũng chực chờ mua lại số cá từ những người đi mót thuê cho bằng được.
“Bắt cá xong, mặt mũi ai nấy lấm lem bùn đất. Mệt nhưng vui, vì được sống gần gũi với thiên nhiên, giống như khung cảnh sinh hoạt độc đáo của người dân sông nước miền Tây quê tôi khi tát ao bắt cá đồng sau khi hết vụ lúa. Số cá thu được ngoài việc đem bán, chúng tôi mỗi người chia nhau mang về nhà tha hồ mà nấu nướng...” - ông Năm Răng tâm sự.
Bình luận (0)