Cách nay khoảng 3 tháng, tôi đã gặp người đàn ông và đứa trẻ nhỏ này lê la xin ăn trên đoạn đường ngang qua ấp Thanh Thuận (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành-Tây Ninh). Hỏi thăm hoàn cảnh, tôi được biết ông tên Tâm, đang tu ở chùa Tháp Bửu Đài, thuộc huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Đứa nhỏ đi theo ông là trẻ mồ côi được nhà chùa nuôi. Vì cuộc sống ở chùa khó khăn nên ông dẫn đứa trẻ lên Tây Ninh khất thực. Hiện ông đang ở nhờ trong chùa Long Hải, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành.
Những ngày sau đó, khi có việc đến xã Trường Tây, huyện Hoà Thành, tôi được biết ở đây không có ngôi chùa Long Hải nào, chỉ có thánh thất và điện thờ Phật mẫu của đạo Cao Đài. Những người tu hành ở đây cho biết không có thấy bóng dáng thầy trò nhà tu nào như tôi miêu tả.
Những người làm nghề mua bán ve chai, bán vé số cũng móc tiền ra cho
Đến sáng ngày 1-9, tình cờ, tôi lại nhìn thấy người đàn ông và đứa nhỏ mặc áo cà sa vàng đang xin ăn trên đường Tua Hai, đoạn khu phố 2, phường 1, Thị xã. Ông ta đeo xâu chuỗi hạt dài trên cổ và trên tay cầm một xâu chuỗi khác, miệng liên tục niệm phật. Xung quanh chiếc xe gỗ của ông vẫn dán nhiều hình phật bà Quan Âm và văng vẳng phát ra tiếng kinh kệ. Đứa trẻ nhỏ đầu ba vá hôm trước vẫn cầm chai sữa trên tay.
Giữa dòng xe cộ đông đúc, ông ta dùng một tay và một chân đẩy chiếc xe gỗ nhích từng chút một trên đường. Tất nhiên, nhiều người đi đường vẫn động lòng thương xót, móc tiền ra cho, trong đó có những người làm nghề mua bán ve chai đồng nát, bán vé số. Chiếc thùng nhựa của ông ta nhanh chóng đầy lên với những tờ giấy bạc mệnh giá 20.000 đồng, 50.000 đồng.
Tôi lại đến gần và hỏi thăm hoàn cảnh. Ông thầy tu này tỏ ra lúng túng, nhìn trước ngó sau và cẩn thận trả lời từng câu một. Điều khiến tôi bất ngờ là lần này ông trả lời hoàn toàn khác hẳn so với lần trước: “Tôi tên Hồng, nhà ở Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh). Tôi tu tại gia, chứ không tu ở chùa nào cả. Đứa nhỏ này là cháu ruột của tôi”.
Được biết, thời gian gần đây, ở TP. Hồ Chí Minh có nhiều trường hợp đội lốt thầy tu để đi xin ăn. Trả lời vấn đề này trên Báo Lao Động, Hoà thượng Thích Trí Quảng - Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Từ năm 2004 đến nay, Giáo hội Phật giáo đã không chấp nhận hình thức các nhà sư đi hành khất phi thời phi pháp. Còn một số người đi theo giáo phái Khất sĩ nằm trong Giáo hội Phật giáo thì phải đi theo đoàn thể từ 4 người trở lên, bắt đầu đi từ khi mặt trời mọc đến tối đa là 11 giờ 30, không được nói năng, không nhận tiền, chỉ nhận thức ăn chay đã nấu chín, mặc đúng lễ phục và có đeo thẻ của Hội Phật giáo.
Việc hành khất nếu nằm ngoài những quy định trên, chúng tôi khẳng định đó đều là hình thức giả danh tu sĩ để trục lợi. Với những hình thức tu sĩ đi hành khất phi thời phi pháp, Giáo hội Phật giáo sẽ có biện pháp xử lý riêng, còn những hình thức mạo danh nhà sư làm việc bất chính, đề nghị Nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật”.
Qua sự việc trên, thiết nghĩ các ngành chức năng ở Tây Ninh nên quan tâm, xác minh rõ lai lịch thầy trò đi ăn xin kể trên để có biện pháp giáo dục, răn đe để ông ta không còn lợi dụng lòng tốt của người đi đường mà trục lợi cho bản thân.
Bình luận (0)