Công an TP Bắc Giang khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A.
Công việc đặc thù
Gần 22 giờ một ngày cuối tháng 6, nhận được tin báo trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) xảy ra vụ TNGT, Thượng sĩ Hoàng Văn Tú và đồng nghiệp tổ xử lý tai nạn Công an TP Bắc Giang nhanh chóng đến hiện trường. Vụ tai nạn xảy ra giữa một ô tô tải và một xe đạp. Điều khiển xe đạp là một người đàn ông trung niên vẫn đang bị mắc kẹt trong gầm xe ô tô, buộc Thượng sĩ Tú và đồng nghiệp phải chui vào gầm xe đưa nạn nhân ra để đi cấp cứu.
Để không bỏ sót dấu vết quan trọng, tổ xử lý phải thực hiện từng công đoạn rất tỉ mỉ, thận trọng. Gần 24 giờ, việc khám nghiệm hiện trường hoàn tất, các thành viên trong tổ lại vội vã vào bệnh viện, nơi nạn nhân đang cấp cứu để nắm tình hình. Người đàn ông bị nạn đang trong tình trạng nguy kịch lại không có bất cứ loại giấy tờ tùy thân nào nên các việc điều tra gặp nhiều khó khăn khi nắm bắt tình hình.
Thượng sĩ Hoàng Văn Tú tâm sự: “Đã vài năm tham gia công tác này, nhưng mỗi khi giải quyết TNGT tôi và đồng nghiệp vẫn bị cảm xúc chen lấn, ám ảnh nhất khi nạn nhân là trẻ em”. Điển hình là giải quyết vụ TNGT xảy ra trên tỉnh lộ 295B, đoạn qua xã Tân Mỹ, chứng kiến bé trai 3 tuổi bị ô tô cán nát một chân; rồi vụ TNGT trên đường Xương Giang, một em bé được bố chở trên xe máy văng xuống đường tử vong..., tôi và đồng nghiệp cũng rơi nước mắt.
Theo thống kê TNGT xảy ra nhiều vào những ngày lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần. Có hôm một ca trực (từ 7 giờ sáng hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau), tổ xử lý 3 vụ. Đại úy Hoàng Thế Hiệu, cán bộ giải quyết TNGT Công an huyện Lạng Giang, nói: “Ngày mới làm công việc này, chứng kiến những cái chết không lành lặn do TNGT và sự đau đớn, tuyệt vọng của người thân họ, tôi hay bị ám ảnh, thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn”.
Gần đây khi xử lý, giải quyết vụ TNGT làm một thai phụ tử vong, Hiệu và đồng nghiệp cũng mất ăn, mất ngủ.
Mỗi Đội CSGT công an các huyện, thành phố có từ 2-4 cán bộ làm công tác xử lý, giải quyết TNGT. Thời gian làm việc của lực lượng này rất gò bó do phải thay nhau trực 24 giờ mỗi ngày. Nhận được tin báo TNGT, họ phải tức tốc lên đường, có mặt ngay để giải quyết, nếu không dấu vết chứng cứ sẽ không còn nguyên vẹn, nhất là vào lúc trời mưa khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác đến từng xăng ti mét, thậm chí quá trình khám nghiệm trên đường vào buổi tối còn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Trong khi đó trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ còn thiếu thốn.
Do quy định việc chi trả kinh phí giám định chưa kịp thời, quá trình làm nhiệm vụ không ít cán bộ phải ứng trước tiền giám định vài tháng sau mới được hoàn lại… Dù vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết TNGT luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm sự công bằng cho những người liên quan. 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng này đã tiếp nhận, phối hợp với lực lượng chuyên môn giải quyết hơn 200 vụ TNGT, bảo đảm đúng quy định, không để xảy ra khiếu kiện, thắc mắc từ phía người dân.
Trăn trở
Trung úy Nguyễn Đức Trường, Tổ trưởng Tổ xử lý TNGT Công an TP Bắc Giang cho hay: Quá trình giải quyết TNGT còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức pháp luật, văn hóa giao thông của một bộ phận người dân còn kém. Thấy người bị TNGT, họ xúm quanh nhưng chủ yếu do tò mò, hiếu kỳ, một số người còn thi nhau vất tiền xuống đường để cầu mong người chết phù hộ cho mình, không mấy người quan tâm tình trạng của người bị nạn để cứu giúp. Có những lái xe còn né tránh không muốn đưa nạn nhân TNGT đi cấp cứu vì sợ bẩn xe, sợ xui... Đáng lên án, một số người còn lợi dụng người bị nạn bất tỉnh để hôi của, lấy trộm tiền, tài sản.
Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ hiện trường, phối hợp cung cấp thông tin cho cán bộ có trách nhiệm giải quyết TNGT còn rất hạn chế. Nhiều vụ TNGT xảy ra khi lực lượng chức năng có mặt, hiện trường đã bị xáo trộn. Có trường hợp, lái xe gây tai nạn bỏ trốn, một số người dân nhìn thấy biển số xe hoặc trực tiếp gọi điện báo có tai nạn nhưng do lo ngại bị phiền toái, sợ bị trả thù nên không hợp tác với lực lượng chức năng; không thừa nhận lỗi của mình mà đổ lỗi cho khách quan hoặc phía bên kia, nhiều người không cung cấp giấy tờ phương tiện gây tai nạn, không trung thực khi thông tin về vụ tai nạn, né tránh giải quyết...
Một số vụ va chạm giao thông nhẹ nhưng những người trong cuộc ứng xử thiếu văn hóa, yêu sách quá đáng, gây khó khăn cho công tác điều tra, giải quyết. Theo Thượng úy Thân Văn Phúc, cán bộ giải quyết TNGT Công an huyện Việt Yên, công tác giải quyết TNGT rất đặc thù, để bảo đảm kết quả điều tra các vụ TNGT chính xác, công bằng, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của người dân, từ khâu báo tin cho đến cung cấp thông tin và đưa người bị nạn đi cấp cứu. Thực tế, nhiều trường hợp nạn nhân được đưa đi cấp cứu sớm cơ hội sống sót sẽ cao hơn, hậu quả sẽ bớt nặng nề hơn.
Bình luận (0)