Xe đò “chém đẹp” hành khách
Nhu cầu đi lại trong dịp Tết tăng cao là cơ hội cho xe đò, xe khách “chém đẹp” hành khách. Chị Mai, một người dân ở xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai), tâm sự: “Sáng mùng 2 Tết, gia đình tôi do có người lớn tuổi nên bắt xe đò về Pleiku chơi xuân. Chúng tôi hoảng hồn khi nhà xe tính tiền tới 120 ngàn đồng/vé, trong khi ngày thường chỉ có 50 ngàn đồng/người”.
Cánh xe đò luôn kiếm được bộn tiền nhờ “chém đẹp” hành khách dịp Tết. Ảnh: Hải Lê
Chị Nhâm-một người dân ở thị trấn Chư Sê cũng là nạn nhân của nạn chặt chém hành khách dịp Tết. “Bình thường đi từ Pleiku về thị trấn Chư Sê tôi chỉ mất 20-25 ngàn đồng tiền cước, dịp Tết nhà xe thu tận 50 ngàn đồng/người. Tết nhất chuyện đắt đỏ là điều dễ hiểu nhưng tăng gấp đôi, thậm chí hơn là điều quá vô lý”-chị Nhâm, bức xúc cho biết.
Còn chị Hậu, một hành khách đi xe đò tuyến Đức Cơ-Pleiku hôm mùng 3 Tết thì than thở rằng, ngày thường xe khách lấy 30-35 ngàn đồng/người, nay tăng vọt lên 80-90 ngàn đồng/người, trong khi xe buýt chỉ có 22 ngàn đồng/người/lượt. Dịp Tết quỹ thời gian có hạn, chờ xe buýt lâu quá nên đành phải đi xe đò tạm vậy, ai dè bị chặt chém dữ quá”.
Bắt khách dọc đường, nhồi nhét khách là “chuyện thường ngày ở huyện” của cánh xe đò dịp Tết. Ảnh Hải Lê
Dịp Tết nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nhiều nhà xe vì thế không nghỉ Tết mà tăng cường phục vụ để tận dụng thời cơ kiếm tiền. Vì lý “ai cũng nghỉ mà cánh nhà xe vẫn phải chạy”, nên hầu hết các xe đều tranh thủ “chặt chém” tiền cước, tuyến liên tỉnh như Gia Lai-Quy Nhơn, giá cước tăng khoảng gấp rưỡi (150/100 ngàn đồng ngày thường), riêng các tuyến huyện nội tỉnh, tiền cước xe đò đi lại phụ thuộc vào… sự mạnh hay nhẹ tay của cánh nhà xe, thường là tăng từ gấp đôi trở lên.
Hốt bạc triệu nhờ giữ xe
Khủng khiếp nhất phải kể đến giá vé giữ xe tại các điểm giữ tự phát mọc lên quanh khu vực quảng trường vào đêm 30 Tết, trước thời điểm diễn ra lễ hội giao thừa. Anh Hòa (phường Thắng Lợi-TP Pleiku), cho biết: “Đêm 30 Tết tôi đưa cháu nhỏ đi xem bắn pháo hoa và gửi xe máy tại một điểm trông giữ trên đường Nguyễn Tất Thành, họ lấy phí tận 30 ngàn đồng/chiếc. Tôi có thắc mắc sao nhiều thế, họ giải thích rằng ai cũng lấy vậy cả thôi. Đông đúc, chật chội và không muốn phiền hà nên đành bấm bụng bỏ tiền trả cho xong chuyện”.
Nếu có được con số tổng hợp chính xác, với lượng xe lên đến cả ngàn chiếc, số tiền hời các chủ bãi trông giữ xe thu về đêm 30 Tết tại khu vực này chắc chắn dễ khiến người ta không khỏi giật mình.
Nhan nhản điểm giữ xe mọc lên dịp Tết. Ảnh: Hải Lê
Tại các bãi giữ xe quanh khu vui chơi, giải trí, công viên… tiền vé gửi xe trong mấy ngày Tết vừa qua cũng được đội lên gấp nhiều lần so với mức phí gửi xe tại các điểm dịch vụ công cộng thông thường.
Tại cổng Công viên Diên Hồng (TP Pleiku), đa số nhà dân phía trên cổng chính đều xếp gọn đồ đạc, tranh thủ cắt cử người ra đứng giữ xe thu tiền. Mức phí trông giữ xe đội lên gấp hơn 3 lần so với ngày thường, lên tới 10 ngàn đồng/xe máy (vé trông giữ xe hàng ngày tại công viên Diên Hồng là 3.000 đồng/xe). Tại công viên Đồng Xanh, tình trạng tương tự cũng diễn ra.
Nhà nhà cùng giữ xe. Ảnh: Hải Lê
Ngày Tết, nhiều gia đình đưa con cháu đến các công viên, khu vui chơi… để du xuân, tận hưởng ngày Tết, bởi vậy, các điểm giữ xe kiếm được bộn tiền và không quá khi nói, không gì kiếm tiền dễ hơn… đi giữ xe ngày Tết tại các điểm này vì với hàng trăm lượt mỗi ngày, số tiền thu về bằng thu nhập cả tháng lương của người lao động mà chẳng mất một đồng thuế, phí.
Nạn chặt chém du khách, hành khách dịp Tết đã không còn là chuyện đáng ngạc nhiên. Nhưng lạ là điều ấy cứ lặp đi lặp lại hết năm này qua năm khác, dù nhiều người dân có ý kiến bày tỏ bức xúc, báo chí cũng phản ánh nhiều lần, song tình trạng ấy vẫn cứ “đến hẹn lại lên”, không hề có chút biến suy?
Bình luận (0)