Tối 19-6, khi thấy trên đường Lê Lợi (TP. Pleiku) có vụ tai nạn giao thông, một thanh niên nằm bất động. Nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng do vậy nhiều người dân đã tìm cách gọi đến đường dây cấp cứu 115 để có đủ trang thiết bị, con người cho việc cấp cứu kịp thời, tuy nhiên điều mà mọi người đều nhận được cụm từ “gọi taxi mà đi”.
Ảnh: Nguyễn Giác
Bất bình về cách xử lý trên, chị Thảo- bạn đọc thường xuyên của Báo Gia Lai đã gọi đến đường dây nóng của tòa soạn báo để phản ánh. Chị Thảo nói với giọng bất bình: “Tôi gọi 115 thì bên kia trả lời nhanh gọn, gọi taxi dùm, rồi dập máy thật mạnh”. Đã là tổ chức để người dân gọi cho những trường hợp cấp cứu thì phải có tính chuyên nghiệp. Theo tôi cần phải sớm làm rõ vấn đề này để người dân chúng tôi gọi được khi cần cấp cứu- chị Thảo nói.
Không chỉ dừng lại ở những lời nói đơn thuần trên, những nhân viên trực tổng đài 115 còn đưa ra những lời cay nghiệt đối với người bệnh và thân nhân khi gặp chuyện cấp bách. Anh Tú- số nhà 15 Trần Khánh Dư (TP. Pleiku) cho biết: Tháng trước, lúc giữ khuya mẹ tôi có bệnh tăng huyết áp cần cấp cứu khẩn, tôi gọi 115 để có thiết bị, thuốc men kịp thời. Gọi lần đầu, nhân viên bảo gọi taxi; lần hai thì văng lời thô tục: C.C… cho chết luôn; lần ba thì lại Ò…Í…E… Dù rất bực tức, nhưng để đảm bảo sức khỏe, tôi tức tốc đưa mẹ đến bệnh viện bằng xe máy.
Để kiểm chứng thực hư vấn đề bạn đọc phản ánh, sáng 20-6, chúng tôi đưa ra tình huống giả định có tai nạn trên quốc lộ 14, đoạn gần khu vực núi Hàm Rồng và bấm gọi số cấp cứu 115 như cách gọi thông thường. Sau vài lần bấm gọi, được lúc lâu, một giọng nữ trả lời: “Cấp cứu nghe” và tôi tường trình có vụ việc như thế cần xe cấp cứu đến gấp, thì vẫn giọng điệu ấy người phụ nữ từ đầu dây bên kia đáp lại: Anh gọi Taxi chở vô đây dùm được không… ở đâu… xe đi cấp cứu hết rồi… tai nạn mấy người… nặng không…? Dường như tất cả câu hỏi trên chỉ cố tình kèo dài thời gian trong lúc người dân cấp bách cần đến người và phương tiện cấp cứu.
Trong lúc gọi đến bệnh viện để xin điều xe cấp cứu, thì đối diện nơi tôi đứng trên đường Trần Hưng Đạo (TP. Pleiku) một chiếc xe cấp cứu 115 vắng tài xế đang dừng trên vỉa hè cạnh quán cà phê?
Theo lý giải từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cơ quan quản lý những xe tư nhân được phép sử dụng biểu tượng của Hội cho dịch vụ thì: Bất kỳ một xe tư nhân nào sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ buộc phải tham gia hội và thực hiện việc cấp cứu khẩn cấp và nhân đạo cho người dân khi cần.
Những năm về trước, hãng Taxi Huy Hoàng tham gia việc cấp cứu chuyển viện và được cấp, dán biểu tượng chữ thập đỏ. Tuy nhiên, 2 năm gần đây do cạnh tranh trong kinh doanh nên đơn vị chuyển đến hoạt động nơi khác và số điện thoại cấp cứu 115 được nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh trực, điều hành- Bà Ksor H’Nhan cho biết.
Riêng hãng Taxi Hùng Nhân đang có phương tiện hoạt động dịch vụ cấp cứu chuyển viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh dù đang sử dụng biểu tượng của Hội Chữ thập đỏ nhưng đơn vị chưa được cấp phép của Hội và cũng không tham gia các hoạt động nhân đạo nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề này với hãng Taxi Hùng Nhân- Bà H’Nhan nói.
Trước khi có sự thống nhất, cũng như việc điều hành tốt số điện thoại cấp cứu 115 đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện bất kỳ ai có nhu cầu cấp thiết dùng đến phương tiện cấp cứu của dịch vụ 115 xin gọi theo đường dây nóng 0984.115.115 của hãng Taxi Huy Hoàng sẽ được phục vụ miễn phí các chuyến xe cấp cứu, chuyển viện trong nội ô TP. Pleiku- ông Trần Thanh Biên (đội trưởng quản lý đội xe cấp cứu Huy Hoàng) khẳng định.
Bình luận (0)