Ruộng muối chỉ đang ở giai đoạn lấy nước, cán nền nên diêm dân ăn Tết rất khó khăn.
Đi biển luôn là nghề rất hấp dẫn thanh niên vì có thu nhập cao, nhưng mùa chướng thường sóng to gió lớn nên phần lớn từ tháng 11 (ÂL) họ đã ở nhà chờ tới qua tết cổ truyền, khi mùa gió nam sau tết xuất hiện mới vươn khơi.
Hơn nữa, năm nay thời tiết giá rét, đó cũng là nguyên nhân khiến ngư dân phải gồng mình để đón tết. Song song đó, người làm muối (diêm dân) thì bao giờ cũng có cái tết lặng lẽ!
Vẫn lãng mạn dù rất “kẹt”…
Đến nhà anh Võ Văn Lượm Em (xã An Điền, Thạnh Phú), lái ghe cào ở Bãi Ngao, Ba Tri, Bến Tre). Khoảng hơn 10 giờ sáng, nhưng trong căn nhà của anh đã bề bộn vỏ chay bia, và dưới gầm giường thì can rượu 10 lít đã hết phân nửa, tiếng karaoke, tiếng cười nói ồn ào, rộn rã, anh cùng 3 người bạn đồng nghiệp và 4 hàng xóm đang nhậu. “Chúng tôi luôn ăn tết sớm hơn mọi người cả 2 tháng! Vì ngày nào lên bờ thì ngày đó cũng vui như tết mà thôi, bởi có tiền và có chỗ đi chơi vì trên biển lênh đênh, mênh mông, mần suốt chứ chơi bời gì được. Chưa có vợ thì phải chơi cho đã đời thanh niên chứ! Để bù lại những ngày cật lực trên biển “sống không chơi thiệt ấy, ai bù?”, anh Lượm vui vẻ nói.
Trong khi đó cái tết của vợ chồng anh Trương Hùng Hổ (36 tuổi, xã Bình Thắng, Bình Đại) thì khiêm tốn hơn. Anh Hổ tâm tình: “Nhiều người như tui, đến khi lấy vợ và sau đó thì có con, rồi gánh gia đình càng nặng nên cũng hết ham chơi bời. Tuy chỉ mình tui mần là mẹ con nó có thể sống khỏe, nhưng ở đời mà, phải ăn xưa chừa nay chứ, đau bệnh thì biết nương tựa vào đâu. Lúc mới vào nghề, chưa vợ tui cũng chơi chẳng bỏ sót môn nào, giờ nghĩ lại tiền làm vất vả mà phung phí vô độ, nhiều khi cũng ân hận, tiếc nuối lắm! Nhưng đời mà, phải vậy mới là xã hội chứ!”.
“Hầu hết những anh em đi biển mà chưa có vợ đều chơi cho hết tiền mới chịu lên ghe đi tiếp. Họ chơi không từ một thứ gì mà có thể mang lại cho họ niềm vui. Đặc thù về cá tính của dân đi biển là ‘chơi đẹp’ nên chúng tôi vẫn gọi quen thuộc một cách tâng bốc khách hàng là ‘Việt kiều biển”, chị Ngọc Điểm, chủ quán nhậu, karaoke tại xã Bình Thắng cho biết. Hiện nay những khu vực đông dân cư sống bằng nghề đi biển như Bình Thắng, Thừa Đức (Bình Đại) hay Bãi Ngao, Tân Thành (Ba Tri), An Điền, Mỹ An (Thạnh Phú) đều rất sôi nổi trong những ngày giáp tết này bởi có sự góp mặt đông đủ của những "Việt kiều biển".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng ghe cào, ghe lưới ở cảng Bình Thắng, Bãi Ngao…thì hơn 2/3 số ghe đã nằm tại bến. Có thể vì sóng dữ, trời rét hay để bảo trì sửa chữa nên họ đều không ra khơi. “Sang mùa nam mới dám đi tiếp chứ mùa này bạn (người đi biển thuê cho chủ) mà yếu yếu ra khơi sẽ rất nguy hiểm. Vả lại mùa chướng thì đi biển không trúng đâu, thậm chí lỗ tiền dầu…và còn để anh, em xả hơi chơi tết nữa chứ”, chú Tô Hoàng Lam, chủ 2 cặp cào đôi ở Bãi Ngao cho biết.
Chủ ghe phải “gồng” để “Việt kiều biển” phấn khởi đón tết
Tuy sóng to gió lớn vào mùa chướng là điều không tránh khởi vào những tháng cuối năm và thuyền viên luôn phí phạm trong sử dụng đồng tiền có được là sự thật, nhưng tết thì họ vẫn sôi nổi và sung túc như ngày thường trước mắt mọi người. Đương nhiên là phần lớn họ đều vướng víu nợ nần với chủ ghe, chủ quán.
Chính vì sự ‘chịu chơi’ đặt thù của dân biển nên thường lệ vào dịp tết, họ luôn thiếu tiền xài. “…Và mọi khó khăn đó đều trở thành gánh nặng cho chúng tôi. Vài năm gần đây, việc không có cào đôi đi đánh bắt xa bờ là thua, vì ở gần bờ mình không chịu đổi những chiếc ghe cào điện đâu! Nhưng dù trong túi không có nhưng cũng phải chạy vay chủ vựa, hoặc có khi tiền lãi cho họ mượn chứ nếu không làm chu toàn điều đó thì sau tết họ sẽ không phụ ghe của mình, thì chính mình mới vào thế kẹt thật sự”, anh Trần Văn Diệp, chủ ghe lưới ở xã An Thủy (Ba Tri) nói, trong khi anh lật sổ ra xem lại là anh em của mình mỗi người đã vay bao nhiêu.
“Vừa chiều hôm qua tui phải ‘chuộc’ 3 thằng bạn của ‘lính ruột’ từ chủ cũ của họ với giá mỗi người 10 triệu đồng. Và còn phải cho mượn thêm mỗi người 5 triệu ăn tết. Nhưng tui chắc vậy cũng chưa đủ đâu, đến tết họ sẽ còn mượn thêm nữa 2, 3 lần nữa…”, anh Diệp nói thêm.
Cuộc sống của người đi biển quanh năm luôn dưới ánh mắt của mọi người luôn có cuộc sống sung túc, dư dả đến phung phí. Vì sau mỗi chuyến “lênh đênh”, mỗi thuyền viên lên đến bờ thì trong người ít nhất cũng trên 15 triệu đồng từ sự chia chác sau mỗi chuyến ghe đi cào (khoảng 25-40 ngày-PV).
“Cũng có thể vì đồng tiền kiếm quá dễ nên khi lên được bờ thì như “nai được về suối cũ”, họ tha hồ phung phí, chơi bời vô độ…để rồi đến tết năm nào cũng chịu cảnh nợ nần... Về chủ ghe, nếu có vốn đóng cào đôi đi xa bờ, mỗi chuyến kiếm gần tỉ bạc thì khỏe, còn những ghe gần bờ như đánh lưới, cào nhỏ, câu mực…thì tết họ chịu nhiều sức ép dữ lắm: chăm lo để giữ thuyền viên; tu sửa tàu, lưới; thanh toán tiền dầu cho đại lí, tiền nợ chủ vựa. Vì năm nay những phương tiện gần bờ, công suất nhỏ gặp rất nhiều khó khăn.”, ông Trần Văn Nghé – Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Tân Thủy, Ba Tri bình luận.
Những ngày giáp tết này, bà con diêm dân vẫn chưa được mẻ muối đầu tiên nào để bán có tiền đón tết. “trong khi hàng năm gần tết cũng bán được vài mẻ muối để có mà ăn tết, và năm nay thời tiết rập bấc rét quá, đến giáp tết mà còn mưa trái mùa. Nên đến bây giờ muối vẫn chưa đong được lần nào cả để có tiền cho tụi nhỏ ăn tết. Còn tui thì từ bao năm nay, làm nghề muối nên suốt ngày chỉ ở miết ngoài này chăm sóc ruộng muối mà thôi, tết nhất gì.” ông Trần Văn Đợt (60 tuổi, xã Tân Thủy, Ba Tri), làm nghề muối chua xót nói. Và tất cả bà con diêm dân làm muối ở Ba Tri, Bình Đại năm nay đều chịu chung số phận. Do đặt thù nghề muối chỉ làm được trong những tháng nắng (từ tháng 11 năm trước đến cuối tháng 2 năm sau – ÂL, hơn 9 tháng kia ruộng bỏ hoang), nên nghề muối nói chúng hàng năm bà con đón tết đều khó khăn.
Bình luận (0)