Khách hàng gửi xe ở nhà hàng, quán cà phê... nên lấy phiếu giữ xe để tránh rủi ro khi bị mất cắp. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Anh N.Đ.T (ở phường 8, TP.Vũng Tàu) cho biết, ngày 19-1-2013, anh có hẹn uống cà phê với bạn tại một quán cà phê ở phường 10. Lúc chạy xe vào quán, anh nhìn thấy bảo vệ của quán ngồi gác ở cổng, nhưng không thấy người này ghi phiếu giữ xe.
Cứ nghĩ đã có bảo vệ là yên tâm, anh T. dựng xe trong quán và vào uống cà phê cùng bạn. Lúc ra về, anh T. tới chỗ dựng xe thì chiếc xe đã không cánh mà bay. Anh T. ngay lập tức thông báo mất xe với chủ quán và khai báo với công an. Công an phường cũng đã đến ghi nhận vụ việc và lập biên bản trường hợp mất xe của anh.
Sau khi sự việc xảy ra, chủ quán đùn đẩy trách nhiệm cho công ty bảo vệ và yêu cầu anh T, làm việc với Công ty bảo vệ để được bồi thường, còn mình thì vô can. Còn phía Công ty bảo vệ lại cho rằng, anh T. không có phiếu giữ xe thì không có căn cứ để buộc họ phải bồi thường.
Sau hơn 2 tháng liên tiếp đi lại giữa 3 bên để đòi bồi thường, cuối cùng, anh T. cũng được Công ty bảo vệ hỗ trợ 50% giá trị tài sản bị mất. “Vất vả chạy lên chạy xuống, làm đủ các bước, gian nan lắm mới đòi được phân nửa giá trị chiếc xe đã bị mất. Nhưng thôi, được chừng nào hay chừng đó, coi như mình xui và rút kinh nghiệm lần sau” - anh N.Đ.T tự an ủi mình.
Chị H.N.D (ở thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi chị tới uống nước tại một quán cà phê trên địa bàn TP.Bà Rịa, lúc ra về chị và bảo vệ quán không tìm thấy chiếc xe Honda mà chị mới mua chưa đầy một tháng. Báo công an, lập biên bản, rồi sau đó mất công đi lại đòi tiền, bên này đẩy cho bên kia, bên kia đùn cho bên nọ. Cuối cùng, sau mấy tháng trời, chủ quán cà phê cũng chịu bồi thường cho chị D. 60% giá trị tài sản bị mất.
Như vậy, có một thực trạng rất đáng lo ở các điểm giữ xe của nhà hàng, quán cà phê, karaoke…., đó là có người trông coi, gửi xe vẫn mất. Do chủ quan, tin tưởng nhà hàng, quán cà phê nên nhiều khách hàng đã gửi xe mà không lấy phiếu gửi, khi mất rồi không có bằng chứng, chủ quán và công ty bảo vệ không chịu trách nhiệm. Hoặc có nhưng chỉ giải quyết bồi thường với số tiền cũng chỉ mức “động viên”, hỗ trợ.
Theo khuyến cáo của Hội Luật gia tỉnh, để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, người dân gửi xe nên tự bảo vệ mình bằng cách yêu cầu bên giữ xe giao phiếu giữ xe đầy đủ. Hoặc không có phiếu giữ xe thì phải hỏi thông tin cụ thể, ai chịu trách nhiệm khi mất xe. Trường hợp xảy ra mất xe, khách hàng có quyền yêu cầu nhà hàng phải bồi thường cho mình. Nếu nhà hàng không bồi thường thì khách hàng có quyền kiện ra tòa án có thẩm quyền để buộc nhà hàng phải bồi thường giá trị chiếc xe bị mất.
Căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều 401 Bộ luật Dân sự 2005: “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định”, thì việc nhân viên nhà hàng, quán ăn… nhận giữ xe và giao vé giữ xe có thể được hiểu là hành vi giao kết hợp đồng, hay nói cách khác, hình thức của hợp đồng gửi - giữ trong trường hợp này là thông qua hành vi cụ thể. Ngay cả khi người gửi xe không nhận được phiếu giữ xe thì bên giữ xe vẫn có thể bị ràng buộc trách nhiệm.
Nếu một người gửi xe nơi thuộc sự quản lý của nhà hàng mà không có nhân viên giữ xe, nhưng nhà hàng không có bất kỳ sự khuyến cáo nào về việc khách hàng phải tự bảo quản, trông giữ xe của mình thì có thể coi giữa người gửi xe và nhà hàng đã tồn tại hợp đồng gửi - giữ xe. Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2005, người gửi xe có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với chiếc xe đã mất.
Bình luận (0)