Ở Đà Lạt, không ít nơi bán bánh bèo, nhưng “bánh bèo Số 4” có hương vị rất riêng, đã ăn một lần là nhớ mãi. Không chỉ người dân địa phương mê “bánh bèo Số 4”, nhiều du khách cũng tìm đến thưởng thức.
Bà Đặng Thị Hường (71 tuổi) chủ nhân của lò “bánh bèo Số 4” thổ lộ: “Tui quê ở Quảng Ngãi, theo chồng vào Đà Lạt lập nghiệp lúc 20 tuổi; do cuộc sống nghèo túng, nên từ năm 1968 tui (28 tuổi) phải làm bánh bèo bán để nuôi con ăn học, không ngờ nghề làm bánh bèo theo tôi cho đến hôm nay”.
Những năm đầu, mỗi chiều bà Hường thường gánh bánh bèo đến ngã tư Số 4 để bán (địa danh “Số 4” là km Số 4 tính từ trung tâm thành phố Đà Lạt), người ăn chẳng biết tên người bán nên cứ gọi “bánh bèo Số 4” cho tiện. Năm 1987, khi ngôi chợ gỗ Số 4 dựng lên trên đường La Sơn Phu Tử, bà Hường được thuê một góc để bán bánh bèo.
Từ năm 2009, khi chợ Số 4 được nâng cấp, xây thành 3 lầu và hàng ăn được bố trí ở lầu 3; sợ khó làm ăn, gia đình bà Hường đành “bỏ chợ”, thuê mặt bằng ở cuối đường Phan Đình Phùng (Đà Lạt) để tiếp tục bán bánh bèo.
Lúc này, ở gần chợ Số 4 lại xuất hiện quán “bánh bèo Số 4” khác; để thực khách không nhầm lẫn bà Hường phải ghi tấm bảng “Bánh bèo Số 4- Chính hiệu Bà Hường” tại quán mới trên đường Phan Đình Phùng. Có người bàn với bà Hường nên đăng ký thương hiệu cho “bánh bèo Số 4”, nhưng bà Hường lắc đầu và nói: “Ai đã ăn bánh bèo của tui thì họ sẽ không thể nhầm lẫn với bánh bèo khác”.
Bà Hường - chủ nhân bánh bèo Số 4
Đĩa “bánh bèo Số 4” chỉ có 4 miếng bánh nhưng lớn và khá dày; trước đây bánh bèo của bà Hường được làm bằng gạo ngon Tùng Nghĩa (ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), sau này gạo Tùng Nghĩa “đứt bóng” bà Hường chuyển sang làm bằng gạo ngon miền Tây pha với bột gạo khô Sa Đéc.
Có thể nói, nhân bánh là nét đặc trưng nhất của “bánh bèo Số 4”, được làm bằng tôm khô và thịt nạc heo theo bí quyết riêng của bà Hường nên ăn không ngấy; bên trên nhân được rắc tí hành phi và hành lá tươi. “Bánh bèo Số 4” hấp dẫn vì còn có mấy miếng bì heo chiên giòn và vài miếng bánh phồng tôm đặt trên đĩa bánh.
Bà Hường cho biết, bì heo chiên giòn làm rất công phu; da heo mua ở chợ về ngâm với nước muối, sau đó luộc chín xắt nhỏ đem phơi khô. Cứ 7 kg da heo tươi mới được 1 kg da khô, hằng ngày tùy lượng thực khách mà chiên giòn để bán. Bánh bèo ngon nhờ cái nhân và nước lèo (nước mắm pha chế) do chính tay bà Hường chế biến.
“Nước lèo ngòn ngọt tui pha chế chỉ phù hợp cho thực khách miền Trung và miền Nam, với thực khách miền Bắc họ lại thích ăn với nước mắm mặn hơn” - Bà Hường thổ lộ.
Để có thể đáp ứng nhu cầu của thực khách, bà Hường phải huy động thêm con gái, con dâu, con rể, mỗi người “đặc trách” một công việc theo dây chuyền. Hằng ngày mọi người phải thức dậy từ 5 giờ sáng nhóm củi, hấp bánh, làm nhân, xắt hành lá… để 10 giờ sáng có bánh bán cho khách. Dù thời buổi hiện đại với bếp gas, lò điện, nhưng bà Hường vẫn dùng bếp củi hấp bánh bèo như ngày xưa. Phải chăng đây là bí quyết giúp bánh bèo Số 4 ngon hơn?
Nhờ bán bánh bèo mà vợ chồng chị Võ Thị Thu Nga (con gái đầu bà Hường) có thể nuôi 3 cháu học đại học ở TPHCM, riêng cháu gái đầu đang học bậc thạc sĩ. Bà Hường chân thành bộc bạch: “Làm bánh bèo cực lắm. Đại gia đình tui xem đây là cái nghề lao động chân chính để nuôi sống bản thân thôi! Chứ bán bánh bèo có ai giàu đâu bao giờ!”.
Bình luận (0)