Chợ phiên San Thàng mang đậm âm sắc của một phiên chợ vùng cao.
Chợ phiên San Thàng hình thành từ rất lâu đời và là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa của bà con các dân tộc Mông, Thái, Giáy, Lự… đang sinh sống ở một số xã thuộc các huyện Tam Ðường, Phong Thổ, thành phố Lai Châu. Chợ họp hai phiên chính vào ngày thứ năm và chủ nhật mỗi tuần. Tại đó bà con bán những gì mình có và mua những thứ mình cần.
Chị Giàng Thị Lử ở bản Phìn Ngan Xin Chải, xã Tả Lèng, chia sẻ, từ nhiều năm nay, phiên chợ nào chị cũng có mặt; hôm thì xuống bán đôi gà, buổi thì bán ít măng, ít nấm; khi thì lại bán bó rau, nải chuối… Những thứ chị Lử bán có thể do nhà làm ra, cũng có phần do đi rừng kiếm được, cơ bản đều là sản vật địa phương, đồ tự nhiên, rất sạch. Những thứ đó dễ bán, người thành phố họ thích, mua nhiều, cứ mang đến chợ là bán được. Sau mỗi phiên chợ, chị Lử lại mua sắm cho gia đình những nhu yếu phẩm, vật dụng sinh hoạt cần thiết như mắm, muối, đường, con dao, cái cuốc… đủ cả. Mọi thứ cứ như thế diễn ra, tuần hoàn; chợ phiên San Thàng cũng theo đó gắn bó với cuộc sống của gia đình chị Lử biết bao năm nay.
Với đồng bào các dân tộc bản địa là vậy, còn đối với rất nhiều cán bộ, công nhân viên chức đang công tác, làm ăn trên địa bàn thành phố Lai Châu, chợ San Thàng cũng là một điểm đến thường xuyên mỗi dịp cuối tuần. Anh Long - Một cán bộ công tác tại VNPT và sinh sống tại thành phố Lai Châu cho biết, cứ cuối tuần là anh đi chợ San Thàng. Nhiều năm nay rồi thành một thói quen, đến chợ với anh Long chỉ đơn giản là để ăn bát phở chua, mua một ít rau, củ, quả, thực phẩm tươi và một ít gia vị địa phương như ớt, mắc khén, thảo quả… về dùng cho cả gia đình. Thực phẩm ở chợ San Thàng luôn an toàn, bảo đảm tươi, ngon, giá cả cũng hợp lý. Hơn nữa, ở đó ngoài mua sắm còn có thể xem, tìm hiểu hoặc trải nghiệm cuộc sống đời thường đậm sắc mầu văn hóa bản địa; đi chợ cũng là phương pháp xả stress sau mỗi tuần làm việc căng thẳng.
Tương tự anh Long, gia đình chị Chanh, anh U ở thành phố Lai Châu cũng thường đi chợ San Thàng mỗi dịp cuối tuần. Mục tiêu xuống chợ của gia đình là mua sắm; đồng thời cũng là cơ hội để hai đứa con của anh chị có cơ hội tìm hiểu, tiếp xúc thêm với cuộc sống thường ngày của bà con các dân tộc. Theo chị Chanh, ở chợ có đủ thứ mà ở trường, ở thành phố không có; các cháu vừa được chơi, vừa có thêm được những kiến thức, kỹ năng sống mà trong trường học không có…
Không chỉ người dân Lai Châu, du khách ở nhiều nơi khi đến với Lai Châu nếu đúng dịp cũng thường ghé chợ San Thàng. Họ đến có thể chỉ để mua vài miếng bánh bỏng, ăn bát chè con sâu của bà con người Giáy, hay thưởng thức bát bánh đúc, miếng bánh bò của đồng bào Mông; hoặc mua sắm một chút sản vật địa phương làm quà. Thông qua ẩm thực, mua sắm, du khách sẽ có cơ hội giao lưu, trải nghiệm, khám phá đầy đủ hơn về đất và người Lai Châu.
Trải qua thời gian, chợ phiên San Thàng vẫn giữ được bản sắc riêng, độc đáo, mang đậm âm sắc của một phiên chợ vùng cao.
Bình luận (0)