Cán bộ Trung tâm chỉ huy - Công an thành phố Đà Nẵng nhận điện thoại của người dân gọi đến.
Hàng trăm cuộc gọi quấy rối
“Alô! Đường dây nóng 113 phải không?”, “Vâng, chúng tôi nghe đây”, “Nghe cái con M. mày!”… Hàng chục cuộc hội thoại được cán bộ Trung tâm chỉ huy - Công an thành phố Đà Nẵng lưu lại là những cuộc điện thoại mà bên kia đầu dây phát ra những lời lẽ rất thô tục, vô văn hóa. Hầu hết những người gọi đến là thanh niên còn khá trẻ, trong tình trạng say xỉn.
Đại úy Lê Tấn Minh, cán bộ trực xử lý thông tin cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi nhận hơn 100 cuộc điện thoại gọi đến quấy rối hoặc không có nội dung. Mỗi lần nhận điện thoại như vậy thì rất bức xúc, nhưng với tinh thần trách nhiệm của người chiến sĩ công an, chúng tôi nhỏ nhẹ khuyên bảo họ không nên làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ của những người bảo vệ an ninh trật tự”.
Đại úy Lê Tấn Minh cho biết thêm, không chỉ thanh niên gọi, một số học sinh tiểu học cũng gọi đến trêu chọc lực lượng công an. Qua những đoạn hội thoại, chúng tôi nghe được giọng của một cậu bé chưa đầy 10 tuổi gọi đến hỏi có phải chú công an đó không, ở gần trường cháu có đánh bài. Rồi một cậu bé khác gọi đến với tiếng được tiếng mất báo có cướp…
Đại úy Lê Tấn Minh thống kê cho chúng tôi một loạt số điện thoại thường điện đến đường dây nóng 113 để quấy rối. Cụ thể như các số: 0935737292 gọi 4 lần, số 0905082928 gọi 6 lần, 01223559322 gọi 3 lần, 01288843291 gọi 16 lần… Đặc biệt, số điện thoại 01262742673 gọi đến 21 lần để chọc phá, chửi bới lực lượng công an. Ngoài ra, có nhiều số điện thoại bàn cũng gọi đến đường dây nóng để chọc phá hoặc không nói gì.
Khó xử lý
Theo cán bộ trực thông tin, mỗi thông tin của người dân báo đến đều được tiếp nhận và thông báo cho công an các đơn vị, địa phương, các lực lượng cảnh sát chống cướp giật, Cảnh sát 113 làm nhiệm vụ, tùy thuộc vào tình hình thực tế. Tuy nhiên, theo phản ánh của các lực lượng, có những thông tin không chính xác hoặc thông tin giả nên rất mất thời gian, tiền của cho cơ quan công an. “Chúng tôi đã có hàng trăm lần xuất quân, có những vụ việc phải đi lúc nửa đêm, đường xa, trời lạnh buốt, nguy hiểm, tốn kém biết bao nhiêu thời gian, tiền của nhưng lại là thông tin giả”, một cán bộ Cảnh sát 113 có thâm niên trong nghề chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Hải Thuận, Phó Chánh Văn phòng Công an thành phố, cho biết việc xử lý những số điện thoại quấy rối gặp nhiều khó khăn, bởi đa số các đối tượng quấy rối đều dùng sim rác (sim không đăng ký thuê bao). Do đó, lực lượng Công an không thể xác minh được hoặc thời gian tiến hành xác minh lâu. Thời gian qua, chỉ có một trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, cán bộ xử lý thông tin phải tiến hành cài phần mềm hiển thị để nhận biết các số điện thoại quấy rối.
Để hạn chế tình trạng này, ngành công an đề nghị các nhà mạng phải quản lý chặt các thuê bao, không để tồn tại sim rác. “Thời gian qua, việc người dân điện báo thông tin về an ninh trật tự, chúng tôi đã liên hệ, thông báo với các lực lượng chức năng của Công an thành phố giải quyết kịp thời, bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng phạm tội, góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn có những người vô ý thức dùng điện thoại gọi quấy rối. Vì vậy, chúng tôi đề nghị người dân hãy nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mình để cùng lực lượng gìn giữ sự bình yên cho thành phố”, Thượng tá Nguyễn Hải Thuận nói.
Bình luận (0)