Những cây nhãn trên 20 năm tuổi của bà Đỗ Thị Cẩm chỉ trong chốc lát đã trở thành củi.
Mặc dù tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư trên 31 tỉ đồng để hỗ trợ nông dân điều trị bệnh, nhưng vẫn… không cứu vãn được tình thế.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh còn trên 8.700ha nhãn, phần lớn là nhãn tiêu da bò; tập trung nhiều nhất ở huyện Long Hồ, Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít.
Tuy nhiên, hiện nay có đến 100% diện tích bị tái nhiễm bệnh chổi rồng, trong đó có trên 876ha bị nhiễm ở mức độ rất nặng, trên 3.000ha diện tích nhiễm nặng và trên 2.200ha bị nhiễm trung bình.
Do bệnh chổi rồng làm thất thu năng suất, giá nhãn bấp bênh nên nhiều hộ dân đã đốn nhãn để bán củi và trồng thay vào đó bằng loại cây khác.
Bỏ thì thương nhưng vương thì...
Vào những ngày này, đi trên đường ở các xã cù lao Long Hồ như An Bình, Hòa Ninh, Bình Hòa Phước và Đồng Phú thường xuyên gặp âm thanh ò ọ… ò ọ… với hình ảnh người cầm cưa máy đốn hạ từng vườn nhãn da bò hàng chục năm tuổi rồi cắt ra từng phần thật đau xót. Bên vệ đường, những đống củi nhãn khổng lồ nằm lủ khủ chờ ghe đến chở đi.
Đi trên nhựa liên xã cù lao, nghe tiếng ò ọ… của máy cưa cây, chúng tôi ghé vào nhà bà Đỗ Thị Cẩm (ấp An Thạnh, xã An Bình- Long Hồ).
Bà Cẩm đứng phía sau nhà nhìn ra vườn trong cái nắng gay gắt của mùa hè, thợ cưa hạ từng cây, từng cây nhãn trong khu vườn 4ha nhãn da bò trên 20 năm tuổi của mình mà đau xót.
Chúng tôi hỏi về số phận vườn nhãn, bà Cẩm liền dẫn ra vườn nhãn để tận mắt chứng kiến vườn nhãn bị hạ với nỗi lòng đau xót của mình:
“Không ai muốn thấy cảnh tượng này đâu, nhưng chúng tôi đã cố gắng dùng thuốc của Nhà nước hỗ trợ, thuốc mua cũng có và áp dụng kỹ thuật kinh nghiệm của nhà nông để chữa bệnh chổi rồng cho nhãn mấy năm nay rồi mà không có kết quả. Nông dân chúng tôi sống chỉ nhờ huê lợi cây trái, mà liên tiếp mấy năm nay thất thu, chẳng lẽ cứ đứng nhìn chờ đói.
Buộc chúng tôi phải xử những cây nhãn một thời nuôi sống gia đình mình. Trước mắt, chúng tôi chỉ biết đốn nhãn bán củi lấy tiền tiêu xài đỡ, trong lúc khó khăn không còn nguồn thu nhập khác, rồi cũng chưa biết phải trồng cây gì thay thế”.
Rồi bà Cẩm chỉ vào cả trăm trái dừa xếp hàng ngay cạnh nhà đang nảy mầm nói: “Bây giờ trồng cây gì cũng bị bệnh, xứ cù lao này phù hợp với nhãn và chôm chôm, nhưng bây giờ chôm chôm cũng bắt đầu nhiễm chổi rồng rồi. Tui nghĩ trồng dừa là dễ nhứt nên mua cả trăm trái dừa giống về ươm, nhưng nghĩ lại trồng dừa trên đất này dễ làm hư đất, nên thôi, cứ để đó vậy cũng chưa biết sẽ trồng gì”.
Rồi bà Cẩm lại chỉ cây nhãn trước sân nhà nói như cắt ruột: “Cây nhãn này bị chổi rồng hết rồi, nhưng đã trồng hơn 30 năm vừa cho trái vừa làm bóng mát. Bây giờ thôi để luôn cứ dưỡng làm kỷ niệm. Có người đi đường thấy cây nhãn có dáng đẹp hỏi mua nhưng tui trả lời bao nhiêu cũng không bán, để làm bóng mát sân nhà”.
Còn anh Nguyễn Văn Sang (ấp Hòa Quý, xã Hòa Ninh) nói:
“Không chỉ thất thu 2 năm nay, mà dịch chổi rồng đã làm gia đình tôi thất thu 4- 5 năm nay rồi. Thà đốn bỏ trồng chuối, trồng rau còn có thu hoạch, chứ để đó mà không có thu hoạch đồng nào thì để làm gì.
Dịch bệnh hoành hành, riết rồi nhà vườn chúng tôi không biết trồng cây gì cho phù hợp. Đã vậy, hiện nay, củi nhãn cũng giảm liên tục. Trước đó 1 tuần, giá 1 thước củi khoảng 550.000đ, nay chỉ còn 450.000đ, thương lái củi cũng khó tìm vì làm eo”.
Số đông buồn nhưng cũng có… người vui
Hai cha con anh Nguyễn Văn Siêu ở ấp Hòa Quý (xã Hòa Ninh- Long Hồ) đang cưa cắt từng cây nhãn trong vườn bà Cẩm. Thấy chúng tôi hỏi chuyện, anh Siêu ngừng tay cưa, đưa tay quệt mồ hôi chảy xuống mắt, mũi nói:
“Mấy tháng nay, bà con kêu đốn nhãn nhiều quá làm không xuể. Hầu hết trên 4 xã cù lao của huyện Long Hồ đều đốn bỏ nhãn. Hai cha con tui mỗi người một máy cưa, cắt mỗi ngày khoảng 25 thước, mỗi thước được 100.000đ. Cả ngày hai cha con tui kiếm trên 2 triệu đồng, nhờ vậy mà khấm khá hơn trước”.
Ông Phan Văn Tần- Ba Tần (ấp An Hưng, xã An Bình- Long Hồ) là người đầu tiên đưa cây nhãn Thạch Kiệt về trồng trên đất cù lao. Ông Tần trồng trên 200 gốc nhãn Thạch Kiệt trong khu vườn 10.000m2.
Ông Ba Tần cho biết, năm 2004, có dịp đến thăm người quen ở miền Đông Nam Bộ thấy cây nhãn lạ, trái sai, chùm to, lá nhỏ, rất xanh tốt nên mua 20 nhánh (mỗi nhánh 25.000đ) về trồng thử. Song, do ít quan tâm chăm sóc, trồng dưới các tán cây khác nên nhãn chậm phát triển và nhiều lần thay đổi chỗ trồng nên cây chết phân nửa.
Khi nhãn được trồng ngoài trống, chăm sóc kỹ, cây phát triển rất nhanh. Thấy vậy, ông chiết nhánh nhân giống trồng hết vườn. Trong số hơn 200 cây này, có khoảng 20 gốc đã và đang cho trái. Mặc dù nhãn Thạch Kiệt trồng xen trong nhãn da bò vẫn xanh tốt bình thường, không có biểu hiện lây bệnh chổi rồng.
“Cũng như nhãn da bò, nhãn Thạch Kiệt dễ trồng, phát triển nhanh, cho thu hoạch sớm và hiện đang có giá trị khá cao trên 20.000 đ/kg. Điều quan trọng là nhãn Thạch Kiệt còn kháng được bệnh chổi rồng. Hiện nay đã có nhiều người đến mua giống nhưng không đáp ứng đủ, vì còn phải dưỡng cây, chứ chiết nhiều quá sẽ ảnh hưởng năng suất trái và có thể hư cây”- ông Ba Tần phấn khởi.
Những vườn nhãn sum sê ngày nào giờ đã thành “đất mới”.
Nhà nước sẽ làm gì?
Hiện nay một số vườn nhãn, nông dân chưa đốn vội, tiếp tục dưỡng nhãn để có thể được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tuy nhiên, nhiều người đã trồng xen cây chôm chôm dưới gốc, phòng bị khi cây nhãn không còn chịu nổi sẽ đốn để có chôm chôm “kế vị”.
Ông Nguyễn Văn Dũng- cán bộ nông nghiệp xã Bình Hòa Phước cho biết, từ cuối năm 2013 đến nay, nông dân trong xã đã đốn 250/504ha nhãn, chiếm gần 50% diện tích để chuyển sang trồng chôm chôm Java và chôm chôm Thái, có người trồng xen, trồng dự bị dưới gốc nhãn chổi rồng.
Theo ông, việc trồng cây chôm chôm dưới gốc nhãn đang bị chổi rồng là hết sức nguy hiểm vì khoảng 2 năm trở lại đây, tình trạng chổi rồng từ nhãn lây lan sang chôm chôm tại địa phương diễn ra tốc độ nhanh, mặt khác đầu ra trái chôm chôm cũng chưa đảm bảo.
Tuy nhiên, để ngăn chặn là rất khó khăn, vì công tác phòng trị chổi rồng trên nhãn thời gian qua không mang lại kết quả tốt, còn chôm chôm hiện cũng có giá chấp nhận được.
Anh Lê Minh Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã An Bình (Long Hồ), cho biết: “Toàn xã có 601ha nhãn, nhưng vài tháng trở lại đây, bà con đã đốn khoảng 40ha.
Trung tâm Giống huyện Long Hồ vừa thông báo hỗ trợ giống cho bà con chuyển đổi và xã cũng đã đến thông báo cho bà con. Đến ngày 28-3 là hết hạn, nếu với diện tích bà con đăng ký đốn sẽ có khoảng 50% diện tích nhãn trên địa bàn xã sẽ thành củi”.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Long Hồ, toàn huyện có 3.890ha cây nhãn, chủ yếu là nhãn da bò. Hiện đã có 653ha nhãn được bà con đốn bỏ. Dự báo thời gian tới, nhà vườn đã đăng ký đốn bỏ để chuyển đổi giống khác cây khác với số lượng lớn…
Ông Ôn Thanh Ngân- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) cho biết: Hiện toàn huyện có trên 1.200ha nhãn. Chủ yếu ở các xã cù lao Lục Sĩ Thành, Phú Thành, Tích Thiện. Trước tình hình dịch chổi rồng hoành hành, có nhiều bà con đã đốn nhãn bỏ thay thế bằng những giống cây khác, nhưng chưa thể thống kê được.
Ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Nguyên nhân do dịch chổi rồng tái phát trên cây nhãn da bò mà thời gian qua trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có trên 900ha nhãn bị nhà vườn đốn bỏ, chiếm trên 10%.
Đây là con số khá lớn mà nhà vườn tự định đoạt. Sở đang trình với UBND tỉnh về kế hoạch chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi đến năm 2020, trong đó có cây nhãn.
Theo đó, nếu cây nhãn từ 10 năm tuổi trở xuống sẽ khuyến khích bà con chăm dưỡng, còn trên 10 năm tuổi sẽ yêu cầu bà con mạnh dạn đốn bỏ, trồng cây khác như nhãn indo và chôm chôm. Mặc dù 2 loại này cũng đang có dịch chổi rồng nhưng chỉ ở mức dưới 10%, kiểm soát được.
Nếu kế hoạch được phê duyệt, bà con nông dân sẽ được hỗ trợ giống nông nghiệp để chuyển đổi giống cây trồng nhằm mang lại hiệu quả, năng suất cho nhà vườn, ổn định cuộc sống.
Bình luận (0)