Hồng giòn
Hồng giòn tức hồng còn xanh. Hồng chín hẳn chuyển sang đỏ, thịt mềm. Để hồng không bị chát, nông dân Đà Lạt bẻ trái hồng đã già nhưng còn xanh rồi “ủ” trong bao kín khoảng 10-15 ngày. Gần đây, một số người dùng đến vôi và nhiều cách khác để làm giòn trái hồng nhưng không làm mất hết được vị chát.
Nhiều người dân bản địa cho biết, người Đà Lạt trước đây chỉ ăn hồng chín. Hồng giòn chỉ mới được biết đến trong thời gian gần đây, chủ yếu là bán cho khách mua về làm quà. Ở Đà Lạt, hồng trĩu quả trên cây. Vào mùa thu hoạch, hồng có màu vàng hơi xanh và đỏ. Thu hoạch hồng giòn là phải hái trái khi còn xanh và xử lý đơn giản như nói trên. Hồng giòn được gọt vỏ xong rồi chẻ thành miếng vừa miệng ăn cho vào miệng nhai giòn rôm rốp.
Trái hồng còn có giá trị đông y, chữa được nhiều bệnh. Phấn hồng, cuống hồng, vỏ hồng và thịt trái hồng, cả lá hồng... đều là những vị thuốc. Hồng ép lấy nước hòa với sữa cho ra vị thuốc đặc trị tăng huyết áp hiệu nghiệm. Lá hồng phơi khô và nghiền nhỏ trị các loại bệnh xuất huyết nội, được nhiều thầy đông y sử dụng. Ngoài ra, hồng còn trị được nhiều loại bệnh, như: chữa nấc, lở môi và lưỡi, dị ứng da, viêm ruột, kiết...
Hồng giòn được bày bán nhiều ở chợ trung tâm Đà Lạt và các tuyến đường có du khách đi qua. Mùa này, nông dân mang hồng giòn bán đến tận đèo Prenn. Giá khoảng 5.000-8.000 đồng/kg tùy cỡ trái. Nếu “săn” được hồng mới hái, khách gói kỹ trong bọc ni lông rồi mang về để nguyên như vậy thêm khoảng 10 ngày thì ăn sẽ ngon, giòn rụm, ngọt thanh.
Bình luận (0)