Một con rắn hổ mây đen bị hạ sát
Rắn hổ mây và những câu chuyện... trên mây
Đại tự điển Việt Nam do Nguyễn Như Ý chủ biên có đề cập đến các kỳ hoa dị thú nhưng không thấy dòng nào nhắc đến hổ mây. Lên mạng, vào Google gõ thông tin truy tìm tên khoa học rắn hổ mây chỉ tìm được hổ mây gờ- được liệt vào sát thủ săn đêm nhưng loài này so với hổ mây như anh tí hon bên gã khổng lồ.
Rắn hổ mây là rắn quý hay rắn thường? Cho tới nay, câu trả lời vẫn bỏ ngõ như cuộc đời bí ẩn của chúng. Nhưng câu chuyện rợn người về hổ mây chốn rừng xanh từ bao đời qua luôn hấp dẫn nhân gian. Mới đây một tờ báo mạng còn đưa tin rắn hổ mây khổng lồ ở An Giang là một trong 5 sự kiện đình đám của năm 2010 dù chưa ai ghi hình hay chứng thực chúng.
Chuyện hổ mây nóng lên khi ông Trần Quốc Diệp (ngụ ấp Xuân Hiệp, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang) tung tin chạm mắt rắn hổ mây khổng lồ. Ông Diệp kể với nhiều người rằng, trưa ngày 8-9-2010, ông thấy một con rắn hổ mây dài trên 20m, nặng trên 400kg đang nằm thù lù trong lùm cây. Con rắn to thấy ông Diệp liền phùng mang rướn mình đuổi theo khiến ông chạy trối chết, sau đó đột ngột nó chui vào hang sâu mất tăm.
Ông Lê Thành Công, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tịnh Biên, nghe chuyện cho rằng “lếu láo”, nói dóc mà không có căn dù thừa nhận trên vùng Bảy Núi có nhiều rắn to.
Ông Công lập luận: “Rắn to cỡ đó, hang nó ở gần khu dân cư chỉ vài trăm mét, bò ra bò vào khu dân cư thành bình địa luôn”. Theo ông Công, cái hang mà ông Diệp chỉ kiểm lâm kiểm tra lại là cái hố nông do mưa gió bào mòn thành miệng hố. Ông Công lý giải: “Ông Diệp nghiện rượu nên hôm đó có thể hoa mắt nhìn thấy rắn nhỏ thành rắn to”.
Trước đó, trên núi Cấm (Tịnh Biên) ngay suối Thanh Long, cũng có tin đồn đoán về có cặp rắn hổ mây đen trú trong hang sâu. Tin đồn rằng, một phụ nữ phương xa lên núi hành hương, tới gần hang rắn ngồi xuống rửa mặt. Bất thình lình, một cái đầu rắn bự như cái thúng từ dưới suối lừng lên đớp người phụ nữ lôi xuống hang. Những người chứng kiến kinh hồn nát vía ù té chạy. Những ông X., bà Y., cô H. thề sống thề chết từng bị rắn hổ mây rượt trối chết nhưng thoát nạn hy hữu luôn là câu chuyện chưa ai kiểm chứng.
Thần y Ba Lưới, tên tục Nguyễn Văn Y lên núi Cấm tu đạo lúc tuổi đôi mươi, cứu mạng nhiều người lâm bệnh ngặt nghèo hay rắn cắn trầm ngâm nói: “Núi Cấm ngày xưa “độc xà ác thú” ở rất nhiều, ở đây có cái hang người dân đặt tên hang ông Mây. Chuyện kể về rắn có cái đúng, có cái quá phóng đại. Còn rắn hổ mây to hàng trăm ký là có thật, tôi đã đánh chết hai con cỡ đó để tự vệ. Còn từ 40 năm trở lại đây không thấy rắn to nữa, có thể chúng bò qua núi Tà Lơn bên Campuchia tránh người”.
Nhưng ông Y cho rằng núi Cấm vẫn còn rắn hổ mây, không biết to hay nhỏ mà thôi. Gần đây, khi về đêm con chó săn tinh khôn của ông rút trong nhà nằm run lẩy bẩy, sủa đứt hơi. Ông Y nói chỉ có mùi rắn hổ mây và hổ mới làm chó khiếp sợ đến thế. Tuy vậy, ông Y vẫn điềm nhiên với loài rắn chúa này và lý giải người có cõi riêng của người, rắn có cõi riêng của rắn, đừng ai xâm phạm ai thì ổn.
Nhưng ông Nguyễn Văn Sơn- người mua ngọn núi Ông Két trên vùng Thất Sơn làm điểm du lịch vẫn tin rằng còn rắn to. Phía sau hậu sơn, ông Sơn cho xây cặp rắn hổ mây to bằng đá cứng để... trấn yểm hổ mây. Ông Sơn lý giải các hang động trên Bảy Núi ăn luồng nhau là nơi lý tưởng cho hổ mây trú thân.
Ông Sơn nói: “Người xưa đồn rắn hổ mây chỉ sợ loài to lớn hơn chúng. Nên cặp rắn tôi xây thật to, trên đầu có mồng như mồng gà, mắt đỏ rực. Để khi ban đêm mấy ông bò ra gặp cặp rắn giả sợ mà thoái lui”.
Những câu chuyện có thật
Vậy rắn hổ mây có còn hay đã biến mất theo thời đại? Nhiều thợ săn rắn cả quyết, rắn hổ mây vẫn còn ở vùng U Minh, Bảy Núi, Phú Quốc. Có điều chúng không to như chuyện ông bà kể. Đặc biệt Phú Quốc (Kiên Giang) là hòn đảo còn nhiều hổ mây trú thân.
Ông Trịnh Khắc Toản, Hạt phó Hạt kiểm lâm Phú Quốc, cho biết, hổ mây nó là loài cực độc trong họ rắn hổ. Gặp hổ mây tốt nhất là chạy, chạy càng nhanh càng tốt nếu không với một cú nhoài người nhanh như gió nó sẽ đưa con mồi vào hiểm địa với nọc độc kinh người.
Ông Toản nói cách đây 5 năm, ông đi rừng chạm mặt rắn hổ mây nặng hàng chục ký và may mắn chạy thoát. Rắn hổ mây dài như cây tre, thân thể dài ngoằng như vậy nên nhiều người tưởng lầm là hổ mây di chuyển bằng chót đuôi, kỳ thực chúng di chuyển bằng nửa thân sau.
Những người sống bằng nghề đi rừng ở Phú Quốc sợ nhất là đụng mặt rắn hổ mây, gặp rắn nhỏ có cơ may thoát nạn nhưng gặp loài rắn to từ 30kg trở lên phải tìm thầy thuốc rắn trị nọc độc. Ở Phú Quốc, có 2 loài rắn hổ mây đen và hổ mây vàng đều độc như nhau.
Dân đảo lý giải gọi là hổ mây vì chúng màu mốc vàng (hoặc đen) xen kẽ đốm trắng như trái mây, bụng vằn màu trắng sữa. Các cụ lão cho biết ngày xưa người dân vẫn gặp các loài rắn hổ mây to như thân cây ở Phú Quốc. Những con rắn lớn thuộc loại mãng xà như vậy có thân dài gần 20m, đầu có mồng như gà, chúng rít the thé như tiếng gà gáy. Người dân ví von hổ mây là “ẩn sĩ” vì rằng chúng chỉ xuất hiện chốn thâm u, hiếm khi xuất hiện chốn đồng bằng.
Ở Phú Quốc, có hai người săn thú từng chạm mắt hổ mây và sau đó đoạn tuyệt với nghề. Anh Nguyễn Văn Trường (35 tuổi ở Cửa Cạn) chuyên đi săn. Hôm đó, đang theo đuổi con mồi, thình lình anh nghe tiếng le te như gà gáy. Trường nghe ớn lạnh, bởi gà rừng nghe tiếng động đã lẩn trốn nên đoán ra đó là “hung thần rừng xanh” vội chạy thục mạng. Một con hổ mây đen lao tới và anh nghe buốt tay trái. Về tới nhà anh đổ gục, mình lạnh ngắt, người nhà vội đưa anh đi thầy cứu chữa.
Thoát khỏi tử thần Trường cạo đầu bỏ nghề đi săn. Còn ông Bảy Nam ở Bãi Vòng đi săn rắn bị hổ mây vàng rượt đuổi. Bầy chó săn tinh khôn nhào tới cắn rắn cứu chủ. Ông Bảy Nam thoát tai ách nhưng hai con chó săn tinh khôn không tìm được xác. Ông Nam bỏ nghề và thề không đụng đến miếng thịt chó.
Vì hổ mây sống trong rừng, bí hiểm nên dân gian đồn đoán mật rắn trị được bệnh kéo mây, máu rắn uống tăng cường tuổi thọ, trị dứt các bệnh kể cả bệnh ung thư. Và vì thế loài rắn độc này dù là cực độc vẫn bị săn bắt.
Ông P.- người cố cựu trên đảo cho biết, khi các cánh rừng sâu cạn nước, rắn hổ mây hay bò xuống các suối tìm nước nên bị người ta rình rập, săn gặp rắn nhỏ là đập chết. Rắn hổ mây có yếu điểm khi khát nước cháy họng là gục cổ xuống uống và người ta nhân lúc này dùng cây đập chúng gãy cổ hoặc gãy sống lưng.
Cũng có khi con rắn xấu số bò qua đường lộ và bị xe bốn bánh cán chết. Mới đây, 2 thanh niên lái xe tải cán trúng hổ mây chỉ còn thở thoi thóp, đã lượm rắn khâu miệng lại bỏ vào bao tải, thảy lên xe. Chở đi vài cây số thì kiểm lâm xuất hiện kiểm tra xe thu lại xác rắn và phạt 500.000đ do vận chuyển động vật hoang dã trái phép.
Theo các cán bộ kiểm lâm, do 2 thanh niên đó vô ý cán chết rắn, nếu không có thể bị xử tội săn bắt động vật quý hiếm. Đó là con rắn hổ mây đen còn nhỏ nặng khoảng 5,6kg nhưng chiều dài đã hơn 3,1m.
Nơi rắn hay mò xuống uống nước là suối Tranh ấp Bãi Vòng. Cách đây không lâu, một nhóm người phát hiện con hổ mây vàng nặng khoảng 7kg đang gục đầu uống nước. Cuộc chiến giữa rắn và người xảy ra và con rắn bị hạ sát, ngay lập tức xác con rắn được tẩu tán nhanh chóng.
Ông P. từng mua xác rắn hổ mây vàng ngâm rượu với giá 3 triệu đồng. Con rắn hổ mây còn nhỏ, nặng khoảng 6kg bị ông T. và bầy chó săn Phú Quốc phục kích ngay khu vực suối Tranh. Trước khi bị hạ gục, con rắn hung hăng kháng cự khiến hai con chó săn bị trúng độc vong mạng.
Ông N. thì dè dặt cho biết, không biết máu rắn hổ mây có trị được bệnh ung thư hay không nhưng công dụng khác như trị nhức mỏi, bổ dưỡng thì có thể vì rắn hổ mây cũng là loài rắn hổ.
Theo ông, giá rắn hổ mây hiện nay từ 800.000 - 1.500.000 đ/kg nhưng chuyện buôn bán âm thầm không ồn ào như lúc trước, vì cả người mua và bán loài rắn đang có nguy cơ tuyệt chủng này sợ bị pháp luật sờ gáy.
Bình luận (0)