xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Huyền thoại hổ mang chúa trên đỉnh Thiên Cấm Sơn

Theo CAO TÂM (An Giang Online)

Cư dân sống trên đỉnh Thiên Cấm sơn (An Giang) trước những năm 1970 xếp loài hổ mang chúa (rắn hổ mây) đứng đầu các loài thú dữ ở ngọn núi này, dữ hơn cả heo một (heo rừng có nanh) và chúa tể sơn lâm (hổ).

Ông ba Lưới (Nguyễn Văn Y, 101 tuổi) - người sống lâu năm nhất trên ngọn Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) - nắm giữ nhiều huyền thoại về ngọn núi này, khi núi Cấm còn là khu rừng nguyên sinh. Quê gốc ở cù lao Ven, gần chùa Đạo Nằm, huyện Chợ Mới, ông lên núi đầu năm 1930, lúc đó chưa tròn 18 tuổi. Ông nói, việc lên non lập nghiệp dường như có một phần căn duyên.
 
Trước năm 1930, núi Cấm hoang vu lắm, điều kiện sống rất khắc nghiệt, sơn dân luôn đối mặt với thú dữ từng ngày, từng giờ. Đổi lại, được sống ở vùng núi khí hậu trong lành nên thọ đến nay- ông ba Lưới giải thích lý do ông sống đến 101 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Ông có đến hai đời vợ với 5 người con và hơn chục cháu. Hiện tại, ông làm nghề bốc thuốc nam cho khách thập phương viếng núi.
 
Trong câu chuyện đầu xuân bên ấm trà nóng giữa tiết trời núi rừng se lạnh, ông vui vẻ kể lại một thời oanh liệt ngang dọc trên ngọn núi thiêng hùng vĩ này, với nhiều lần chạm trán thú dữ, trong đó có loài hổ mang chúa.

img
Hổ mang chúa trong sách Đỏ Việt Nam.
 
Ông ba Lưới mô tả loài rắn hổ mang chúa “khủng” trên núi Cấm thường có màu vàng cháy như trái mây và trên đầu có sọc, còn loại nhỏ ở hang đá hay miệt bưng, có màu đen huyền hoặc màu măng rừng. Trước những năm 1970, các loài thú dữ như hổ mang chúa, cạp nia, hổ sơn, heo rừng, báo, hổ… sống từng bầy đàn ở vồ Thiên Tuế và vồ Đầu.
 
Thời gian mới lên núi, ông phải làm gác trên ngọn cây cao cách mặt đất 7-10m để ở. Đêm đến, đốt lửa bên dưới để vừa sưởi ấm, đồng thời tránh thú dữ tấn công. Tuy có lo sợ thú dữ nhưng theo ông mấy khi chúng tấn công con người, trừ những trường hợp chúng bị dồn vào đường cùng mới tấn công lại, đó là nguyên tắc sinh tồn của loài động vật. Cư dân sống trên núi chẳng mấy ai bắt rắn, gặp loài rắn độc hay rắn dữ như hổ mang chúa thì đuổi nó đi hoặc tìm cách né tránh.
 
Bản thân ông đã từng gặp trăn và hổ mang chúa ước lượng cả trăm ký. Hơn 62 năm sống ở đây, ông đã có hai lần chạm trán với loài rắn dữ này. Ông nhớ lại, lần thứ nhất khoảng thập niên 60, năm đó nhuận hai tháng 4. Mỗi khi rời khỏi chòi, ông luôn cầm theo 2 vật là cây đòn gánh, búa hoặc dao quéo. Từ chòi ở Vồ Đầu, theo đường mòn lên đỉnh, bất thần ông chạm trán với con hổ mang chúa khoảng gần trăm ký (?), to như cột nhà nằm gác đầu chắn ngang đường đi. Ông nhặt cục đá ném, định đuổi nhưng không ngờ nó ngóc đầu phùng mang.
 
Ông đứng cách con rắn chừng 5m, nó từ trên dốc lao xuống, lúc bấy giờ còn trẻ và sức khỏe tốt, lại biết chút võ nghệ nên ông nhanh nhẹn tránh đòn tấn công của con rắn, tay phải cầm đòn gánh đánh một đòn chí mạng vào cổ con rắn bằng thế võ đánh thú dữ. Cú đánh như trời giáng vào chỗ hiểm, con rắn gãy cổ chết, vẫy vùng dữ dội. Lần khác, ông men theo lối mòn quanh sườn núi, tay cầm cây quéo và cây búa, gặp con hổ mang chúa nặng chừng 50-70 ký phùng mang lao vào tấn công.
 
Bằng thế võ đánh dao quéo, ông ra tay chỉ một nhát làm con rắn đứt ngọt cái đầu. Vậy là lần thứ hai ông hạ “nóc ao” hổ mang chúa bất đắc dĩ, vì nó chủ động tấn công ông trước. Cả đời sống trên ngọn núi này, chưa bao giờ ông bắt rắn để ăn thịt. Ông nói, con người phải biết sống chan hòa với thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, sống dung hòa với động vật để cùng tồn tại.
 
img
 Anh Du và ông ba Lưới trên đỉnh Thiên Cấm Sơn.
 
Vì sao rắn hổ mang chúa khủng biến mất khỏi rừng núi Cấm ? Ông ba Lưới giải thích, có thể các trận giặc năm 1973-1974, máy bay Mỹ ném bom và rải chất độc hóa học làm cây rừng chết khô, vài tháng sau bị cháy trụi. Sau những năm giải phóng miền Nam, hàng trăm hộ dân kéo lên núi phá rừng làm rẫy, mở đường dân sinh. Đến nay, hơn 1.000 hộ dân sinh sống, phát triển du lịch, làm đường ôtô lên núi và xe gắn máy len lỏi khắp nơi...
 
Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên – Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, sau năm 1978, rừng núi Cấm bị khai thác trắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của thú rừng. Có lẽ, mất hết rừng nên các loài thú dữ không còn nơi để trú ngụ. Sau năm 1990, mới có chủ trương trồng rừng và khoanh nuôi các khu rừng tái sinh.
 
Ông Phạm Văn Du- nhân viên Trạm Kiểm lâm núi Cấm- xác nhận: Núi Cấm vẫn còn loài hổ mang chúa nhưng chủ yếu là rắn nhỏ. Hồi tháng 9-2012, ông gặp một con cỡ bắp tay có màu đen mốc. Loài rắn này cũng không đến nỗi nguy hiểm lắm, nếu con người không có những hành động tấn công chúng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo