Một phòng trong khu “nhà hạnh phúc” tại Trại giam Xuân Nguyên Ảnh: Hoàng Phước
Ngôi nhà mơ ước của phạm nhân
Thăm trại giam Xuân Nguyên (thuộc Cục V26 - Bộ Công an, đóng tại huyện Thủy Nguyên), nhiều người bất ngờ thú vị khi thấy một ngôi nhà 2 tầng với 10 phòng, thiết kế theo kiểu nhà nghỉ, khách sạn. Điều khác biệt của ngôi nhà này với các nhà nghỉ, khách sạn là thay vì tên biển hiệu “Nhà nghỉ (khách sạn)…là dòng chữ lớn “Nhà hạnh phúc”.
Đem thắc mắc về ngôi nhà hỏi đại tá Đào Huy Lộc, Giám thị trại giam Xuân Nguyên, ông giải thích: “Hiện, trại giam Xuân Nguyên giam giữ, cải tạo hơn 3.000 phạm nhân cả nam và nữ. Nhà hạnh phúc được xây dựng nhằm tạo điều kiện cho những phạm nhân phấn đấu, rèn luyện tốt được gần gũi vợ (chồng) trong một khoảng thời gian nhất định.
Quy định của trại là nếu các phạm nhân cải tạo tốt sẽ được gặp, "gần gũi" vợ (chồng) mỗi tháng 1 lần, mỗi lần gặp 1/2 ngày. Trước đây, quy định này chỉ ưu tiên cho phạm nhân nam bởi các phạm nhân nữ rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, trại Xuân Nguyên cũng cho phép các phạm nhân nữ được gặp chồng”.
Ở trại Xuân Nguyên có gần 1.000 phạm nhân nữ, chiếm 1/3 tổng số phạm nhân đang thụ án tại đây, phần lớn đã có chồng. Vì vậy, tạo điều kiện để các phạm nhân nữ được gặp chồng trên thực tế cũng có nhiều khó khăn: Phải có những quy chế riêng, nội quy riêng như phát thuốc tránh thai cho phạm nhân uống trước khi gặp chồng 30 phút, phát bao cao su phòng tránh HIV…
Tại các phân trại của trại giam Xuân Nguyên, câu chuyện về Nhà hạnh phúc luôn là chủ đề “nóng” của phạm nhân. Trong 3.000 phạm nhân ở đây, đa phần đều có vợ (chồng). Chỉ vì những sai lầm của bản thân mà họ phải trả giá bằng việc vợ (chồng) xa cách đằng đẵng.
Phạm nhân Nguyễn Tiến Thanh ở phân trại 1, trại giam Xuân Nguyên chia sẻ: Tôi chịu mức án 12 năm, nay thụ án được 6 năm. Khi mới vào trại, tôi buồn lắm, buồn vì mình một phần, nghĩ về gia đình nhiều hơn. Khi tôi bị tuyên án, vợ tôi mới 28 tuổi, lại xinh đẹp nữa. Mình chịu cảnh tù tội, cứ nghĩ tới cảnh biết đâu vợ mình không chịu được cảnh cô đơn mà ngã vào vòng tay người đàn ông khác. Dằn vặt, lo nghĩ cũng chẳng đi đến đâu, tôi cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về.
Thời gian qua, vợ chồng tôi như “ngưu lang, chức nữ”, 1 năm gặp nhau 2-3 lần. Do cải tạo tốt, 6 năm qua tôi được 2 lần gặp vợ ở Nhà hạnh phúc. Sau mỗi lần gặp gỡ, tâm tình hàn huyên, nhà hạnh phúc như sợi dây gắn lại những rạn nứt trong tình cảm vợ chồng khi kẻ bên trong, người bên ngoài song sắt.
Chất keo gắn kết những mối tình rạn vỡ
Khi nghe người lạ hỏi về Nhà hạnh phúc, đa số các phạm nhân nữ đều đỏ mặt, nói sang chuyện khác. Tuy nhiên, cũng có những phạm nhân bạo dạn kể về ngôi nhà này. Họ cho biết, phạm nhân nữ nói về Nhà hạnh phúc còn nhiều hơn nam giới (vì họ hay “buôn dưa lê” mà).
Phạm nhân tên Dương, quê ở Nam Định kể: “Ở phân trại em, mỗi lần có chị em được gặp chồng ở Nhà hạnh phúc về đều bị quây lại hỏi chuyện. Ai cũng khát khao mong ngóng được bù đắp tình cảm sau những tháng ngày dài thụ án.
Phạm nhân Nguyễn Thị Bích quê ở tỉnh Quảng Ninh góp chuyện bằng giọng kể buồn: “Tôi phạm tội buôn bán ma túy, bị tuyên phạt 20 năm tù giam. Năm 2005, tôi lĩnh án khi mới 29 tuổi, có chồng và 1 con. Tòa tuyên án, tôi ngất lên, ngất xuống khi nghĩ tới quãng thời gian đằng đẵng mà mình phải trả giá. “20 năm trong tù sẽ lấy đi của mình tất cả”, tôi đã nghĩ như vậy và có lúc nghĩ tới việc quyên sinh. Tuy nhiên, chồng tôi vẫn chung thủy, mỗi lần đến thăm, anh động viên tôi cố gắng cải tạo tốt, sớm về với anh và con. Cách đây 6 tháng, tôi được gặp chồng ở Nhà hạnh phúc”.
Gương mặt người nữ phạm nhân bỗng ửng đỏ. 6 năm trong trại giam không tàn phá nét đẹp của người phụ nữ này, từng nét trên khuôn mặt, dáng người của chị căng tràn khát khao hạnh phúc cuộc sống vợ chồng. Bích bẽn lẽn: "Khi trại có phòng hạnh phúc, nhiều chị em khác như tôi phấn khởi lắm. Buổi tối, chúng tôi hầu như chỉ nói chuyện về căn phòng này thôi. Ai cũng háo hức và tự động viên nhau hãy cố gắng hết sức để được vào căn phòng này dù chỉ một lần".
Phạm nhân là những người bị mất quyền công dân, nhưng họ vẫn còn những quyền cơ bản của một con người. Không có biện pháp giáo dục nào đối với các phạm nhân tốt hơn là khơi gợi sự hướng thiện của họ bằng mối dây liên hệ tình cảm khăng khít với người thân trong gia đình, đặc biệt là tình vợ chồng.
Hơn 3.000 phạm nhân nơi đây đều có những khát khao tình cảm và Nhà hạnh phúc là một mục tiêu họ mong muốn được đặt chân trong thời gian dài thụ án. Sau những phút giây hàn huyên, tâm sự ở Nhà hạnh phúc, mỗi phạm nhân về nơi giam giữ với tâm trạng phấn chấn, quyết tâm cải tạo tốt, làm lại cuộc đời.
Sau những ngày thụ án, có lẽ nơi để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong nhiều phạm nhân chính là ngôi nhà 2 tầng, màu xanh có tên “Nhà hạnh phúc”. Ở đó có biết bao số phận nhận được ánh sáng của sự hoàn lương, vị tha từ chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với những người một thời lầm lỗi.
Bình luận (0)