Ngôi chùa một thời huy hoàng
Chùa Hồ Thiên nằm trong Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. Ngôi chùa đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia từ năm 2006. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Hồ Thiên huy hoàng trong lịch sử đến nay chỉ còn là phế tích, nhưng khu thánh địa linh thiêng nguyên sơ này đang được tích cực tôn tạo, nhằm trả lại những giá trị vốn có.
Ngôi chùa toạ lạc trên núi Phật Sơn, nơi mà theo các nhà phong thuỷ là có địa thế “long chầu, hổ phục” rất đắc địa. Sư trụ trì chùa Hồ Thiên là Tỷ kheo Thích Đạt Ma Trí Thông, cho chúng tôi biết: “Khu chùa tựa vào đỉnh núi Phật Sơn, cho nên suốt cả mùa đông không hề có ngọn gió bấc nào thổi vào được...”. Nhà sư còn giải thích: “Chữ hồ trong Hồ Thiên tự không phải là ao, mà mang nghĩa “quần tụ”. Hồ Thiên là sự quần tụ trên trời...”.
Khách tham quan tấm bia đá, dấu tích duy nhất còn nguyên vẹn.
Ấn tượng nhất hiện còn ở ngôi chùa cổ là tấm bia đá lớn ở trong một nhà bia mới dựng, được ghép mộng đá thay nhà bia cũ xây bằng gạch. Sau gần 300 năm tồn tại, đến nay những nét chữ, chạm khắc trên bia vẫn rất rõ nét. Có ý kiến cho rằng đây là tấm bia đá đẹp nhất hiện nay trong các di tích ở Quảng Ninh.
Bên cạnh những giá trị về nghệ thuật, tấm bia còn ẩn chứa giá trị về mặt lịch sử, văn học, đó là bài văn khắc trên bia ca ngợi cảnh đẹp Hồ Thiên và ca ngợi công đức của chúa Trịnh. Bia dựng ngày tốt tháng 3 niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736).
Phần mở đầu, bài văn bia viết (GS Phan Văn Các, Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch): “Ngọn núi đôi nổi tiếng miền Đông là thắng cảnh bậc nhất trong thiên hạ. Am mây, hang rồng sừng sững xanh, mây dồn, gấm tụ, đá núi liền tận Quỳnh Lâm bảo đài... Mà động Trù Phong sừng sững nhấp nhô góc dồn xe biếc, đỉnh núi bao quanh, suối khe uốn lượn.../ Chỉ có nhà Trần xưa vốn tôn sùng đạo Phật, mở núi, san nền nơi đây, xây tam cấp, dựng bảo tháp 5 tầng. Trải bao sương gió, nền móng vững bền mà biếc vàng lộng lẫy...”.
Cuối bài văn bia khắc bài thơ của chúa Trịnh Cương có tựa đề “Ngự chế Hồ Thiên tự thi” (bài thơ về chùa Hồ Thiên), ca ngợi cảnh đẹp Hồ Thiên mà tôi đã đọc, khiến anh bạn tôi quyết chí một lần từ Nam Định đến thăm chùa Hồ Thiên.
Theo tài liệu nghiên cứu gần đây, từ thời Trần đã xây dựng một con đường nối các di tích từ Tây sang Đông của dãy núi Yên Tử, tạo thành một con đường hành đạo thông suốt dài mấy chục cây số quanh dãy núi thiêng.
Nhà khảo cổ Nguyễn Văn Anh (Viện Khảo cổ học Việt Nam), trong quá trình nghiên cứu tại Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều còn đưa ra nhận định rằng, khu vực Ngoạ Vân - Hồ Thiên ở Đông Triều là cầu nối dài hệ thống chùa tháp của thiền phái này đến tận vùng Côn Sơn của tỉnh Hải Dương ngày nay.
Theo người dân ở xã An Sinh (Đông Triều), thì con đường cổ kết nối các di tích từ khu lăng mộ các vua Trần lên Ngoạ Vân sang Hồ Thiên được bắt đầu từ đập Trại Lốc, con đập nhân tạo để giữ nước từ Thác Vàng, Thác Bạc trên đỉnh núi Phật Sơn đổ xuống phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của các xã phía Tây huyện Đông Triều. Hiện trong lòng hồ có gò nổi, nơi đặt mộ vua Trần Anh Tông.
Đứng trên đập Trại Lốc, phóng tầm mắt về phía Nam, nhìn thấy khu vực chùa Quỳnh Lâm, đền An Sinh thờ 8 vua Trần, quả đồi có đền Thái và những khe núi, đỉnh đồi, nơi từng có những quần thể lăng mộ thờ các vua Trần...
Từ đập Trại Lốc thuộc địa phận xã An Sinh, có một con đường vòng cung đi lên Am Ngọa Vân nằm ở địa phận xã Bình Khê. Bám dọc suối Trại Lốc, leo núi xuyên qua những cánh rừng già, đại ngàn trúc, qua mấy dãy núi, lên đến đỉnh núi Bảo Đài (tên cổ là núi Vây Rồng), sẽ đến được Am Ngoạ Vân - thánh địa Trúc Lâm - nơi Đức vua hoá Phật.
Qua Ngọa Vân, tiếp tục đi vượt qua khu Đá Chồng đầy mây mù là sang đến núi Phật Sơn, ngọn núi thiêng của dãy Yên Tử, tiếp tục qua rừng trúc xanh ngút ngàn là lên được chùa Hồ Thiên đẹp nổi tiếng trong lịch sử...
Qua bao vất vả, chúng tôi mới lên đến chùa Hồ Thiên. Anh bạn tôi ban đầu dường như hơi thất vọng khi nhìn thấy trên mỏm núi tuyệt đẹp không phải là một ngôi chùa cổ tráng lệ như trong sử sách mô tả, mà chỉ là vài gian nhà nhỏ xây bằng gạch, trát vữa, quét sơn sáng bóng, lợp ngói đỏ au cùng những gian nhà gỗ lợp tôn đỏ sẫm. Nhưng sự thất vọng này đã nhanh chóng tan biến, thay vào đó là sự sững sờ, thán phục xen lẫn nuối tiếc, khi chúng tôi cùng nhà sư trụ trì chùa đi dạo một vòng quanh mỏm núi bảng lảng mây mù.
Trên diện tích đất tương đối bằng phẳng ở mỏm phía Nam của ngọn núi Phật Sơn, la liệt các di vật khảo cổ. Lẫn trong bụi cỏ, hốc cây, là những phiến đá xanh đổ vỡ ngang ngửa, những đống gạch, ngói vỡ thời Trần được khai quật qua các đợt khảo cổ, những tảng chân cột chạm trổ hình hoa sen đường nét tinh xảo, những tượng voi, ngựa, rồng đá cụt đầu, cụt đuôi, những bia đá nứt vỡ được chắp vá và cả 2 pho tượng đá đang được nhận định là của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và thiền sư Pháp Loa đã được nhà sư trụ trì gắn lại đầu pho tượng.
Sử cũ ghi rằng, chùa Hồ Thiên được xây dựng vào thời Trần, là nơi đăng đàn thuyết pháp của Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi Pháp Loa kế tục sự nghiệp của Trần Nhân Tông, vào thế kỷ XIV, ông đã cho xây dựng ở đây hàng chục công trình với quy mô đồ sộ như khu chùa chính, khu nhà bia, khu tăng xá, khu vườn tháp… để làm nơi truyền kinh giảng đạo. Đến thời Hậu Lê, chùa Hồ Thiên đổ nát và được triều đình trùng tu lại nguyên trạng.
Tri ân với lịch sử
Kết quả nghiên cứu khoa học gần đây đã khẳng định: Kinh đô Thăng Long và phủ Thiên Trường (Nam Định) là hai trung tâm chính trị, còn Đông Triều là một trung tâm văn hoá đặc sắc của nhà Trần mà đỉnh cao là nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Việc tỉnh Quảng Ninh triển khai quy hoạch Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều với diện tích 2.206ha vừa nhằm mục tiêu bảo tồn di tích, vừa là điều kiện để nghiên cứu nét đặc thù và tính chất của khu di tích này so với di tích nhà Trần ở Thăng Long, phủ Thiên Trường và Thái Bình, để làm rõ sự gắn kết về lịch sử với các di tích nhà Trần ở địa phương khác.
Quy hoạch gồm 6 nhóm dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng từ ngân sách T.Ư, địa phương và xã hội hoá. Quy hoạch được thực hiện trong 15 năm (2011-2015), chia làm 3 giai đoạn, trong đó cụm di tích trung tâm như Thái Lăng, đền Thái, chùa Quỳnh Lâm sẽ bảo tồn, tôn tạo trong 5 năm đầu tiên, sau đó là Am Ngoạ Vân, chùa Hồ Thiên, lăng Tư Phúc.
Trong tương lai gần, Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều sẽ là một điểm kết nối du lịch quốc gia (bao gồm các loại hình du lịch văn hoá - lịch sử, nghỉ dưỡng, dã ngoại khám phá thiên nhiên...).
Buổi chiều, kết thúc chuyến thăm, chúng tôi hạ sơn tới khu vực Bãi Bằng của xã Bình Khê với rừng cây vải thiều xanh ngút ngàn. Anh bạn tôi không tiếc lời khen ngợi và cho biết sẽ còn cùng bạn bè đến với chùa Hồ Thiên hoang sơ trước khi được tôn tạo.
Bình luận (0)