Chứng kiến những người thợ chẻ đá nơi đây làm việc, chúng tôi mới thấy hết những rủi ro của cái nghề nặng nhọc và hiểm nguy này…
Những tảng đá phía sau ông Nguyễn Văn Hai như đang chực chờ lăn xuống
Nặng nhọc và hiểm nguy
Chúng tôi đến khu vực mỏ đá Tân Dân nằm trên núi Ghềnh Bà (thuộc xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) một buổi sáng đầu tháng 3. Đứng dưới chân núi, có thể nhìn thấy những căn lều che bạt, nhiều thợ đá đang ra sức đục đá trên lưng chừng đồi, nhưng để đến được những khu vực này, chúng tôi phải vất vả vượt qua chặng đường dốc đứng, với vô số tảng đá lớn nhỏ nằm chênh vênh dọc lối đi.
Thấy chúng tôi leo lên bãi đá, một người thợ đang khoan tảng đá lớn trên cao vội vàng dừng lại, hét lớn: “Này, mấy chú lên đây làm gì? Nguy hiểm lắm đấy! Quay xuống đi”. Thấy chúng tôi vẫn không đổi hướng, người này vội leo xuống và tận tình chỉ dẫn cho chúng tôi lối đi lên an toàn. Đó là ông Nguyễn Văn Hai (65 tuổi, trú thôn Tân Dân), người thợ đã bám nghề này gần 40 năm qua. Kéo chúng tôi vào núp sau tấm bạt để tránh cái nắng như lửa đốt, ông Hai chia sẻ: “Nắng đến cháy mặt thì chúng tôi vẫn cứ làm, bởi nghề này trời mưa không làm được vì sợ đá từ trên cao sụt xuống gây tai nạn. Tuy đã đề phòng nhưng rủi ro thỉnh thoảng vẫn bất ngờ xảy ra. Tôi bị mù một mắt cũng tại bãi đá này”.
Theo quan sát của chúng tôi, bãi khai thác đá chẻ này khá rộng, nằm ở lưng chừng núi, phía dưới sâu hun hút như vực, phía trên vô số tảng lớn nhỏ chồng lên nhau kéo dài lên đến đỉnh núi. Lúc chúng tôi đến, tuy tại đây chỉ có 5 người thợ đang ra sức làm việc, nhưng giữa âm thanh ồn ào của máy nổ, máy khoan, cảnh người đục, người khoan, người xếp những viên đá đã được ghè vuông thành sắc cạnh trông chẳng khác nào một công trường. Ngoài địa thế hiểm trở, nếu không may có tảng đá từ trên cao lăn xuống, những người thợ nơi đây khó tránh khỏi tai nạn, bởi tất cả đều không có bất kỳ một dụng cụ bảo hộ lao động nào, ngay cả bao tay cũng chẳng có.
Một bãi khai thác đá chẻ ở lưng chừng núi tiềm ẩn nhiều rủi ro
Ông Trần Xuân Bính (55 tuổi, trú thôn Ninh Lâm, xã Vạn Khánh) cho biết: “Trước đây, chúng tôi lên vách núi chẻ đá tự do, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, nhưng từ khi Nhà nước không cho khai thác tự phát, thu hồi hầm giao cho các công ty khai thác, chúng tôi đành chẻ thuê cho các ông thầu và ăn tiền công theo sản phẩm. Ngày nhiều thì kiếm được khoảng 200.000 đồng, ngày nào phải xả đá lớn, không có thời gian để chẻ đá nhỏ thì không được đồng nào. Nhưng ngay cả dụng cụ từ cái đục nhỏ cho đến máy khoan mấy triệu bạc, chúng tôi đều phải tự sắm chứ nói gì đến chuyện trang bị đồ bảo hộ lao động. Nghề này không chỉ nặng nhọc mà còn rất nguy hiểm, nhưng vì đã theo nó từ trẻ, hơn nữa cũng chẳng có việc gì khác nên chúng tôi đành bám vào nó”.
Theo ông Hai và ông Bính, ở các bãi đá chẻ khác trên ngọn núi này, điều kiện làm việc và chế độ tiền công của những người thợ chẻ đá thủ công đều giống nhau.
Sinh nghề tử nghiệp
Tìm đến xã Vạn Khánh, hỏi bất kỳ người dân nào về những nạn nhân bị tai nạn trong lúc chẻ đá trên núi Ghềnh Bà thì ai cũng biết, bởi vụ nào cũng để lại hậu quả nghiêm trọng, nhẹ thì tàn phế, nặng thì mất mạng. Mới 38 tuổi nhưng phải chịu cảnh tàn phế 7 năm qua, anh Huỳnh Thanh Long (thôn Tiên Ninh) ngậm ngùi kể: “Hôm đó, tôi cùng 3 người thợ khác đang chẻ đá chung 1 hầm, bất ngờ 1 tảng đá lớn từ đỉnh núi lăn xuống; 3 người kia không sao, nhưng tôi bị đá đè gãy xương sống, 2 xương sườn và gãy cả 2 đùi”. Tuy chấn thương nặng đến vậy, nhưng khả năng bình phục của anh Long sau đó khiến người thân và cả bản thân anh cũng thấy thần kỳ.
Sau 2 năm nằm liệt giường, anh Long tập luyện và đi lại được, tuy rất khó khăn nhưng vẫn đi bán vé số phụ giúp vợ nuôi 3 đứa con nhỏ. Vậy nhưng, với gia đình anh Long, nỗi bất hạnh vẫn chưa dừng lại ở đó. Năm 2010, anh Huỳnh Bàng - anh trai anh Long (năm đó mới 36 tuổi) đã tử nạn trong một vụ tai nạn khi đang khai thác đá chẻ.
Ông Nguyễn Văn Đông bị tàn phế sau vụ bị đá đè
Ông Nguyễn Văn Đông (thôn Ninh Lâm) cũng là một nạn nhân trong vụ tai nạn tương tự vào năm 2005, khiến ông liệt nửa người từ đó đến nay. “Buổi sáng định mệnh đó, tôi và 3 thợ khác chẻ đá trên núi Ghềnh Bà. Khi tôi đang đóng đục để chẻ đôi tảng đá lớn nằm bên mé vực thì tảng đá bất ngờ bể làm đôi, cuốn theo tôi lăn xuống”, ông Đông kể. Nói về tình trạng sức khỏe của chồng (ông Đông), bà Dương Thị Bích nghẹn ngào: “Ông ấy nằm một chỗ, từ ngực trở xuống mất hoàn toàn cảm giác, ngay cả việc đại, tiểu tiện cũng không tự chủ được. 10 năm qua, tôi phải ở nhà để chăm ông ấy, đã nghèo lại càng nghèo thêm”.
Theo lãnh đạo xã Vạn Khánh, từ trước đến nay, trên địa bàn đã có rất nhiều người dân bị thương nặng, tàn phế hay thiệt mạng vì tai nạn trong nghề chẻ đá thủ công. Hiện tại, xã vẫn còn hơn 100 người theo nghề này.
Làm gì để hạn chế rủi ro?
Đề cập vấn đề an toàn lao động cho những người thợ chẻ đá thủ công trên công trường của mình, đại diện một số doanh nghiệp mà chúng tôi tiếp xúc phần từ chối trả lời, phần khẳng định đơn vị rất chú trọng vấn đề này. Tuy nhiên, những gì mà chúng tôi chứng kiến về điều kiện làm việc, bảo hộ lao động cho những người thợ làm việc nói trên lại hoàn toàn khác.
Ông Nguyễn Hữu Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Khánh cho biết: “Nghề chẻ đá thủ công ở địa phương đã có từ rất lâu. Đây là một nghề nặng nhọc và rủi ro về tai nạn rất cao, thực tế nhiều người dân ở đây đã bị thiệt mạng hay tàn phế suốt đời do gặp tai nạn lao động. Chúng tôi thường xuyên làm việc với các công ty khai thác đá trên địa bàn để nhắc nhở việc đảm bảo an toàn cho người lao động; đồng thời tuyên truyền để cảnh báo cho người dân về vấn đề này. Tuy nhiên, những người thợ chẻ đá thủ công về cơ bản vẫn chưa được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động nên rủi ro rất cao nếu tai nạn xảy ra”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Vạn Ninh có 15 doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến đá granite và đá làm vật liệu xây dựng. Trong số này có 4 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác, 10 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác tạm thời từ 1 đến 3 năm.
Trong khi đó, theo ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tuy ngành chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, thanh kiểm tra, thậm chí xử phạt các đơn vị khai thác đá vi phạm an toàn lao động, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều đơn vị chưa chú trọng huấn luyện kỹ thuật làm việc, trang bị các phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân. Bên cạnh đó, do nhận thức của công nhân về an toàn lao động còn hạn chế, không ít người lao động đã bỏ qua các nguyên tắc an toàn, khoa học trong quá trình làm việc. “Do vậy, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động trong quá trình làm việc, ngoài nhiệm vụ của các ngành chức năng thì đơn vị sử dụng lao động phải có trách nhiệm hàng đầu. Bởi chính họ là người sử dụng, quản lý và chỉ đạo công nhân làm việc, hơn ai hết hiểu rõ mức độ nguy hiểm của công việc. Do đó, các đơn vị sử dụng lao động đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, ông Trí nói.
Rời xã Vạn Khánh, ngang qua mỏ đá Tân Dân, chúng tôi vẫn thấy thấp thoáng trên sườn núi những người thợ chẻ đá thủ công cần mẫn làm việc bất chấp những hiểm nguy rình rập.
Bình luận (0)