Những bài thuốc ấy đều là cỏ cây, lá rừng gắn liền với cuộc sống của đồng bào người Dao.
Ngoài những bài thuốc tắm cho trẻ sơ sinh, thuốc chữa vô sinh, thuốc đau lưng, đau khớp, bà Bàn Thị Bền (SN 1963, thôn Cầu Quang 2, xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) còn nức tiếng với bài thuốc chữa yếu sinh lý, bà gọi bệnh này là bệnh "trời sáng gà gáy".
Duyên với nghề hái lá thuốc
Trong làng và ngoài xã, nhắc đến bà Bàn Thị Bền hầu như ai cũng biết. Hằng ngày, bà Bền vẫn thường cặm cụi lên rừng để tìm những loại cây, loại cỏ, lá rừng rồi mang về phơi khô để chữa bệnh. Không quản ngại mưa nắng, hễ ai có bệnh là bà Bền lại lặn lội vào rừng để hái lá thuốc. Đối với bà Bền, công việc đi hái lá thuốc còn là cái tâm, bởi bà còn muốn truyền lại những bài thuốc dân gian cho con cháu.
Ngôi nhà sàn của bà lang y Bàn Thị Bền nằm sát dưới chân núi.
Ngôi nhà của bà Bền, nằm khuất sâu trong một con đường nhỏ. Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Bền bật mí: "Mẹ tôi tức bà Tướng Thị Túc, xưa kia cũng nối nghiệp các bài thuốc từ ông bà truyền lại. Mẹ tôi cực kỳ giỏi về bài thuốc chữa bệnh yếu sinh lý, vô sinh, các bệnh về gan... Ngay từ nhỏ tôi đã được mẹ dẫn vào rừng để hái thuốc rồi".
Theo bà Bền, các bài thuốc của tổ tiên cũng chỉ truyền lại cho mỗi một mình bà. Bà Bền được cụ Tướng Thị Túc chỉ cho các bài thuốc từ đơn giản đến phức tạp. Các bài thuốc mà bà Bền học được cũng chỉ có cỏ cây và lá rừng.
Bà Bền bảo: "Trong rừng là vô số các loài lá cây và cỏ rừng, tuy nhiên bệnh nào thì thuốc đấy, chỉ cần lấy sai một vị thuốc là đã phản tác dụng rồi, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Công việc này đòi hỏi phải là người tỷ mỉ và có tâm với nghề".
Từ năm 20 tuổi bà Bền đã nức tiếng về hái lá thuốc. Để duy trì những bài thuốc cổ truyền của dân tộc, sau khi lấy chồng bà vẫn miệt mài đi lên rừng để hái lá thuốc. Theo bà, những bài thuốc quý của dân tộc, không phải dân tộc nào cũng lấy được, đây là bài thuốc chỉ duy nhất người Dao quần trắng mới có.
Bao đời nay người dân sống trên đồi núi cao, họ vẫn sống khỏe, trường thọ là nhờ vào các bài thuốc này. Các cụ có dạy rằng: "Uống thuốc Nam của người Dao phải là thuốc gia truyền thì mới khỏe lâu".
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu sâu về bài thuốc "đàn ông không thích đàn bà" nên bà Bền cũng chỉ cười rồi bảo: "Thực ra tác dụng của bài thuốc này sẽ làm cho người đàn ông khỏe ra. Theo Tây y đây còn gọi là bệnh đàn ông yếu sinh lý, có thể chữa bằng thuốc Tây.
Với bài thuốc đặc trị của người Dao thì nó chỉ là những cỏ cây có sẵn trong dân gian. Do là bài thuốc "tế nhị" nên người dân họ gặp tôi bán thuốc ở ngoài chợ, họ cũng chỉ hỏi về bài thuốc "đàn ông không thích đàn bà". Có người do xấu hổ nên họ cũng chỉ gợi ý bảo tôi hái lá thuốc "trời sáng gà gáy", vậy thôi".
Ngày nay thị trường thuốc rất đa dạng, tuy nhiên đồng bào dân tộc Dao lại thích uống những bài thuốc Nam đặc trị gia truyền. Chính vì vậy nên bài thuốc "đàn ông không thích đàn bà", chữa yếu sinh lý này được người dân ở trong vùng rất tin tưởng.
Thuốc "trời sáng gà gáy" là sợi dây hạnh phúc
Trong cuộc sống hiện nay, bệnh "đàn ông không thích đàn bà" cực kỳ khó chữa. Cũng vì lý do này nên có nhiều cặp vợ chồng không được mặn mà trong chuyện chăn gối. Thậm chí có nhiều đôi vợ chồng trẻ khi mới cưới họ sống rất hạnh phúc nhưng vì vướng phải nguyên nhân tế nhị về chuyện người chồng bị bệnh yếu sinh lý để rồi cả hai phải tan vỡ, chia lìa.
Tuy nhiên với bài thuốc đặc trị bệnh "trời sáng gà gáy" của bà Bền, mọi lo âu, muộn phiền của các cặp vợ chồng sẽ được lắng xuống. Có lẽ bài thuốc của bà Bền chính là sợi dây kết nối hạnh phúc trong các gia đình.
Hỏi về cách điều trị bệnh "trời sáng gà gáy", bà Bền tiếp tục cho biết: "Riêng bài thuốc này chỉ có hai loại cây thôi. Người Dao chúng tôi thường gọi cây đấy là cây cậy, còn một loại cây nữa nhưng khó tìm lắm, tôi chỉ nhớ cây chứ không biết tên gọi".
Theo bà Bền, loại thuốc đặc trị này chỉ khi nào có người bị bệnh bà mới đi lấy. Về cách điều trị, mỗi một thang thuốc sẽ uống trong ba ngày. Đặc biệt với bài thuốc đặc trị này người bệnh chỉ cần uống ba thang, chín ngày là đã có tác dụng rồi.
Cũng theo bà Bền, với bài thuốc này khi sử dụng cho người bình thường cũng không có phản ứng phụ, thậm chí cơ thể còn khỏe ra. Đã có rất nhiều người khi uống thuốc đặc trị của bà, họ cảm thấy rất mãn nguyện trong chuyện gối chăn. Nhiều trường hợp chữa khỏi bệnh, họ còn tìm đến tận nhà để cảm ơn hoặc gọi điện hỏi thăm sức khỏe.
Bà Bền bảo: "Ngay như ông Thắng ở huyện Bắc Quang (Hà Giang) cũng xuống đây lấy thuốc của tôi, giờ đã khỏi rồi. Thuốc đặc trị này người ở dưới Tuyên Quang họ lấy rất nhiều, có người tìm đến tận nhà để chia sẻ, cũng có người lại trao đổi qua điện thoại rồi bảo tôi chuyển thuốc theo địa chỉ".
Ngoài bài thuốc kể trên, bà Bền còn biết rất nhiều thảo dược quý hiếm đặc trị các chứng bệnh như: đau lưng, đau khớp, thuốc cam, thuốc thận, thuốc gan... Hằng ngày bà Bền vẫn miệt mài đi vào rừng hái lá thuốc rồi mang về phân loại phơi khô. Những hôm rảnh rỗi bà lại đóng gói những bài thuốc của mình mang ra chợ bán. Mỗi một gói thuốc được bà bán với giá từ 40 đến 50 nghìn đồng. Tất cả các bài thuốc này phải tổng hợp rất nhiều loại cây và hàng trăm thứ lá ở trong rừng.
Cũng theo bà Bền, để điều trị bệnh đau lưng, đau khớp, thần kinh tọa phải tổng hợp 20 loại lá cây như: cây ba lạc, cây mái mần, cây gắm cùng rất nhiều loại cây khác. Đặc biệt khi uống bài thuốc của bà, người bệnh sẽ ăn, ngủ được nên rất khỏe người.
Bên cạnh đó bà Bền còn chữa được bệnh vô sinh. Bà Bền bật mí thêm: "Bệnh vô sinh là do không có kinh hoặc kinh nguyệt không đều. Nếu uống thuốc của tôi vào sẽ điều hòa được kinh nguyệt. Gia đình tôi có đứa con trai đang làm ở Công an tỉnh cũng đã lấy cho mấy người bạn khỏi rồi, có cả người không sinh được con".
Chữa bệnh bằng chữ tâm
Theo bà Bền, niềm vui lớn nhất của bà là chữa khỏi bệnh cho nhiều người, nhất là người nghèo, những căn bệnh nan y như hiếm muộn, không sinh được con, nhất là bệnh yếu sinh lý của đàn ông...
Nói về các bài thuốc của mình, bà Bền cũng rất tự hào và phấn khởi. Bởi những người chịu khó sưu tầm các bài thuốc truyền nhân như bà sẽ là tài sản quý cho kho tàng thuốc Nam của dân tộc.
Bà Bền cũng trăn trở rằng, những bài thuốc quý hiếm ở trong rừng ngày càng cạn kiệt và khó tìm. Chính vì thế nên bà cũng mong rằng các bài thuốc dân gian gia truyền của tổ tiên sẽ được Hội Đông y Việt Nam nghiên cứu quảng bá cho nhiều người biết.
Với bà Bền, việc cứu chữa người bệnh là điều quan trọng, khi chữa khỏi bệnh bà cũng không màng ơn huệ hay danh lợi gì mà cũng chỉ xuất phát từ cái tâm của mình. Hiện bà Bền đang là hội viên của Hội Đông y Việt Nam, nên mỗi khi đi bốc lá thuốc bà rất cẩn trọng.
Bà tâm sự rằng: "Mình bốc lá thuốc cứu chữa cho người dân thấy họ khỏi là vui rồi. Đồng bào ở đây họ vẫn còn nghèo, mình giúp người ta hái lá thuốc nên khi mình lấy công cũng tùy vào cái tâm của người bệnh".
Bình luận (0)