Thiếu nữ Thái đi lấy rêu ở suối Nậm Lay. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
Không như hình dung của mọi người về những thảm rêu ngắn ngủn mọc ở nơi ẩm ướt trên đất, trên tường nhà, rêu suối mà người Thái hay thích lấy về ăn là loại rêu mọc trên đá, ở các dòng suối nước trong và xiết. Ở đó rêu mọc dài và dày, các cô gái Thái từ bé xíu 10 - 12 tuổi đã có thể đeo giỏ đi nhặt rêu. Cụ bà Lường Thị Kim, người Thái đã hơn 80 tuổi, hiện sống ở thành phố Điện Biên Phủ, cho hay từ 16 - 17 tuổi bà đã ra suối Nậm Lay gần nhà (bản Na Ca, xã Nay Lưa, Lai Châu) nhặt rêu. Chỉ nhặt chừng một giờ là được một giỏ đầy. Các cô các chị có thể đi lấy rêu theo nhóm, họ cứ đi ngược con suối, vừa đi vừa kiếm những khóm rêu mọc ra từ đá. Hôm nào kiếm được khóm rêu non là hôm đó “trúng mánh” vì có thể nấu được những món ngon nhất từ rêu. Nhặt đầy giỏ rêu, mỗi cô chọn một hòn đá phẳng, đổ rêu ra để đập, đập kỹ rồi cho rêu vào “sạ”, như rổ của người Kinh, xóc qua xóc lại dưới dòng suối trong veo cho sạ rêu rụng hết đất cát.
Rêu được đập kỹ...
... rửa sạch
Gói rêu vào lá dong
Nướng rêu trên bếp than hồng
Món rêu nướng hoàn tất. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
Là một người miền xuôi lên lập nghiệp ở Tây Bắc, chị Hương kể năm 2000 lần đầu tiên chị được bà con mời ăn món rêu. “Khi đó tôi đang làm giáo viên, đến vận động học sinh đi học được cha mẹ các em mời. Đầu tiên thấy món rêu xanh nhớt mình chỉ dám gắp một miếng nhỏ xíu cho vào miệng. Cảm nhận đầu tiên là thấy lạnh lạnh, trơn trơn, ghê ghê. Mình dừng lại để cảm nhận, thấy món rêu có mùi thơm hăng hăng của mắc khén, vị cay nồng của ớt, vị cay ấm của gừng. Khi nhai thấy rêu có vị bùi, ngọt. Quả là một món ăn lạ lùng - chị Hương cho hay.
Từ vài ba món ăn đơn giản chế biến từ rêu, giờ đây bà con đã có vô vàn cách chế biến để món rêu ngon hơn. Món rêu nướng, công thức là trộn rêu non với mắc khén, hành, ớt, cho vào lá chuối, lá dong tươi đem nướng, vừa thơm vừa lạ vị. Món rêu nấu canh, bà con sẽ cho thêm chút gừng. Tháng 1l-l2 gặt hái xong xuôi, lúc đó rêu ngon và nhiều nhất, bà con lấy rêu về phơi khô, rồi khi nào thèm có thể đem rêu khô ra kẹp vào kẹp tre nướng. Là món có tính hàn, rêu rất hợp với gia vị ấm như ớt, hành gừng, mắc khén. Theo chị Nguyễn thị Hằng, cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Điện Biên Phủ, một số gia đình luộc lươn, luộc cá, gỡ lấy thịt trộn với rêu và gia vị làm thành món nộm rêu. "Lúc ấy thì ngon lắm” - chị Hằng nhận xét.
Trong ký ức của bà Lường Thị Kim, chỉ có những dòng suối trong, nước chảy mạnh nhưng không sâu, lòng suối nhiều đá cuội như Nậm Lay, Nậm Mức... mới có rêu ngon, sạch và giòn. Công cuộc xây dựng lòng hồ thủy điện Sơn La đã khiến thị xã Lai Châu cũ nhỏ bé, nay được gọi là thị xã Mường Lay, nơi có ngôi nhà tuổi thơ của tôi, chìm dưới lòng hồ. Bà Kim bảo giờ thì bà con ở quê nhà cũng ít khi lấy được rêu vì nhiều người đi lấy cát, lấy đá xây dựng khiến nước suối đục ngầu và rêu không sạch nữa. Bà nhớ món rêu lắm nhưng cũng ít có dịp ăn.
Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng có khi nào món rêu xanh mướt, lạ lùng với các chị em váy cuốn lên đến ngực, giỏ đeo bên hông đi ngược suối trong ký ức ấy sẽ biến mất? Chắc tôi lẩn thẩn thôi, chắc chẳng bao giờ Tây Bắc mất đi món rêu. Vì nếu thế Tây Bắc sẽ mất đi một đặc sản lạ lùng là rêu suối, cũng như “đặc sản” múa xòe, bánh chưng gù, khẩu tan (gạo nếp) rất ngon và đẹp ở vùng đất đầy huyền thoại này.
Bình luận (0)