Bất ngờ kiểng độc
Đã thành thông lệ, cứ từ rằm tháng Chạp, người dân TP Vĩnh Long bắt đầu nhìn thấy hình ảnh những người nông dân đem những sản phẩm hoa kiểng của mình sắp xếp dọc theo các đường Tô Thị Huỳnh, Lê Lai, Hưng Đạo Vương, Trưng Nữ Vương, Nguyễn Thị Út.
Không riêng gì người dân Vĩnh Long, những ai đã từng một lần dạo chợ hoa xuân ở TP Vĩnh Long đều cảm nhận được sự “sầm uất”, đa dạng về chủng loại hoa kiểng, có thể xem là chợ hoa xuân lớn nhất khu vực ĐBSCL. Chợ xuân Vĩnh Long là “sân chơi” của hàng ngàn nông dân, nghệ nhân trồng hoa kiểng của khu vực.
Cây khế được chủ nhân cho biết tuổi khoảng trăm năm, có dáng thế đẹp và “độc”. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Khách tham quan chợ hoa kiểng Vĩnh Long năm nay ngoài những chậu hoa kiểng thông thường sẽ dễ dàng nhận ra một số cây lạ mà quen vì đó là các cây quen thuộc đối với người dân miền Tây. Loại kiểng đầy thú vị đó là kiểng ăn trái. Nhãn, ổi, xoài, me, khế, sơ ri… những cây trồng quanh nhà rất đỗi bình thường bỗng trở thành những cây kiểng có giá bạc triệu đã làm ngỡ ngàng không ít khách tham quan.
Anh Nguyễn Văn Thắng (Châu Thành- Đồng Tháp) nhận xét: “Năm nay dạo chợ hoa Vĩnh Long thấy xoài, ổi cũng làm kiểng được, thật là bất ngờ”.
Thật lắm công phu
Thật ra trồng cây ăn trái trong chậu không phải là loại hình nghệ thuật mới. Tuy nhiên số người tham gia trồng chưa nhiều và người dân cũng chưa biết nhiều về loại hình này.
Nhu cầu hiện nay của người dân đô thị, họ vừa muốn có cây kiểng đẹp, vừa là cây ăn quả quen thuộc của quê nhà để giáo dục con trẻ. Với mai, sanh, sung, quế... người ta có thể tốn công một chút là tạo ra được những bộ đế đẹp, tạo tàng, chi chủ hoàn chỉnh.
Nếu chơi hoa thì chăm sóc công phu một chút và cứ thế đến mùa hoa sẽ đơm như một lẽ tự nhiên. Nhưng với cây ăn trái, như: mận, vú sữa, dừa... để cây sống trong chậu đã khó, tạo được một bộ đế đẹp, bộ dáng đẹp càng khó hơn, nhất là điều khiển cho nó ra hoa, kết trái. Các nghệ nhân ở Cai Lậy (Tiền Giang) nhận xét: Cây ăn trái làm kiểng rất khó vô chậu.
Ví dụ như cây vú sữa nếu không biết cách thì khi vô chậu cây sẽ chết, có khi 10 cây chết hết cả 10 cây. Vì vậy khi bứng vào chậu thì phải để cho cây khỏi đất khoảng một tuần mới đưa vào chậu.
Còn theo anh Nguyễn Hồng Nhị (Chợ Lách, Bến Tre) có cây vú sữa cảnh hơn 120 tuổi cho biết: cũng phải chăm sóc uốn, tỉa chơi theo kiểng cổ đủ 3 tiêu chuẩn “cổ, kỳ, mỹ”.
Kiểng càng đẹp khi không thấy mặt cắt, chi cành uốn lượn đủ tiêu chuẩn, đế như các loại kiểng khác. Gốc, thân ngoài yếu tố tự nhiên cũng cần sự tác động của người chơi làm cho cây kiểng hoàn hảo hơn.
Một cây vú sữa kiểng đẹp có giá từ 2 triệu đồng trở lên tùy loại; có cây cao 3,1m, bán kính gốc 1,2m được người chơi trả giá 10 triệu đồng, thậm chí đã có nghệ nhân bán một gốc vú sữa cảnh lớn, đẹp với giá lên đến 75 triệu đồng.
Thanh long – mang ý nghĩa một trong “Tứ linh”.
Người ta dựa vào ngoại hình, tuổi thọ, giống để đánh giá giá trị một cây kiểng ăn trái. Tuy nhiên, do cây ăn trái vốn to lớn, kềnh càng bị “thu” mình vào những chậu kiểng bé nhỏ, lại cho ra hoa kết trái là một kỳ công. Bởi thế, cây kiểng ăn trái vốn giá trị đã cao, nhưng nếu lúc bán cây đang kết trái thì giá còn cao bội phần.
Cây hạnh (ngoài Bắc gọi là quất, người Hoa gọi là tắc hay tứ quý) một loại cây ăn quả được dùng như chanh thường uốn theo hình thông. Theo âm Hán của từ “quất” gần giống với âm của từ “cát”, “tắc” gần với “đắc”, hạnh là hạnh phúc, âm nào cũng có nghĩa như lời chúc tết nên được người dân ưa chuộng trong dịp tết.
Loại hạnh bonsai cũng như cây cảnh, thường có nhiều dáng như huynh đệ, mẫu tử, thác đổ, ngũ phúc, tam đa, tứ quý... Theo kinh nghiệm của nhiều nhà vườn trồng hạnh, dáng mẫu tử được ưa chuộng nhất.
Hình ảnh miền quê
Ngoài cái đẹp từ gốc rễ đến thân cành và chiều cao mà trong nghề trồng kiểng là “nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ lá” thì giá trị của kiểng ăn trái còn nằm ở chỗ nó là cây “miệt vườn”.
Cây ổi kiểng. Ảnh: QUANG THÁI (TP Vĩnh Long)
Một chậu dừa kiểng được trồng trong một chậu thấp, dáng cây nghiêng thả bóng vào mặt nước đẹp bồi hồi như hình ảnh của quê hương thời thơ ấu. Hay hình ảnh một cây mận với chùm quả chín đỏ cũng có ý nghĩa đem điều may mắn cho ngôi nhà của bạn.
Lớp da nứt nẻ, cổ kính với những trái vú sữa căng tròn là một sự phát đạt, sung túc cho gia chủ. Đơn giản hơn là các em bé cũng biết được những cây trồng ở quê cha đất tổ.
Theo ông Dương Văn Huyền- Chủ nhiệm Hợp tác xã cây cảnh Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Chơi kiểng cổ là một truyền thống của bà con từ rất xa xưa. Nhưng sử dụng cây ăn trái làm cây cảnh trong nhà trở thành trào lưu khoảng 5 năm trở lại đây”.
Dù tạo ra những chậu kiểng ăn trái thật đẹp hoàn toàn không đơn giản nhưng những nghệ nhân đang miệt mài đưa sự sáng tạo lên một đẳng cấp mới.
Với sự sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân, chúng ta sẽ thưởng thức được những món ăn tinh thần độc đáo hơn nữa và ý nghĩa hơn nữa.
Bình luận (0)