Không quá lâu để thưởng thức một suất diễn nghệ thuật cung đình Huế tại Duyệt Thị Đường. Khoảng 30 phút. Hẳn, đó cũng là thời lượng đã được đơn vị tổ chức tính toán kỹ trong quỹ thời gian không dài của du khách khi họ đến Đại Nội, nơi mà không chỉ riêng Duyệt Thị Đường là điểm tham quan hấp dẫn.
Trước sân Duyệt Thị Đường - ảnh từ internet
Đã mấy lần tôi vào Duyệt Thị Đường, khi Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức các hội nghị, hội thảo quan trọng. Nhưng vẻ như, sự kiện ấy, không gian ấy vẫn chưa đủ để tôi có cảm giác trọn vẹn khi nghĩ về một nhà hát cổ nhất Việt Nam còn tồn tại đến hôm nay. Tôi quyết định mua niềm vui cho riêng mình.
Ấy là nói chốn xưa của những vị vua triều Nguyễn, những chủ nhân đầu tiên của Duyệt Thị Đường. Duyệt Thị Đường được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trong Tử Cấm Thành. Nơi đây, vốn chỉ dành riêng cho vua, hoàng thân, các quan đại thần và quốc khách của triều Nguyễn xem biểu diễn nghệ thuật, mà bấy giờ chủ yếu là tuồng cung đình. Theo sử cũ, Duyệt Thị Đường được xây dựng trên diện tích 1.182 m2.
Vật liệu xây dựng nhà hát đều bằng gỗ lim, có chiều cao 12 m, gồm 2 tầng. Trần nhà được chạm nổi hình ảnh mặt trăng, mặt trời và các vì tinh tú – biểu hiện của vũ trụ thu nhỏ. Bên ngoài được chạm khắc hình rồng, phụng và các hoa văn.
Sân khấu hình vuông ở giữa nhà hát. Vị trí vua ngồi ở trong một vòm ngay chính giữa lầu. Hai bên trái, phải là nơi dành cho các quốc khách. Còn các quan triều đình ngồi trên trường kỷ đặt hai bên tả, hữu sân khấu. Hoàng gia ngồi xem biểu diễn trên lầu 2.
Sân khấu có 3 mặt. Phía sau là hậu trường. Hai bên đều có phòng dành cho diễn viên hoá trang, chuẩn bị trang phụ để biểu diễn.
Chụp ảnh lưu niệm trang phục cung đình tại Duyệt Thị Đường
Duyệt Thị Đường là một trong bốn nhà hát được xây dựng dưới thời các vua Nguyễn và được ưu ái hơn cả khi các vua Nguyễn kế tiếp nhau tu bổ, tôn tạo để làm nơi trình diễn các loại hình nghệ thuật. Đây không chỉ là sân khấu trình diễn mà còn là công trình kiến trúc độc đáo thể hiện trình độ nghệ thuật cao của kiến trúc xây dựng thời nhà Nguyễn.
Chế độ phong kiến sụp đổ, Duyệt Thị Đường bị quên lãng. Những năm đầu của thập niên 1960, Duyệt Thị Đường được chính quyền Sài Gòn cũ tu sửa thành học đường của Trường Quốc gia âm nhạc Huế. Nhiều chi tiết công trình của nhà hát cổ bị phá bỏ. Cấu trúc nhà hát cũng bị thay đổi, không còn chỗ cho ngự lãm và biểu diễn.
Đến năm 1995, được sự trợ giúp tích cực của chính phủ Pháp, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đầu tư trùng tu với kinh phí ban đầu 10 tỉ đồng và đến tháng 11-2003, công trình mới cơ bản hoàn thành. Tuy không phục hồi được như nguyên trạng nhưng Duyệt Thị Đường đã hồi sinh trở lại với mái ngói lưu ly, cột sơn son thiếp vàng, sân khấu, hậu trường, khán phòng mang dáng xưa.
“Có một không hai”
Đó là điều mà chị Trần Thị Thu, người bán vé xinh đẹp của Duyệt Thị Đường, đã nói về xuất diễn đầu tiên trong buổi chiều tôi đến. Chuyện, trong nhà hát có hai cặp vợ chồng đến từ đất nước Anh và Pháp xa xôi đang chờ thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật cung đình Huế. Nhưng chừng ấy quá ít để tổ chức một suất diễn. Vậy nên, khi tôi hỏi mua vé, chị Thu đã reo vui khe khẽ: “Có người thứ 5 rồi. Rứa là diễn được rồi. Thật là có một không hai…”.
Thì ra, đã quá giờ bắt đầu xuất diễn đầu tiên của buổi chiều vào lúc 14 giờ 30 phút nhưng vẫn chỉ có 4 khách. Đã định sorry (xin lỗi) với khách để hủy xuất diễn nhưng thấy họ tha thiết quá nên anh em nhà hát thống nhất, chỉ cần có thêm một khách nữa, thì vẫn diễn như thường. Và tôi đến.
Tôi vào chỗ. Ít người, nên được thoải mái chọn cho mình vị trí hài lòng nhất trong khung giá vé và đảm bảo không ảnh hưởng đến tầm nhìn của 4 vị khách ngoại quốc. Hình như họ cũng mua loại vé như tôi, 50.000 đồng, bởi tất cả đều được phục vụ một chai nước khoáng loại nhỏ. Nếu dùng loại vé VIP, 100.000 đồng, họ đã được phục vụ chế độ khác, thưởng trà cung đình chẳng hạn…
Không gian sẫm dần. Khi cửa chính đón ánh sáng tự nhiên được khép lại cũng là lúc những gam đèn màu chủ đạo trên sân khấu được thắp sáng. Và không phải chờ lâu, người dẫn chương trình đã nhẹ nhàng trong tà áo dài khăn đóng truyền thống, cúi chào khách để bắt đầu chương trình. Tiếng vỗ tay rất đều.
Không quá lâu để thưởng thức một suất diễn nghệ thuật cung đình Huế tại Duyệt Thị Đường. Khoảng 30 phút. Hẳn, đó cũng là thời lượng đã được đơn vị tổ chức tính toán kỹ trong quỹ thời gian không dài của du khách khi họ đến Đại Nội, nơi mà không chỉ riêng Duyệt Thị Đường là điểm tham quan hấp dẫn.
Với những tiết mục, như: Vũ phiến, Trình tường tập khánh, Lục cúng hoa đăng, Lân mẫu xuất lân nhi… tôi đều đã có dịp xem qua, vậy mà cảm giác lần này vẫn rất lạ. Nghĩ vui, chắc tại lần này mình làm khách mua vé nên... lâng lâng thế. Nhưng suy lại, bởi mình là người Việt duy nhất trong những người khách đang bị hấp dẫn bởi những điệu đàn réo rắt ở đây. Tự hào ghê lắm!
Chương trình kết thúc. Hai người khách Pháp ra trước và cười nói với người hướng dẫn viên du lịch đợi sẵn. Tôi bắt chuyện, từ việc khách ít quá, có làm bạn không vui? Người phụ nữ có tên Jolard tươi tắn: “Chỉ một chút thôi, còn nữa thì rất tuyệt. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gần với Nhã nhạc Huế đến thế, đó mới là điều thú vị”.
Khi hai người Pháp đi khuất, đôi vợ chồng người Anh mới ra đến cửa. Đi ngang bàn bán vé chị Thu đang ngồi, họ cùng vui vẻ đưa tay chào và “Thank you! Thank you!....” (Cảm ơn!) liên tục. Chị Thu cười với tôi: “Rất nhiều người khách ngoại quốc sau khi xem xong chương trình đã vui vẻ như thế. Mình cũng thấy vui lây”.
Biểu diễn Song tấu trong kèn trên sân khấu Duyệt Thị Đường
Quá nửa chiều, khách về Duyệt Thị Đường càng lúc càng đông. Có đoàn chỉ dạo quanh sân vườn và thăm thú bên ngoài. Đoàn thì hỏi về dịch vụ chụp ảnh lưu niệm có ngai vàng và trang phục cung đình. Đoàn khác thì lại xem kỹ các khung vé để thưởng thức biểu diễn nghệ thuật. Ít nhất đã có ba khách mua vé thường và năm khách mua vé VIP. Tôi đùa với chị Thu: “Xuất này khỏi lo chuyện thiếu khách”. Chị cười: “Thường thì Nhà hát đông khách lắm, nhất là vào khoảng tháng 11 và 12 trong năm, và chủ yếu là khách quốc tế. Hồi sáng thôi, cũng đã có mấy chục người”.
Điều cần nói
Hiện, mỗi ngày Duyệt Thị Đường có 4 suất trình diễn Nhã nhạc, múa cung đình và tuồng cung đình, do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế tổ chức. Riêng năm 2010, Nhà hát đã tổ chức được 517 suất biểu diễn nghệ thuật tại đây.
Có điều, cũng với niềm mong chất lượng nghệ thuật của các buổi biểu diễn nghệ thuật ở Duyệt Thị Đường không ngừng được nâng lên, tôi muốn san sẻ: Nên chăng, trong môi trường diễn xướng của Duyệt Thị Đường, anh chị em diễn viên và người làm công tác hậu cần nên hạn chế sự đi lại và cười nói. Hơn nữa, với anh chị em trực tiếp biểu diễn trên sân khấu cũng cần thể hiện sự biểu cảm đúng mực trên khuôn mặt, qua ánh mắt nụ cười để phù hợp hơn với loại hình nghệ thuật cung đình.
Khác với nhiều nhà hát khác, không gian của Duyệt Thị Đường chỉ vừa phải, nguyên thủy lại là nơi vua, hoàng gia, các quan trong triều và quốc khách thưởng thức nghệ thuật, nên ngay khi vào trong nhà hát, sự nghiêm trang của mỗi người là cần thiết. Thường thì không nói làm gì. Còn khi ánh đèn màu trên sân khấu đã sáng, khán giả đang ở tâm thế đón đợi chương trình bắt đầu thì không gian xung quanh cần yên lặng, trang trọng. Đằng này, với chương trình tôi được tham gia, ngay cả khi ánh đèn màu trên sân khấu đã sáng, khán giả rất lặng yên (vì chỉ có 5 người) nên những âm thanh nói cười từ trong khu vực hậu trường dành cho diễn viên đã vọng ra rất rõ.
Thậm chí, ngay cả khi chương trình đang được tiếp diễn, âm thanh của song tấu trống kèn chưa kịp dứt hẳn, “âm thanh lạ” ấy vẫn vọng ra rất rõ. Rồi trên sân khấu, trong khi rất nhiều diễn viên biểu diễn rất nghiêm túc, mắt nhìn thẳng, nét mặt bình thản và ánh mắt đầy biểu cảm... thì vẫn có diễn viên ở hàng mặt tiền “cười hết duyên”. Kiểu cười ấy nếu chỉ thoảng qua thì thôi, đằng này, cứ “vô tư” diễn từ động tác này qua động tác khác, khiến người xem cảm thấy thiếu sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật (chưa kể, họ đang hiện thân cho cái đẹp trong nghệ thuật cung đình Huế).
Lặt vặt thế, rất nhỏ thôi, nhưng nếu không được thay đổi, e sẽ là những cảm giác khó chịu cứ lăn tăn mãi trong mỗi người khách đến với Duyệt Thị Đường. Riêng tôi, nếu không nghĩ đến hình ảnh cô diễn viên rất xinh trong ánh nến lung linh của Lục cúng hoa đăng nhưng lại hết duyên với điệu cười quá cỡ, hoặc không nghĩ đến tiếng cười nói râm ran vọng ra ngay từ hậu trường khi các nghệ sĩ song tấu trống kèn vừa dứt... thì cũng như chị Jolard: “Buổi diễn thật tuyệt!”.
Bình luận (0)