Nhọc nhằn mưu sinh
Tháng bảy, Sài Gòn vẫn “chợt nắng chợt mưa” như thuở nào. Nép dưới mái hiên nhà trên đường Đỗ Xuân Hợp, vợ chồng anh Phạm Thành Sơn quê ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cứ hết nhìn trời lại nhìn chiếc xe mỳ gõ còn đầy tú hụ hàng hóa. Gọi là bán mỳ gõ nhưng nguyên liệu bao gồm nhiều loại như hủ tiếu, giá đỗ, mỳ sợi, hành phi, thịt, xương ống, bò viên…
Đã hơn 13 năm, anh Đây gắn bó với chiếc xe mỳ gõ.
Tuy chỉ mới ngoài ba mươi, nhưng anh đã có trên mười năm hành nghề bán mỳ gõ. Anh kể: Ở quê, cả gia đình với 5 nhân khẩu chỉ có vài sào ruộng bạc màu gieo sạ hai vụ lúa quanh năm. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Thế là vợ chồng tui đành gửi con cho mẹ già, khăn gói “hành phương nam” và cứ đến Tết hay nhà có việc quan trọng thì mới trở về vài bữa rồi tất tả ra đi.
Đưa tay chỉ hai cháu nhỏ đang ôm nhau co ro vì lạnh, chị Tâm, vợ anh Sơn cho biết: “Tranh thủ dịp hè, vợ chồng tui vừa đón các con vào chơi cho đỡ nhớ”.
Nhìn chồng đưa tay sờ bụng, chị quay sang tôi: “Giá như ảnh không bị chứng bệnh đau dạ dày hành hạ thì vợ chồng tui cũng đỡ khổ hơn. Chứ những lúc bán đến khuya trông ảnh nhăn mặt, sờ bụng làm tui phát sợ, lỡ có bề gì...! Cũng có đi bác sỹ mấy lần, nhưng uống thuốc mà cứ đi làm cực khổ thế này thì làm sao bớt bệnh cho được?!”.
Gần 12 giờ đêm, chỉ còn vài chiếc xe máy phóng vội trên đường. Anh Cao Văn Đây quê ở xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi ngủ gà gật bên chiếc xe mỳ gõ. Nghe giọng xứ Quảng, anh đứng bật dậy ấn tôi xuống chiếc ghế nhựa rồi vội vã tay vá, tay dao nấu một tô hủ tiếu mỳ vào hàng “kỷ lục Ghinét”.
Anh giục: “Ăn đi cho nóng, đêm còn dài, rồi ta sẽ trò chuyện”. Phải nói rằng đấy là tô hủ tiếu mỳ ngon nhất mà tôi đã từng được ăn. Phần vì quá nhiều thịt, bò viên thái lát, những sợi hủ tiếu và giá đỗ trắng tinh, sợi mỳ vàng óng… cùng với nước lèo nghi ngút khói và cũng bởi tôi không phải trả tiền vì “mình là người Quảng mà” như anh nói.
Mới chỉ 31 tuổi, nhưng anh đã có trên 13 năm gắn bó với chiếc xe mỳ gõ. Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh đẩy xe bán mỳ gõ để kiếm tiền chữa trị cho mẹ bị bệnh hiểm nghèo. Thấy anh cần cù, chịu khó, cô công nhân dệt may Ngô Thị Thu Minh ở cùng quê đã đem lòng thương mến và họ nên nghĩa vợ chồng. Hiện anh chị đã có cháu trai vừa tròn ba tuổi.
6 giờ sáng, anh vội thức dậy đạp xe đến chợ để mua các loại thực phẩm cần thiết. Về đến phòng trọ, anh luôn tay nấu nướng đến 12 giờ mới dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát rồi đẩy xe đến nơi bán trên đường Tăng Nhơn Phú. Mãi đến khoảng 2 giờ sáng hôm sau anh mới lầm lũi trở về phòng trọ để ngắm con đang ngủ trong vòng tay người bác họ khi chị Minh làm ca đêm.
Mải hóng hớt nghe chuyện, tôi chợt giật mình khi anh đề nghị: “Ăn tô nữa nha!” Nhận được cái lắc đầu của khách, anh thở dài: “Chắc có lẽ tui phải thức đến sáng mới bán hết hàng, nếu để đến mai thì các thứ sẽ bị ôi thiu hết cả. Từ chiều đến giờ chỉ mới hòa vốn thôi”.
Quay cuồng trong bão giá
Vì thực khách hầu hết là sinh viên, công nhân và những người có mức thu nhập thấp nên hủ tiếu mỳ cũng phải rẻ hơn so với những món ăn khác. Nhưng giá cả hàng hóa, tiền thuê phòng trọ, tiền điện, tiền nước hiện đang ở mức khá cao đã làm cho việc buôn bán khó khăn hơn trước. “Tuy chi phí tăng cao nhưng tụi tui chỉ dám nâng lên đôi chút vì nếu cao quá thì sẽ không có khách” – anh Sơn cho biết.
Dù phải chịu cực nhọc từ sớm đến khuya, vợ chồng anh cũng chỉ kiếm được khoảng 200.000 đồng. “Nếu giá cả hàng hóa lên cao nữa chắc vợ chồng tui phải về quê làm ruộng chứ chẳng có ai ăn để mà bán!” – chị Tâm than thở.
Giá cả hàng hóa tăng lên chóng mặt nhưng anh Đây chỉ bán 8.000 đồng/tô, tăng 1.000 đồng so với vài tháng trước đó. “Nghĩ cũng tội, họ cũng nghèo như mình nên mới ăn hủ tiếu mỳ, mà nếu lấy nhiều thì tiền đâu họ ăn? Và lúc đó thì mình bán cho ai bây giờ?”.
Bão giá cũng đã cuốn phăng đi bữa sáng và ly cà phê đá mà anh luôn tự thưởng cho mình sau những đêm vất vả, một thói quen đã có từ nhiều năm trước. Giờ thì anh đã quen với “điệp khúc” sáng nhịn đói đi chợ, trưa sấp ngửa vài bát cơm, chiều lại hủ tiếu mỳ.
Năng nhặt chặt bị
Đó là câu nói của vợ chồng anh Sơn, anh Đây và của nhiều người hành nghề bán mỳ gõ trên mảnh đất Sài Thành. Sau nhiều năm tha phương kiếm sống, vợ chồng anh Sơn đã xây dựng được căn nhà làm chốn nương thân. Anh chị dự tính sẽ bám trụ thêm vài năm nữa để kiếm khoản tiền kha khá cho các con ăn học rồi sẽ trở về quê sinh sống.
“Tuy hiện tại buôn bán khó khăn nhưng nếu chi tiêu tiết kiệm thì cũng không đến nỗi nào. Nhiều người dân xứ Quảng quê tui vào đây bán mỳ gõ nuôi con ăn học và làm nên cửa nhà đấy chú à!” - chị Tâm cho biết.
Hơn 13 năm hành nghề bán mỳ gõ, anh Đây đã kiếm được tiền để thuốc thang cho mẹ và lo cho hai em ăn học. Nhưng khoản tiền đó phải đổi lấy bằng những chuỗi ngày nhọc nhằn, những đêm gà gật bên xe mỳ gõ. Trong khi phố phường chìm vào giấc ngủ thì anh phải thức đến gần 2 giờ sáng để bán những sợi mỳ cuối cùng. Khoảng thời gian ấy đã đem lại cho anh trên 200.000 đồng. “Nếu được 1.000 lần như thế này thì tui có thể về quê sinh sống được rồi” – anh nói.
Bình luận (0)