xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làng trường thọ

Theo Trương Quang Hiệp (Báo Quảng Trị)

Trong chuyến đi thực tế ở làng Mai Xá Chánh (xã Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị), chúng tôi thực sự bất ngờ khi phát hiện một điều thú vị ở mảnh đất này, đó là nhiều người dân nơi đây không chỉ sống thọ, mà còn sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Sống thọ, sống có ích
 
Những vị cao niên làng Mai Xá Chánh (xã Gio Mai, huyện Gio Linh) thỉnh thoảng vẫn nhắc lại câu chuyện lưu truyền nhiều đời: Thuở xưa, có một ông lão tóc bạc phơ, khi đặt chân đến làng Mai Xá Chánh đã kinh ngạc thốt lên: “ Ồ! Mảnh đất này có dáng hình tựa ngòi bút cắm vào nghiên mực; tọa lạc ở ngã ba sông Thạch Hãn, sông Hiếu và sông Cánh Hòm; không khí yên bình; phong cảnh như thơ, như họa... Ai ở đây mà không sống thọ, khỏe mạnh, đầu óc tinh anh mới là lạ!”.
 
Câu chuyện có hơi hướng liêu trai cùng thực tế về một mảnh đất anh dũng trong chiến tranh và nổi tiếng với truyền thống hiếu học dẫn lối chúng tôi đến làng Mai Xá Chánh.
 
Như gặp cơ duyên, chúng tôi phát hiện thêm một điều đặc biệt ở ngôi làng này, đó chính là người dân nơi đây sống rất thọ. Nhiều người tuổi đã cao nhưng vẫn tinh anh, khỏe mạnh lạ thường.
 
img
 Ông Trương Quang Bé đọc những bài thơ ca ngợi làng Mai Xá Chánh mà mình sáng tác cho con cháu nghe

“Nhớ tiên linh dày công tạo lập/ Dựng làng Mai địa thế vững vàng/ Bốn cánh đồng màu mỡ thênh thang/ Sông núi lượn tô bồi cảnh đẹp...” - Ông Trương Quang Bé (sinh năm 1919) tiếp chúng tôi bằng những vần thơ tự biên ca ngợi làng Mai Xá Chánh. Ông Bé minh mẫn, tinh anh hơn nhiều so với cái tuổi 92 của mình.

Hàng ngày, ngoài việc cùng người vợ năm nay đã 91 tuổi lo việc ruộng vườn, ông còn dành thời gian để sưu tầm, sáng tác thơ, viết câu đối, chơi cờ quân...
 
Hai tuần một lần, ông Trương Quang Bé lại gọi cháu chắt nội, ngoại sang nhà để hỏi han tình hình học tập. Bao giờ ông cũng dặn đi, dặn lại: “Cha ông xưa chịu nhiều vất vả mà ai cũng đỗ đạt thành tài. Các cháu thời nay phải hơn lớp người đi trước. Thế mới xứng là con cháu làng Mai”.
 
Trong các bậc cao niên của làng Mai Xá Chánh, cụ bà Phan Thị Nguyệt là người thượng thọ nhất. Năm nay, bà Nguyệt đã 105 tuổi. Bà có 4 người con, hơn 30 đứa cháu, rất đông chắt và chiu. Anh La Văn Thú (con trai út của bà Nguyệt) chia sẻ: “Mẹ tôi hoàn toàn có thể tự chăm sóc bản thân.
 
Lúc vui bà còn ngồi kể lại chuyện nuôi giấu cách mạng, ngâm thơ, hát dân ca... Đặc biệt, mẹ luôn dặn anh em tôi phải sống để phúc cho con cháu”.
 
Khác nhiều người già, bà Nguyệt không hề đau ốm gì suốt mấy năm nay. Con cháu thành đạt là niềm vui của người phụ nữ bách niên giai lão. Bà hóm hỉnh: “Mệ tuổi Hợi. Ông cha mình nói: Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn, chừ thì mệ nằm đợi mà ăn thiệt rồi. Mệ còn đợi lâu lâu nữa”.
 
Đến làng Mai Xá Chánh, không khó để bắt gặp hình ảnh những cụ ông, cụ bà dù tóc đã bạc vẫn vui vẻ cuốc đất làm màu hay vững tay cày trên đồng.
 
Ông Lê Minh Hiển (77 tuổi) lau vội giọt mồ hôi chảy dài trên má, miệng tươi cười bảo: “Con cháu bảo tui cứ nghỉ ngơi, nhưng rứa thì tui ngứa tay ngứa chân lắm. Lao động như ri mới vui, mới khỏe được”.
 
Không những thế, nhiều người lớn tuổi ở làng Mai Xá Chánh vẫn giữ được đôi mắt sáng để đọc báo, xem ti vi hàng ngày.
 
Năm nay đã 93 tuổi, nhưng ông Trương Hữu Quế vẫn quan tâm đến việc cập nhật thông tin từ sách báo, truyền hình. Đó cũng chính là nguồn đề tài ông thường dẫn ra để trò chuyện với những cụ ông, cụ bà đồng tuổi mỗi lúc rỗi rãi. Ông cười bảo: “Thời trước cực khổ lắm, làm chi có ti vi, sách báo mà coi, nên chừ tui coi bù. Càng coi càng vui vì thấy đất nước mình bây giờ đổi mới nhiều lắm”.
 
img
 Ông Trương Khắc Tặng cũng như nhiều người cao tuổi ở làng Mai Xá Chánh rất say mê đọc báo
 
Theo thống kê của Hội Người cao tuổi xã Gio Mai, hiện nay, làng Mai Xá Chánh có 160 hội viên hội người cao tuổi. Trong đó, cụ bà Phan Thị Nguyệt là người cao tuổi nhất; 10 hội viên trên 90 tuổi; 25 người trong độ tuổi từ 80 đến 89; 124 người từ 60 tuổi đến 79 tuổi.
 
Ông Bùi Phúc, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Gio Mai cho biết thêm: “Đây mới chỉ là con số thống kê của Hội người cao tuổi xã Gio Mai về số hội viên. Thực chất, số người cao tuổi ở làng Mai Xá Chánh còn lớn hơn vì một số cụ tuổi đã cao, đi lại khó khăn nên không tham gia hội”.

“Ngũ phúc thọ vi tiên”

Năm điều may mắn đối với cuộc đời mỗi con người mà cha ông xưa đúc kết là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh (còn gọi là “Ngũ phúc lâm môn”). Mặt khác, tiền nhân cũng cho rằng: “Ngũ phúc thọ vi tiên”, nghĩa là sống thọ là vốn quý nhất trong năm điều may mắn.
 
Vì vậy, con cháu làng Mai Xá Chánh rất tự hào khi ông bà, cha mẹ mình sống trường thọ. Niềm tự hào ấy còn nhân đôi bởi phần đông người cao tuổi ở ngôi làng cổ này đều khỏe mạnh, tinh anh.

Họ là tấm gương cho con cháu học hỏi, là truyền nhân của nhiều câu chuyện lịch sử như: Giai thoại “Mai vàng tụ nghĩa Cần Vương” gắn với lời hiệu triệu thống thiết vào thời vua Duy Tân: “Thế nước như trứng chồng, chỉ có hợp quần sức mạnh mới lên”; Câu chuyện “Huyền thoại bà mẹ Gio Linh” kể về người phụ nữ làng Mai kìm nén đau thương, giả vờ đi chợ để mang đầu liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ và Nguyễn Phi về chôn giấu hay như bản hùng ca vẻ vang của đội du kích 12 cô gái làng Mai với trận “Bạch Đằng trên sông Hiếu”...

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, sức mạnh thể chất và tinh thần của người dân làng Mai Xá Chánh đã được tôi luyện. Ở ngôi làng này, không ít người gánh chịu những mất mát bởi chiến tranh nhưng họ vẫn vững vàng vượt qua bom đạn và sống thọ đến giờ.
 
img
 Năm nay đã 105 tuổi, nhưng bà Phan Thị Nguyệt vẫn có thể tự chăm sóc bản thân
 
Bà Trương Thị Hiệp (85 tuổi) là một trong số đó. Cố nén dòng nước mắt, bà Hiệp ngậm ngùi chia sẻ: “Tui đã từng nhặt nhạnh từng mảnh thân thể của 13 người trong nhà để chôn cất. Nói thiệt chứ ai đã mang những vết thương chiến tranh như bọn tui cũng sống thọ hết. Chiến tranh dữ dội như rứa mà bọn tui còn vượt qua được huống hồ bây giờ hòa bình, sung sướng rồi”.
 
Bà Hiệp nói tiếp: “Người già ở làng Mai Xá Chánh bọn tui hay nói với nhau là phải sống thật thọ để dạy cho con cháu nhớ đến gốc gác, lịch sử, lễ nghĩa...”.
 
Trong mọi công việc, những vị cao niên ở làng Mai Xá Chánh luôn là người đi trước. Họ đứng ra lo từ việc lớn như tổ chức lễ lạt đến việc nhỏ như đóng góp tiền tôn tạo đình làng. Đặc biệt, ai cũng ý thức trọng trách của mình trong việc dạy dỗ thế hệ sau.
 
Đối với người cao tuổi ở đây, không gì vui hơn khi con cháu đều ngoan ngoãn, học tập thành tài. Thế nên, các bậc cao niên luôn nhắc nhủ, động viên lớp trẻ trên bước đường học tập.
 
Bên cạnh đó, họ luôn bảo ban con cháu phải biết sống đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau. Những chủ trương, đường lối, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước được các cụ căn dặn con cháu thực hiện sao cho đúng, cho tốt.
 
Vì thế, làng Mai Xá Chánh là một trong những làng đạt danh hiệu Làng văn hóa sớm nhất ở xã Gio Mai. Nhiều năm nay, nơi đây không hề xảy ra trọng án, tình hình an ninh trật tự ổn định, đời sống tinh thần của người dân nâng lên đáng kể... Đó cũng chính là động lực giúp những bậc cao niên sống vui, sống khỏe và sống có ích.
 
Không đúc kết bí quyết sống thọ nhưng một số người lớn tuổi ở làng Mai Xá Chánh cho rằng: nhờ sống trong một môi trường yên bình với chế độ ăn uống hợp lý nên họ mới khỏe mạnh. Bữa ăn của các gia đình ở làng Mai Xá Chánh khá đơn giản với rau xanh, hến, các loại củ quả... Tất cả thực phẩm này đều từ bàn tay người nông dân nơi đây làm ra.

Bên cạnh đó, tình yêu lao động cũng góp phần không nhỏ giúp người cao tuổi ở làng Mai Xá Chánh luôn khỏe mạnh. Nhiều cụ ông, cụ bà vẫn không bỏ bê việc ruộng vườn dẫu năm nay đã ngót nghét 80, 90 tuổi. Họ xem lao động chân tay cũng chính là những bài tập thể dục hàng ngày.
 
Phải công nhận đời sống tinh thần của người cao tuổi ở làng Mai Xá Chánh rất “giàu có”. Một bằng chứng sinh động là nhiều cụ ông, cụ bà trong làng nổi danh khắp vùng với tài sáng tác thơ văn, viết câu đối, ngâm thơ, hò vè như ông Trương Quang Bé, bà Bùi Thị Con, bà Tạ Thị Vòng... Đặc biệt, các cụ đều sống hướng thiện, ít đặt nặng đến chuyện tiền bạc, luôn đề cao tình cảm làng xóm. Trong tâm hồn người dân nơi đây, lòng tự hào hướng về lịch sử, truyền thống... được thể hiện rất rõ.
 
Đến giờ, những câu thơ do cụ Hoàng Hữu Huy sáng tác vào năm 1942 miêu tả làng Mai Xá Chánh vẫn được các cụ ông, cụ bà ngâm vang trong dịp lễ lạt: “Mai Xá xưa rày tiếng ngũ Trương/ Lê - Bùi hai họ cũng hùng cường/ Trương Quang ông Trợ thơ trăm cuốn/ Trương Khắc thầy đồ lúa vạn lương/ Trương Hữu vịt ngàn nhà phó tạo/ Trương Công bạc vạn tủ ông Cương/ Trương Văn thầy táo lu đầy rượu/ Thông thản lắm tiền cá thập phương”.

Trong bối cảnh con người đang âu lo về sự tụt giảm của tuổi thọ, một ngôi làng với nhiều cụ ông, cụ bà sống khỏe mạnh khi tuổi đã già thực sự là một điều đặc biệt. Con cháu làng Mai lại có thêm một niềm tự hào giản dị về quê cha, đất tổ .                               

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo