xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lánh buôn làng, gia đình 9 người lưu lạc chốn rừng sâu

Theo HỒNG TRINH/Báo Bình Thuận

Ở xã miền núi Đông Giang có một gia đình người K’ho trốn buôn làng, sống ẩn mình giữa rừng sâu hơn 10 năm nay tách biệt với thế giới bên ngoài

Một người quen ở xã Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) nhắn tin với nội dung trên. Nghe lạ quá, phải lên vùng cao Đông Giang một chuyến tìm hiểu thực hư ra sao…


Nơi trú ngụ của gia đình chị S’rín.

Nơi trú ngụ của gia đình chị S’rín.



Chị S’rín và các con.

Chị S’rín và các con.

Tiếng hú giữa rừng xanh

Phải nói trở lại Đông Giang lần này ai cũng thấm mệt. Trời tháng 4 nắng chan chát, hai bên đường thi thoảng nhìn thấy những bóng dáng người xiêu vẹo bước đi trong ánh nắng chói chang, cây cối khô khốc, những khuôn mặt sạm đen vì nắng.

Dù đã được các anh cán bộ xã khuyến cáo đường vào nơi cư trú của gia đình người K’ho ấy rất khó đi và phải đi bằng xe “chuyên dụng” của các anh thì may ra mới đến được. Và với kinh nghiệm từng lăn lóc trong những chuyến công tác trước thì tôi phần nào hình dung chặng đường mình sắp sửa đi qua. Vậy mà không ngờ, đoạn đường “khó ăn” hơn tôi tưởng gấp bội phần, chỉ ngồi xe trên đoạn đường chừng 5 - 6 km băng rừng mà ruột gan lắc lư không thể tưởng…

Đến nơi cần đến cũng đã giữa trưa. Rừng im ắng lạ, chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả trên những tán điều rộng lớn đang vào mùa. Nỗi thất vọng xâm chiếm cả mấy con người khi nhìn thấy căn chòi giữa rừng trống hoác, tịnh không một bóng người.

“Hú…hú…” - tiếng hú vang vọng cả khu rừng của anh K’Văn Din – Trưởng Công an xã, người dẫn đường cho chúng tôi bất chợt vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của từng người. Không tiếng trả lời, chỉ nghe tiếng hú của anh Din vọng lại từng hồi.

Tìm rồi cũng thấy gia đình “người rừng” với 2 người lớn và 7 đứa trẻ. Phía trong căn chòi được thiết kế theo kiểu nhà sàn của đồng bào là 3 chiếc mùng được giăng lên rách bươm cùng với vài ba chiếc mền có cùng tông màu xám xịt.

Mệt mỏi tan biến, nắng tháng 4 không còn đáng sợ, khi thoáng ẩn hiện dưới đồi bóng một người phụ nữ thấp đậm đang bước lên, phía sau lần lượt là những đứa trẻ không mặc quần áo, người đen nhẻm và ướt sũng. Tôi đếm và thấy cả thảy có 5 đứa trẻ như vậy. Anh Din hỏi bằng tiếng K’ho thì biết mấy mẹ con vừa đi tắm suối về.

K’Thị S’rín (SN 1979) là tên của người phụ nữ ấy, người đã cùng chồng và 7 đứa con sống tách biệt với thế giới bên ngoài đã hơn 10 năm nay. Ánh mắt của chị S’rín lộ vẻ lo âu, còn những đứa trẻ bỏ chạy tán loạn khi thấy bóng người. Khi nghe anh Din giải thích, chị S’rín mới an tâm bế những đứa bé nhất vào chòi mặc quần áo, những đứa lớn thì sợ trốn ở đâu đó trong cánh rừng quanh nhà. Chị S’rín biết tiếng Kinh bập bẹ kể với chúng tôi hôm nay chồng mình xuống làng thăm mẹ, còn mấy đứa nhỏ không đứa nào biết tiếng Kinh và rất nhát người lạ.

Gia đình “lắm không”

“Sau khi phát hiện chị S’rín cùng chồng là anh Sim Mên (SN 1978) và các con sống biệt lập giữa rừng, địa phương đã từng cử người vào tận nơi để vận động gia đình quay về nhưng gia đình cương quyết không chịu” - anh K’Văn Vĩnh - cán bộ tư pháp xã giải thích cho chúng tôi khi chứng kiến cả gia đình gồm 9 thành viên sống chen chúc trong căn chòi chật chội, ẩm thấp giữa rừng.

“Mình vào rừng hơn 10 năm rồi, mình không về làng nữa đâu, sợ lắm…” - tiếng của chị S’rín cất lên lơ lớ còn ánh mắt thì nhìn xa xăm, tựa hồ như nỗi sợ hãi ấy lấn át cả nỗi sợ khi tự mình làm “bà mụ” cho những lần “vượt cạn” giữa chốn rừng thiêng nước độc.

Mấy anh cán bộ xã còn nói vui, gia đình này “nhiều không” lắm, ngoài việc thiếu thốn trăm bề như không điện, không nước, quần áo, vật dụng… những đứa trẻ còn không biết tiếng Kinh, không đi học, không giấy khai sinh, hộ khẩu. Thậm chí chỉ có 3 đứa lớn lần lượt sinh năm một thì chị còn nhớ tên, chứ mấy đứa nhỏ xíu còn đang bú mẹ khi hỏi tên, chị S’rín chỉ nhoẻn miệng cười khoe hàm răng trắng muốt.

Chị còn muốn sinh con nữa không? Không đâu cán bộ ơi, đẻ nhiều khổ lắm, chồng mình không thích mình đẻ nữa đâu. - Nếu vậy, S’rín phải “kế hoạch” đi. - Có, kế hoạch rồi!... Nói xong, chị S’rín bẽn lẽn nhìn xuống đứa bé nhất mới 8 tháng đang rúc vú mẹ...

Đường vào nơi ở của gia đình chị S’rín quá nhiều đoạn gập ghềnh, khó đi, có đoạn dốc dựng đứng, phải những người chuyên đi rừng mới có thể vượt qua được. Mùa này những con suối khô đáy, để lồ lộ những tảng đá chông chênh càng khó đi. Hỏi thăm mới biết, thi thoảng trăng sáng chị S’rín mới băng rừng lội suối ra làng mua ít thực phẩm về trữ dần cho các con. Mùa mưa suối ngập thì gia đình tự cung tự cấp bằng ít gạo, muối và rau, chuối rừng… Ngoại trừ 2 đứa con trai 12, 13 tuổi vẫn trốn biệt tăm thì mấy đứa nhỏ đã bớt sợ người lạ hơn dù vẫn chui rúc vào lòng người mẹ. Người phụ nữ K’ho ấy đã bớt đi những ngại ngùng ban đầu, cùng chúng tôi trò chuyện rôm rả, lâu lâu chị lại cất lên một loạt tiếng địa phương để nhắc nhở đám con trai đang trốn đâu đó dưới những tán rừng rậm rạp.

Những năm gần đây đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Đông Giang và các xã miền núi của Hàm Thuận Bắc tương đối phát triển. Hầu hết các hộ đều có nhà cửa ổn định, có đất sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Một số gia đình bắt đầu làm ăn khấm khá, vươn lên làm giàu, con cái được học hành. Vì thế không lạ khi hầu hết cán bộ chủ chốt của xã Đông Giang hiện nay là người K’ho. Ngồi bệt dưới tấm bạt cũ rích trải tạm dưới tán điều bên hông ngôi nhà sàn xiêu vẹo của gia đình chị S’rín, anh Din không khỏi trăn trở: “Gia đình S’rín là hộ duy nhất hiện nay sống tách biệt với cộng đồng người K’ho ở Đông Giang, điều này khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn. Đã đôi lần chúng tôi thuyết phục gia đình về sống định cư trong buôn làng để mọi người có điều kiện hòa nhập cộng đồng, chứ mấy đứa nhỏ sống nheo nhóc giữa rừng, thương quá”. Nhìn nét mặt chùng xuống của người đàn ông K’ho đang ngồi trước mặt, tôi có thể phần nào hiểu được những lo âu anh đang chất chứa trong lòng. Bởi ngoài chuyện làm công vụ, anh còn là người con của buôn làng K’ho không nỡ nhìn thấy đồng bào của mình sống đơn độc giữa rừng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo