Tôi chưa kịp trả lời thì anh hỏi thêm: “Người Huế cúng bái rất nhiều trong dịp Tết, vậy họ có còn thời gian để ăn Tết, chơi Tết?”. Quả đúng như vậy. Lễ nghi, cúng kiếng trong dịp Tết Nguyên đán ở Huế, có lẽ, nhiều hơn bất kỳ nơi nào ở Việt Nam.
Là kinh đô xưa, Huế còn giữ nhiều cổ tục trong việc đón Tết và ăn Tết. Trong đó lễ nghi, cúng kiếng là phần quan trọng nhất, được người Huế duy trì thực hiện rất trang nghiêm, bài bản, với sự kính cẩn, thành tâm.
Hậu duệ Nguyễn Phước tộc làm lễ cúng đầu năm ở Thế Miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn. Ảnh: Cảnh Tăng
Sau lễ chạp mả là lễ cúng ông Táo. Người Huế chỉ làm lễ cúng ông Táo, không cúng ông Công như người Bắc. Lễ cúng ông Táo ở Huế diễn ra vào sáng sớm ngày 23 tháng Chạp. Trước lễ, lư hương đã được thay cát mới, bàn thờ ông Táo được lau dọn tinh tươm. Sau lễ, tượng ba ông Táo cũ bằng đất nung được tiễn khỏi bàn thờ bếp, đưa đến đặt cạnh các am miếu ở đầu xóm, hay ở dước gốc cổ thụ cạnh ngã ba đường. Tượng ba ông Táo mới được rước lên bàn thờ, bắt đầu “nhiệm kỳ” một năm coi sóc bếp núc cho gia chủ.
Trong sáng ngày 23 tháng Chạp còn có lễ dựng nêu ở trước sân nhà, sân đình. Cây nêu làm bằng tre, còn giữ chùm lá tươi ở trên ngọn. Sau khi dựng nêu, người ta dùng vôi bột vẽ thành hình bộ cung tên ở dưới chân cây nêu. Đó là dấu hiệu báo cho ma quỷ biết đây là địa phận của người, chớ nên lai vãng.
Lễ cúng xóm nhân dịp tất niên. Ảnh: Cảnh Tăng
Ngày 25 tháng Chạp, không khí Tết đã cận kề, cũng là lúc người Huế bắt đầu lễ cúng tổ nghề và lễ cúng tất niên. Lễ cúng tổ nghề diễn ra ở phường hội nghề nghiệp. Mỗi phường nghề có một ngày cúng tổ riêng. Sau lễ cúng này, đa phần các phường nghề tạm ngưng hoạt động để đón Tết, trừ nghề thợ may và nghề cắt tóc vẫn hành sự cho tới chiều 30 Tết. Ở lối xóm, lối phố thì có lễ cúng tất niên. Sau một năm tất bật mưu sinh, lễ cúng tất niên là dịp để những người láng giềng ngồi lại với nhau, cùng nhau nâng chén rượu ngon tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, thấm đượm tình làng nghĩa xóm.
Lễ cúng tất niên ở tư gia diễn ra muộn hơn, thường vào chiều 30 Tết. Sau lễ cúng trên bàn thờ mời tổ tiên về “ăn Tết”, các thành viên trong gia đình hội ngộ với nhau bên mâm cơm chiều cuối năm. Mỹ tục này được người Huế duy trì từ bao đời nay nên dù đi làm ăn xa hay gần, thì đến chiều 30 Tết ai ai cũng tìm cách đoàn tụ với gia đình trong “bữa cơm đặc biệt” này. Không chỉ đoàn tụ với người sống, họ còn muốn tìm trong khoảnh khắc thiêng liêng này hình ảnh những người thân đã khuất.
Thụ lộc sau lễ cúng đầu năm ở Thế Miếu. Ảnh: Cảnh Tăng
Vào thời khắc chuyển sang năm mới, người Huế tổ chức cúng giao thừa. Lễ vật cúng giao thừa được bày biện ở ngoài sân lẫn trong nhà và đều là cổ chay bởi lễ cúng này “vắt” đêm 30 năm cũ sang sáng mồng Một năm mới. Dân Huế đa phần theo đạo Phật nên ngày mồng Một phải cúng chay, ăn chay. Mâm cúng ngoài trời là để đưa đón các vị Hành khiển, diễn ra trước lúc giao thừa ít phút. Mỗi năm có một vị Hành khiển trông coi cõi hạ giới.
Đến lúc giao thừa, vị Hành khiển cũ ở hạ giới phải bàn giao chức trách cho vị Hành khiển mới đến từ thượng giới. Vì việc bàn giao và tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị Hành khiển chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Vì thế mà người Huế phải bày biện mâm cúng ngoài trời cho kịp thời gian của các vị Hành khiển. Lễ cúng trong nhà diễn ra vào đúng thời điểm chuyển sang năm mới là để cầu xin tổ tiên “phù hộ độ trì” cho con cháu trong gia tộc một năm mới may mắn, an khang.
Khác với ngoài Bắc, ở Huế không có tục hái lộc đầu năm nên người Huế không ra khỏi nhà trước và sau khi giao thừa. Sau này, do chính quyền địa phương có tổ chức bắn pháo hoa ở quảng trường Ngọ Môn vào lúc giao thừa nên một bộ phận người Huế, đa phần là giới trẻ, đã “biết” ra khỏi nhà vào đêm 30 Tết để chờ xem pháo hoa. Tuy nhiên, người lớn tuổi vẫn thích ở nhà lo việc cúng kiếng hơn là ra đường như đám trẻ.
Mặt khác, nhiều người Huế không muốn về nhà sau phút giao thừa để tránh lệđạp đất (ngoài Bắc gọi là xông đất) nhà mình, bởi lẽ, người ta mong người đến đạp đất nhà mình vào sáng mồng Một Tết là những người chức sắc, có học vấn, là người nhẹ vía, để tài lộc, may mắn sẽ theo họ đến với gia đình suốt cả năm sau đó.
Sáng mồng Một Tết, nghi lễ đầu tiên là lễ cúng Nguyên đán. Đó là lúc người Huế làm lễ cúng chay trên bàn thờ tổ tiên. Lễ vật là trầm trà, mứt bánh…, đơn giản nhưng tinh khiết. Sau lễ ấy, gia chủ mới mở cửa đón khách đến nhà thăm Tết.
Sáng mồng Một Tết, người Huế thường đi chùa lễ Phật trước tiên, sau đó mới đi viếng mộ tổ tiên, thắp hương nhà thờ họ tộc, đi thăm ông bà, cha mẹ đằng chồng, đằng vợ… Việc chúc Tết thầy, viếng thăm bạn bè đồng nghiệp thường là vào ngày mồng Hai, mồng Ba.
Từ ngày mồng Một Tết trở đi, mỗi ngày phải cúng kiếng 3 lần sáng - trưa - chiều trên bàn thờ tổ tiên. Ngày Sóc cúng chay, ngày thường cúng mặn. Ðến chiều mồng Ba Tết thì làm mâm cơm cúng đưa để tiễn ông bà về lại cõi trên.
Chiều ngày mồng Bảy tháng Giêng, sau lễ hạ nêu thì một chu kỳ lễ Tết ở Huế mới tạm coi là hoàn tất. Gọi là tạm bởi vì sau lễ hạ nêu, người Huế vẫn phải thực thi nhiều lễ nghi khác như lễ cúng đầu năm,lễ dâng sao, lễ cúng rằm Nguyên tiêu... Hậu duệ Nguyễn Phước tộc còn tổ chức lễ dâng hương đầu năm mới trong Thế Miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn, hay đi viếng mộ phần tổ tiên nơi các lăng tẩm ở ngoại ô.
Lễ nghi, cúng kiếng trong dịp Tết ở Huế, xưa cũng như nay, là một bộ phận hợp thành của văn hóa Huế. Người Huế coi đó là những nghi thức thiêng liêng, cần phải duy trì và trao truyền cho hậu thế. Đến lượt mình, các thế hệ hậu duệ người Huế tự nguyện tiếp nhận và thực hành các nghi lễ ấy, coi đó là cách thức “liên kết” với tổ tiên, thần Phật và làm phong phú đời sống tâm linh của họ, dẫu rằng, những lễ nghi ấy đã “lấy mất” khá nhiều thời gian “ăn Tết” và “chơi Tết” của người Huế, như anh chàng nhà báo Steve Burrow từng băn khoăn.
Bình luận (0)