Chúng tôi dẫm lên lớp lá thị khô dày đặc bước vào bên trong...
Một tay gây dựng cơ đồ
Hai ngôi mộ cổ này nằm tại xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, có từ thời Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) còn bôn tẩu khắp nơi.
Đây là mộ phần của đôi vợ chồng già Lê Phước Tang, người đã từng giúp đỡ, che chở Nguyễn Ánh trong lúc nguy nan.
Mộ làm bằng hợp chất ô dước, loại hợp chất trong đó có mủ cây ô dước là nguyên liệu chính. Đặc điểm của loại hợp chất này là không bị đàn hồi theo thời tiết nên mặc dù đã trải qua mấy trăm năm, trên mộ vẫn không một vết nứt.
Mộ được bao bọc bởi một tường rào bao quanh với 4 trụ hình búp sen. Bức tường rào hiện đã gãy đổ xiêu vẹo, 4 trụ hình búp sen chỉ còn 2. Trước và sau mộ còn có bình phong.
Anh Nguyễn Văn Thành bên gốc thị và mộ cổ. Ảnh: Chánh Nghĩa
Đặc biệt, phía bên ngoài tường rào cạnh mộ ông Tang có một cây thị cổ thụ. "Cây thị này đến nay cũng đã vài trăm năm rồi", ông Nguyễn Văn Thành (60 tuổi, xã Long Khánh) cho biết.
Ông nói thêm: "Ngôi mộ này được xây vào khoảng thế kỷ 19. Ông Lê Phước Tang vốn là một trại chủ. Ông theo lời kêu gọi của chúa Nguyễn từ miền Trung vào đây khai hoang. Ông đã khai khẩn ra vùng Hòa Thuận nay là ấp Hòa Trí.
Vốn có tầm nhìn xa, lại dám nghĩ dám làm, ngay từ buổi đầu ông đã cùng người dân, biến nhiều cánh đầm lau sậy thành ruộng lúa, ao cá.
Ông họp bàn mọi người lại rồi cho đào một con kênh bao quanh vùng Hòa Thuận, vừa có thể thoát nước lại mang nước về cho những vùng đất cao khô cằn. Ngày nay, con kênh năm xưa vẫn ôm trọn lấy ấp Hòa Trí, mang lại cho vùng đất trù phú này nhiều phù sa.
Từ ngày có con kênh, những cánh đồng trại chủ Tang ngày càng được mở rộng, lúa nặng trĩu bông.
Chẳng mấy chốc gia sản ông nhiều lên, thóc lúa đầy nhà. Vốn là người có tâm, ông Tang san sẻ cái ăn bớt cho dân nghèo. Chính vì vậy mà người dân nơi đây rất kính trọng và biết ơn vợ chồng ông.
Hiện nay cạnh xã Long Khánh có một con rạch chảy ngang, bà con thường gọi là rạch Ông Tang để tỏ lòng biết ơn và kính mến".
Trái thị rơi khắp nơi nhưng không hề mọc cây con
Ông Thành cho biết thêm: "Vợ chồng ông Tang mất, thi hài được chôn cất tại đây".
Ông Thành nói tiếp: "Những người già nơi đây kể lại, trước đây cả 2 ngôi mộ đều có một sợi xích sắt xiềng lại và một cây thị được trồng gần đó.
Tôi sinh ra tại đây đến khi lớn lên thì không còn thấy sợi xích nữa, chỉ có cây thị vẫn còn. Nhiều người truyền miệng lại với nhau rằng lúc mới trồng chỉ có 1 cây thị.
Nhiều năm sau, ngay tại gốc nhú thêm một cây thị nhỏ nữa. Cây thị nhỏ lớn dần để đến hôm nay, không ai còn phân biệt cây nào trước cây nào sau".
Cây thị huyền thoại
Đất Cai Lậy - Tiền Giang là vùng đất chuyên sản xuất trái cây và việc chiết cành để gây giống với người dân nơi đây không phải là một việc khó.
Vậy mà có rất nhiều người nhiều lần đến đây chiết cành cây thị này, thậm chí người ta còn bỏ thêm chất kích thích ra rễ nhưng vẫn không cho kết quả như ý. Đến nay thì không còn ai có ý định này nữa.
Kể tới đây, ông Thanh cúi xuống đất lấy lên một quả thị chín vàng. Mùi thị tỏa ra thơm ngát. Ông nói tiếp: "Trái thị rụng xuống nhưng hạt của nó vẫn không sinh ra cây con".
Anh Thành vạch tìm nơi quả đạn pháo 105 ly rơi
Ông Thành đưa chúng tôi đến phía trước bới lớp lá ủ lộ ra hố đất. Ông giải thích, hố này do quả đạn pháo 105 ly bắn tới trong thời kỳ chiến tranh. Quả đạn rơi ngay đó nhưng không làm hư hỏng mộ phần cũng như không lưu lại dấu vết gì trên phần mộ.
Khu mộ nay đã xuống cấp. Tường thành bốn phía gãy đổ hư hỏng do thời gian nhưng vẫn chưa được sửa chữa.
Ông Nguyễn Ngọc Kính, Chủ tịch UBND xã Long Khánh, chia sẻ: "Việc sửa sang lại 2 ngôi mộ cổ này là nguyện vọng của nhiều người dân ở đây. Tuy nhiên, việc này chưa có ý kiến của Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Cai Lậy, nên vẫn chưa có kế hoạch và kinh phí trùng tu.
Sau 1975, từ nhiều lời đồn thổi, kẻ trộm đã đào bới ngôi mộ để tìm châu báu nhưng không có kết quả gì, ngược lại còn làm cho ngôi mộ thêm hư hỏng. Nếu có kinh phí và được giao nhiệm vụ, chúng tôi sẵn sàng".
Bình luận (0)