Miếu Trà Bô Loan có lịch sử hàng trăm năm tuổi và gắn liền với lịch sử của vùng đất nơi đây.
Năm 1977, một số thợ đá trong lúc làm việc tại tại đây đã đào được chóe vàng của người Chăm, số lượng nhiều đến hàng chục lượng. Truyền rằng, đó chính là số vàng của vị địa chủ Trà Bô Loan xưa kia từng chôn giấu.
Ngôi miếu Trà Bô Loan ở thôn Thọ Lộc tựa mình bên triền núi sơn thủy hữu tình, một bên là núi non trùng điệp, một bên là con sông uốn lượn nên thơ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được một số cụ cao niên ở trong thôn cho hay, ngôi miếu có từ thời nào hiện không ai nắm rõ và cũng chưa có một tài liệu nào ghi lại một cách chính xác về ngôi miếu này.
Đào đá phát hiện hũ vàng
Theo cụ Nguyễn Hiếu (82 tuổi, một bậc cao niên ở địa phương) trong các truyền thuyết kể về vùng đất thôn Thọ Lộc có một câu chuyện mà hầu hết người dân nơi đây đều được biết đến, thậm chí không ít người cho rằng đó chính là sự thật lịch sử.
Truyền rằng, thôn Thọ Lộc xưa kia là vùng đất của một địa chủ người Chăm tên Trà Bô Loan. Khi vương quốc Chiêm Thành mà kinh đô là Vijaya bại trận, người Chăm rút dần vào phía Nam thì ông Trà Bô Loan vẫn ở lại gắn bó với vùng đất. Sinh thời, ông Trà Bô Loan giàu có bậc nhất trong vùng, sống với người vợ và một người đầy tớ ở núi An Mơ.
Thời đó, những người Việt đầu tiên trong hành trình Nam tiến đã đến Thọ Lộc. Vì đất đai không có nên họ làm thuê cho địa chủ Trà Bô Loan để mưu sinh qua ngày. Sau khi vị địa chủ này qua đời, đất đai, của cải được người dân chia nhau để sinh sống.
Cụ Hiếu cho biết: “Sau này, để ghi nhớ công lao của người đã khai hoang vùng đất, người dân trong vùng đã dựng miếu thờ Trà Bô Loan ngay tại mảnh đất ông từng sinh sống. Hàng năm, đến ngày rằm tháng 3 âm lịch là người dân lại cung kính, hương khói cho ông. Truyền thống đó vẫn còn gìn giữ đến bây giờ”.
Khu vực quanh miếu Trà Bô Loan từng bị đào bới để tìm kho báu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một buổi sáng ngày cuối năm 1977, cụ Phan Đình Chạnh (87 tuổi, khi đó đang là Giám đốc Xí nghiệp Đá số 1 Nghĩa Bình, đóng tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bây giờ) nhận được tin báo của tổ trưởng tổ khai thác đá tại khu vực núi An Mơ rằng 3 ngày trước một nhóm công nhân trong tổ đã đào được chiếc chóe trong đó chứa nhiều đồ sắt nên họ chia nhau giữ mỗi người một ít cho vui. Sau đó, họ phát hiện đó là vàng thật nên đã cất giấu. Để xác minh sự việc, cụ liền tức tốc đến tận nơi kiểm tra lại thông tin từ người tổ trưởng này.
“Lúc nhận được tin báo, tôi lập tức đến khu vực núi An Mơ xác minh sự việc, sau đó thông báo lên chính quyền huyện An Nhơn. Sáng cùng ngày, lãnh đạo địa phương cùng các đơn vị công an, ngân hàng đã đến núi An Mơ làm việc. Khi xác minh sự việc công nhân đào được vàng thật và vàng đó là của người Chăm, chính quyền đã vận động nhóm công nhân giao nộp lại số vàng nói trên. Tuy nhiên, lúc đầu họ không chịu nộp. Sau đó, nhờ thuyết phục, giải thích cặn kẽ của cơ quan chức năng nên họ cũng nộp lại. Tôi nhớ lúc đó thu tổng cộng khoảng trên dưới 6 lượng vàng”, cụ Chạnh nhớ lại.
Theo ước đoán của cụ Chạnh, số vàng mà các công nhân đào được có thể nhiều đến hàng chục lượng. Tuy nhiên, sau khi phát hiện đó là vàng thật, họ chỉ nộp lại cho ngân hàng một phần, còn giữ làm của riêng. “Hồi ấy ai cũng nghèo, khi biết là vàng thật thì ai mà không ham. Nói gì thì nói họ cũng phải giữ lại cho riêng mình”, cụ Chạnh cho biết.
Dây xích vàng không đổi được ly chè
Đi sâu vào câu chuyện những người thợ đá đào được vàng tại khu vực núi An Mơ, chúng tôi được nghe kể những câu chuyện khá hài hước. Theo đó, buổi chiều hôm đó, một số người công nhân khi đào hố đã phát hiện ra một chiếc chóe bằng đất nung, bên trong phủ lớp vải đỏ với chất liệu và hoa văn khá lạ.
Nhóm thợ đá khi đó hầu hết là thanh niên trai tráng đến từ những vùng quê nghèo nên cứ nghĩ mình sắp phát tài. Tuy nhiên, khi bóc lớp vải đó ra, những người thợ đá phát hiện hai sợi dây xích, nhẫn, vòng đeo tay và khuyên tai, tất cả đều phủ một màu đen. Nghĩ đó chỉ là đồ sắt không mấy giá trị nên họ cũng chẳng mấy mặn mà.
“Hai sợi dây xích to bằng ngón tay, một sợi ngắn chừng 50cm, một sợi dài cả sải tay, nhìn vào cứ như là đồ sắt. Số vòng, nhẫn và khuyên tai còn lại thì cũng mốc meo, đen thui. Đám công nhân khi đó nghĩ là đồ sắt nên chia nhau cầm chơi cho vui, chứ không nghĩ đó là vàng thật. Điều hài hước là sau khi chia nhau, họ đem vàng đi chơi và gặp những chuyện bi hài mà khi kể lại ai cũng cảm thấy thú vị”, cụ Chạnh cho biết.
Theo lời cụ Chạnh, đêm thứ hai sau khi nhận phân chia số vàng nhặt được, một anh công nhân mang sợi dây xích đi chơi. Khi đến quán chè của người phụ nữ trong thôn, anh này đeo sợi dây xích ở bờ rào rồi vào quán ăn chè. Anh này ăn xong thì không có tiền trả nên định trả bằng sợi dây xích vừa đào được trên núi. Tuy nhiên, bà chủ quán lúc đó không đồng ý vì cho rằng sợi dây xích kia chẳng đáng tiền ly chè.
Cụ Chạnh kể: “Tối đó, anh công nhân mang sợi dây xích về vứt ở trại rồi ngủ thẳng cẳng. Đến sáng hôm sau, khi mặt trời lên, anh này phát hiện sợi dây xích bị xước vài chỗ lộ ra màu vàng. Nghĩ rằng đây có thể là vàng, anh công nhân mang đến một tiệm vàng trong vùng để thử thì biết đó là vàng thật, bị chôn lâu năm dưới đất nên bề mặt đã bị ôxy hóa ngả màu đen”.
Cũng vào đêm ấy, một anh công nhân khác mang chiếc nhẫn đi tặng cô gái trong thôn nhưng bị cô này từ chối vì cho là nhẫn đểu. Cụ Chạnh cho biết: “Không chỉ bị từ chối, anh này còn bị cô gái mỉa mai. Tức giận nên anh này vứt luôn chiếc nhận trước cửa nhà cô ấy. Sáng hôm sau, khi biết dây xích của người bạn là vàng thật, anh này liền chạy đến trước cửa nhà cô gái để tìm lại. Sau khi tìm được, anh liền chà rửa thì nó trở thành chiếc nhẫn vàng bóng loáng. Về sau, anh đã nộp lại cho cơ quan chức năng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, về sau, người dân cho rằng, nơi những người thợ đá phát hiện ra chóe vàng chính là nơi sinh sống trước đây của vị địa chủ người Chăm tên Trà Bô Loan. “Nơi khai thác đá chính là mảnh đất mà ông bà kể là nơi ông Trà Bô Loan sinh sống. Mỏ đá tìm thấy hũ vàng nằm phía sau miếu thờ vị địa chủ này chỉ vài chục mét. Người ta cho rằng, sinh thời ông Trà Bô Loan giàu có nứt đố đổ vách, đã đem vàng ra chôn sau nhà”, cụ Chạnh cho biết.
Đào bới tìm kiếm kho báu
Theo lời kể của cụ Chạnh, vào khoảng năm 1988, một nhóm người Chăm sống tại tỉnh Ninh Thuận tìm đến miếu Trà Bô Loan để tìm vàng. “Khi tìm đến đây, họ đưa ra một cuốn gia phả rồi nói rằng là do ông bà tổ tiên ghi lại. Cuốn gia phả ghi gì tôi cũng không rõ. Chỉ nghe họ nói là có lưu lại nhiều chuyện ở khu vực mà trước đây ông Trà Bô Loan sinh sống. Tôi nghe họ nói vậy thì cũng đáp lại, chứ thật ra tôi cũng không biết là thế nào. Với lại, họ là người lạ từ xa đến, không biết có mục đích gì nên tôi cũng e dè”, cụ Chạnh cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhóm người lạ này thuê một nhóm người đến khu vực cách miếu Trà Bô Loan về phía Tây khoảng 50m đào bới để tìm kho báu. Khi đào sâu xuống khoảng 2m, thấy một hòn đá nhỏ tròn xoe, màu xám, đường kính khoảng 40cm. Nhóm thợ lấy búa tạ đập hòn đá đó thì phát hiện bên dưới có nhiều mảnh sành, mảnh đá, có cả những chiếc chén còn nguyên.
Cứ nghĩ đã sắp tìm được kho báu nên nhóm người này tiếp tục thuê thêm người đến đào mở rộng ra khu vực xung quanh. Tuy nhiên, đào cả tuần liền nhưng không tìm thấy gì ngoài những mảnh sành vụn nên nhóm người này bỏ cuộc quay về Ninh Thuận.
Chuyện về nhóm người lạ đến miếu Trà Bô Loan tìm vàng chẳng mấy chốc loan truyền khắp nơi. Dạo đó, đi đâu người ta cũng nói đến chuyện tìm kho vàng. Chẳng những đồn đại, bàn tán về câu chuyện, nhiều người nảy ý định săn tìm vàng Hời, mong một phút đổi đời. Không ít người đến miếu nhòm ngó, rồi đào bới tìm kiếm ở xung quanh khu vực ngôi miếu này, nhưng chẳng ai tìm kiếm được gì.
Ông Cao Thái Sang, Trưởng thôn Thọ Lộc, cho biết: “Việc người dân đổ xô đi tìm kho báu ở khu vực núi An Mơ vào mấy chục năm trước là có thật. Không chỉ những người trong địa phương, mà có cả người ở nơi khác đến, đặc biệt là một nhóm người ở tỉnh Ninh Thuận. Nhắc đến chuyện này, không ít nhà nghiên cứu tỏ ra tiếc nuối khi món đồ cổ như sành, sứ không được lưu giữ, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, từ đó có thể tìm ra những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất”.
Từng một thời mất ăn mất ngủ vì vàng Hời trên núi An Mơ, thế nhưng sau mấy chục năm dài, kẻ mất người còn, chuyện xưa cũng dần lui vào quá khứ, nếu thi thoảng được nhắc lại thì cũng chỉ là chuyện trà dư tửu hậu. Riêng tục thờ cúng ông Trà Bô Loan thì vẫn được gìn giữ như một sự tưởng nhớ người có công lao khai hoang vùng đất, cũng là cách răn dạy con cháu sống có trước có sau.
Bình luận (0)