Tưởng chừng việc mua bán xong xuôi, thế nhưng ai ngờ...
Ly kỳ xung quanh cây sưa cổ
Chuyện bắt đầu từ năm 2013 khi nhiều người dân ở thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) tá hỏa khi nhận được thông tin hai cây sưa đỏ ở đình làng Đông Cốc - được dân làng coi như báu vật - “bỗng nhiên” bị rao bán trên Facebook với các giá “siêu khủng”: Cây phía trong xác định 400 tuổi được định giá 200 tỉ, còn cây bên ngoài giáp cổng đình ước tính 200 tuổi được “rao” 50 tỉ đồng.
Thực tế trước đó, các cụ bô lão, ban quản lý thôn Đông Cốc có đề xuất việc bán cây sưa trên để trùng tu lại đình, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình phúc lợi…
Chỉ là thôn thuần nông và cũng “láng máng” biết giá trị của cây sưa đỏ nhưng khi biết thông tin về mức giá lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng thì chính các cụ cao niên trong làng cũng “choáng váng”.
Cây sưa đỏ giá hàng chục tỉ đồng.
Về vấn đề này, chính quyền tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc bán cây sưa 200 tuổi ở đình Đông Cốc đã được Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý cho địa phương đấu giá. Chi cục Kiểm lâm cũng đã có văn bản xác định rằng cây sưa 200 tuổi này đã chết.
Tháng 8.2016, sau rất nhiều phiên họp giữa chính quyền và bô lão trong làng, một phiên đấu giá “lịch sử” đã diễn ra tại đình làng. Có tới 5 đại gia về gỗ đã tham dự để “đặt giá” cho cây sưa phía ngoài với mức khởi điểm là 23,964 tỉ đồng.
Phiên đấu giá diễn ra căng thẳng và phải tới lần phát giá thứ 16, đại gia Nguyễn Văn Hùy - vốn là người rất am hiểu về gỗ sưa tại làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) - là người trả giá cao nhất với khoản tiền 24,5 tỉ đồng.
Sau đó một số cuộc họp đã xảy ra ẩu đả, thậm chí có người bị đánh chảy máu đầm đìa ở đầu. Mâu thuẫn xảy ra khi người dân cho rằng, cây sưa đỏ này đã có người trả số tiền lên đến 49 tỉ đồng nhưng chính quyền lại bán với giá chỉ 24,5 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Hùy còn “hỗ trợ thêm” cho dân làng khoản tiền là 1,5 tỉ đồng theo giấy biên nhận ngày 10.3.2017.
Dân làng bỗng nhiên “mắc nợ”
Theo phản ánh của người dân Đông Cốc mà đại diện là ông Nguyễn Văn Mận thì để thực hiện hợp đồng mua bán cây sưa, ông Nguyễn Văn Hùy đã chuyển đầy đủ 24,5 tỉ đồng vào tài khoản Công ty Cổ phần đấu giá Việt Nam (đơn vị tổ chức phiên đấu giá cây sưa). Trong đó 23,8 tỉ chuyển khoản qua Ngân hàng Agribank chi nhánh Long Biên, 700 triệu đồng chuyển tiền mặt. Ngày 25.1.2017, Công ty Cổ phần đấu giá chuyển 15,5 tỉ đồng vào tài khoản cộng đồng thôn Đông Cốc (do các ông Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Văn Kỳ, Nguyễn Văn Dương làm chủ tài khoản). Ngày 21.2.2017, công ty này trả tiếp 500 triệu vào tài khoản trên. Như vậy, tổng hai lần chuyển tiền chỉ là 16 tỉ đồng.
Do công ty đấu giá chưa chuyển hết tiền nên toàn bộ cộng đồng thôn Đông Cốc đã kiên quyết không cho ông Hùy chặt cây. Nếu muốn chặt, thì phải ứng đủ 8,5 tỉ đồng còn thiếu. Ngày 25.3.2017, ông Hùy đã chi 8,5 tỉ tiền tạm ứng để dân làng đồng ý cho chặt cây sưa.
Sự việc tưởng chừng như không có gì để nói nếu như sau đó theo Điều 5.2 của Hợp đồng số 678/2016/HĐBĐG, Công ty CP Đấu giá Việt Nam chuyển số tiền còn lại cho thôn Đông Cốc. Tuy nhiên, kết thúc 5 ngày sau khi ông Hùy chặt hạ cây sưa, công ty này vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ thực hiện đúng cam kết của hợp đồng đã ký. Thậm chí, sự việc xảy ra đã nhiều tháng, người dân thôn Đông Cốc đã nóng lòng nhiều lần đến đòi tiền bán cây để trả lại cho ông Nguyễn Văn Hùy nhưng thật lạ là Công ty CP Đấu giá Việt Nam vẫn cố tình lẩn tránh và có ý không muốn trả số tiền vốn không thuộc về họ
Đáng chú ý, mới đây vào ngày 2.6.2017, người được ủy quyền hợp pháp của thôn Đông Cốc đã làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Giang - Giám đốc công ty - về khoản tiền nói trên. Tại buổi làm việc bà Giang đã thừa nhận việc bà và ông Nguyễn Tuấn Phương - Chủ tịch HĐQT Cty (ông Phương là chủ tài khoản) còn giữ của cộng đồng dân cư cư thôn Đông Cốc số tiền 8,5 tỉ đồng. Đồng thời theo biên bản có chữ ký của bà Giang thì: “Hiện công ty chưa có tiền để trả cho cộng đồng dân cư thôn Đông Cốc và không biết ngày, tháng, năm nào sẽ trả được tiền”.
Làm rõ hơn vụ việc, ngày 7.6.2017, PV Báo Lao Động đã liên hệ với người dân ở đây, ông Nguyễn Văn Vẹn (đại diện cộng đồng dân cư thôn Đông Cốc) cho biết, Cty CP Đấu giá Việt Nam đang nợ 8,5 tỉ đồng của nhân dân thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn. Mặc dù Cty này đã nhiều lần hứa hẹn để trả tiền cho nhân dân, nhưng đến nay (ngày 7.6.2017) số tiền đó người dân vẫn chưa nhận được. “Tôi yêu cầu Cty cần phải sớm trả tiền cho dân, chứ không thể để kéo dài như vậy được. Nếu để tình trạng này kéo dài thì chúng tôi sẽ có đơn tố cáo lên cơ quan pháp luật nhờ giải quyết” - ông Vẹn nói.
Còn ông Nguyễn Văn Thỏa - Bí thư chi bộ thôn Đông Cốc - bức xúc sau khi địa phương ra đấu giá và bên trúng đấu giá đã nộp tiền trúng đấu giá cho Cty đầy đủ. Theo ông Thỏa, số tiền 8,5 tỉ đồng mà ông Hùy đưa cho nhân dân là để khai thác, chặt cây sưa. Đây là số tiền người dân đang mượn của ông Hùy. Trách nhiệm ở đây là của Cty, Cty phải trả cho dân chứ không thể phủi trách nhiệm được, ông Thỏa nói. “Sau nhiều lần trao đổi với Cty, ông Phương (Chủ tịch HĐQT Cty CP Đấu giá Việt Nam - pv) hứa sẽ trả tiền gốc lẫn tiền lãi. Không những thế, phía Cty còn hứa là đầu tháng 6 nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Ông Phương còn đưa ra lý do là ông Hùy (người trúng đấu giá) trả đủ tiền cho địa phương rồi thì địa phương đòi gì nữa” - ông Thoả cho biết thêm.
Đình Đông Cốc bên bờ con sông Dâu cổ (thuộc thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vốn được xây dựng từ lâu đời.
Căn cứ vào thần tích, sắc phong của đình Đông Cốc thì người được thờ tại đây là Linh Thông Đại vương, có công phù giúp Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân. Nhờ những cổ vật còn giữ gìn được cùng những giá trị lịch sử mà ngôi đình đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử - văn hóa.
Trước đây, trong đình hiện có 2 cây sưa cổ thụ. Trong đó, 1 cây 400 tuổi nằm phía trong sân; cây 200 tuổi nằm ngay sát cổng đình - đã bị chặt và bán với giá 24,5 tỉ đồng. Ngoài ra, đình còn có 1 cây sưa khoảng 50 năm tuổi.
Bình luận (0)