Đảo Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, nằm chếch về phía đông bắc tỉnh, cách đất liền 18 hải lý, chia làm 2 hòn đảo: Đảo lớn gồm xã An Hải và An Vĩnh và đảo Bé là xã An Bình.
Đảo Lý Sơn còn được gọi là Cù lao Ré. Sở dĩ gọi như vậy là vì xưa kia trên đảo có rất nhiều cây ré. Đây là nơi cách đây gần 3.000 năm những cư dân Sa Huỳnh đầu tiên đã sống và để lại cho hậu thế những câu chuyện đầy huyền bí về một vùng đất mang nhiều dấu ấn về lịch sử và cũng là nơi có hàng nghìn ngôi mộ của những người lính đi Hoàng Sa - Trường Sa hy sinh ngoài biển khơi không trở về.
Thống kê của huyện đảo Lý Sơn cho thấy, diện tích của huyện đảo Lý Sơn vào năm 1975 là 1.400 ha. Và theo các bậc cao niên, vào thời điểm ấy, Lý Sơn có không khí trong lành, nhờ được bao phủ bởi những mảng rừng nguyên sinh xanh mượt như rừng Nhợ, rừng Nghệ, rừng Bà Bút...
Nhưng vào những năm 80 của thế kỷ trước, rừng ở đây không được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ nên người dân trên đảo tha hồ ra chặt phá cây về làm củi. Mỗi người “góp tay” thảm sát rừng, để kiếm ít gỗ, ít củi cho gia đình. không mấy chốc những cánh rừng ấy trở nên tan hoang, biến “thiên đường giữa biển khơi” này chỉ còn là hoài niệm với những đồi núi trọc.
Là nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng Lý Sơn là hòn đảo trọc.
Từ khoảng năm 1960, cây hành, cây tỏi được trồng phổ biến và trở thành cây trồng đặc chủng của Lý Sơn. Trời cho đảo loại cát pha vôi. Trải qua hàng triệu năm, những hạt cát vùi trong sóng biển, ngấm chất nước mặn dạt vào bờ. Nông dân xúc cát ấy phủ lên ruộng trước khi trồng hành, tỏi, làm nên hương vị đặc trưng của hành, tỏi Lý Sơn mà không nơi nào có được.
Việc trồng hành, tỏi ngày càng vẫn thịnh đạt, hành tỏi Lý Sơn ngon nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà khắp cả nước. Đây cũng là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân trên đảo, nhưng hệ lụy mà nó mang lại cũng không nhỏ.
Cứ mỗi mùa tỏi, người dân lại khai thác cát ồ ạt, khiến bờ biển bị hổng chân, tạo điều kiện cho thủy triều xâm nhập nhanh hơn. Mặc dù chính quyền địa phương đã cấm nhưng nhiều người dân vẫn lén lút khai thác để rồi mỗi mùa mưa bão nước từ đồi trọc ồ ạt đổ xuống, sức tàn phá mạnh cộng với thủy triều cuồn cuộn đập vào bờ khiến đất đảo lần lượt “đội nón” ra đi.
Cứ thế, trong vòng 36 năm qua, đảo Lý Sơn đã bị thu hẹp 400 ha, đặc biệt trong cơn bão số 9 năm 2009, Lý Sơn mất gần 40 ha. Hiện hòn đảo ấy chỉ còn 997 ha, trong khi đó có tới 22.000 dân đang sinh sống (mật độ dân số đứng thứ hai trong trong tỉnh, chỉ sau TP. Quảng Ngãi).
Ở một phạm vi khác, là nơi đầu sóng ngọn gió mà không có rừng bao phủ, giữ nước nên những năm gần đây nguồn nước ngọt ở đảo Bé bị cạn kiệt, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân. Cứ vào mùa khô, tình trạng thiếu nước lại xảy ra, nhất là ở Đảo Bé.
Hơn 3 tháng nay, xã An Bình nắng nóng kéo dài, các hồ chứa nước mưa của người dân cạn nước, người dân phải mua nước ngọt từ xã An Hải, An Vĩnh (cách đảo Bé 9 hải lý) chuyển qua với giá 130.000 - 150.000 đồng/m³. Năm nào chính quyền địa phương cũng phải xuất nước ngọt dự trữ “cứu khát” cho các hộ dân.
Để giữ đảo, vào năm 2008, Lý Sơn đã được đầu tư xây dựng kè chắn chắn sóng đông nam đảo Lý Sơn có chiều dài 6.000m, tổng số vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào quý III năm 2011, góp phần đáng kể chống sạt lở, xói mòn tuyến ven biển quanh đảo. Tuy nhiên, giải pháp bền vững hơn cả, được người dân trên đảo bấy lâu mong đợi vẫn là “mặc áo giáp” - phủ xanh cho đảo.
Mới đây, dự án Trồng rừng phòng hộ cảnh quan môi trường cho đảo đã được phê duyệt. Dự kiến trong vòng 10 năm tới, 130 ha rừng phòng hộ và cây xanh cảnh quan, trong đó 107,28 ha rừng phòng hộ, 10,72 ha băng xanh cản lửa và 12 ha cây xanh cảnh quan sẽ được phủ trên đất đảo.
Nếu được thực hiện, quá trình xanh hóa sẽ mang lại nhiều tác dụng thiết thực về mặt kinh tế và quốc phòng. Hạn chế tác hại của thiên tai, cải thiện điều kiện khí hậu, duy trì nguồn nước ngầm, tăng khả năng tích giữ nước và “ngọt hóa” các giếng nước lợ; tạo môi trường cảnh quan xanh, đẹp để hấp dẫn, thu hút khách du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và cây xanh cảnh quan môi trường.
Hy vọng rằng, tương lai không xa, hình ảnh hòn đảo trọc sẽ chỉ còn trong kí ức mà thay vào đó là một hòn đảo xanh tươi, xinh đẹp giữa biển khơi.
Bình luận (0)