Năm 2007, ông Bình và bà Tĩnh ở Hưng Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) được cha mẹ bà Tĩnh cho một con trâu cái và đến năm 2009, nó đẻ ra con trâu đực. Theo tập quán truyền thống chăn thả của địa phương, ông bà thả con trâu đực vào rừng và nuôi từ đó đến nay. Vào tháng 4- 2014, ông Bình, bà Tĩnh phát hiện trâu nhà mình đã bị bắt mất và khăng khăng cho rằng chính gia đình ông Chính, bà Chắn cùng thôn đã lấy trộm.
Ông Bình, bà Tĩnh đã có đơn kiện gửi lên TAND huyện Bố Trạch, khẳng định trâu nhà ông Chính, bà Chắn là của gia đình mình với những đặc điểm giống nhau không thể chối cãi về hình thức, như: màu lông, da, sừng, xoáy...
Tuy nhiên, gia đình ông Chính bà Chắn cũng giữ vững lập trường về quyền sở hữu đối với con trâu đực này và đưa ra các chứng cứ xác thực. Biên bản định giá con trâu ở mức 32 triệu đồng.
TAND huyện Bố Trạch căn cứ vào những hồ sơ tài liệu liên quan đến vụ án đã bác đơn yêu cầu quyền sở hữu của gia đình ông Bình, bà Tĩnh. Không chấp nhận kết quả trên, ông bà quyết định tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên TAND tỉnh.
Lần này, phía nguyên đơn đưa ra một bằng chứng mới, đó là theo một vụ án trộm trâu khác do TAND huyện Bố Trạch xét xử năm 2013 với bị đơn là bà Chắn, bà này từng khai với cơ quan điều tra rằng, gia đình mình không hề có trâu đực, chỉ toàn trâu cái.
Vậy, con trâu đực hiện nay tại nhà ông Chính, bà Chắn là của ai? Tuy nhiên, chứng cứ tại tòa phúc thẩm cho thấy, theo biên bản lời khai của vụ án năm 2013, bà Chắn chỉ khai chung chung là gia đình có nhiều trâu, bò, không khai cụ thể là trâu đực hay trâu cái. Mặt khác, theo xem xét định giá, con trâu này có nhiều đặc điểm giống với trình bày của gia đình ông Chính, bà Chắn. Tòa quyết định không chấp nhận kháng cáo của gia đình ông Bình, bà Tĩnh và y án sơ thẩm.
Từ xưa đến nay, đối với người nông dân, trâu luôn được ví là đầu cơ nghiệp, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của bà con. Hơn thế nữa, mối quan hệ giữa người với trâu không đơn thuần là chủ-tớ mà còn là sự gắn bó, thân thiết từ thuở cơ hàn. Mất trâu, ai không đau không xót, nhưng cái cốt lõi ở đây là cần có sự bình tĩnh để xem xét, đánh giá vấn đề, tránh sự nông nổi, vội vàng trong phút nóng giận để rồi trâu mất, tình làng nghĩa xóm cũng mất đi, mà quan trọng hơn hết thảy chính là lòng tin giữa người với người và sự thanh bình, yên ả của xóm làng cũng vì thế mà phôi pha ít nhiều. Phải chăng đó cũng là cái “tội” không nhỏ của con trâu?
Bình luận (0)