Thôn Làng Han, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ. (Ảnh minh họa Internet)
Một cán bộ làm công tác giảm nghèo của huyện thở dài: “Chúng tôi thật mệt với công tác xoá nghèo, bởi nhiều người coi chuyện mình là hộ nghèo giống như tiêu chuẩn để được hưởng các ưu đãi của Nhà nước. Họ thích nghèo thì mình làm sao mà xoá được”.
Anh này kể thêm: Có những anh thu hoạch rừng trồng được cả trăm triệu đồng, nhưng vẫn sống trong ngôi nhà dột nát. Cán bộ hỏi bao giờ xây nhà mới, anh ta trả lời: “Chúng tôi có được Nhà nước hỗ trợ cái gì đâu mà xây”. Thế đấy, họ quan niệm, phải được Nhà nước hỗ trợ mới làm nhà”.
Một lãnh đạo huyện Ba Chẽ cho biết: “Anh em cán bộ chúng tôi cũng đã có nhiều buổi bàn bạc và đi thực tế các thôn, bản để tìm hiểu lý do nghèo của bà con. Bà con thiếu giống thì hỗ trợ giống; thiếu vốn, kỹ thuật thì hỗ trợ vốn, kỹ thuật. Nhưng nếu nghèo do thiếu ý thức vươn lên thì thật mệt”.
Ví như bà con thôn Khe Vang (Đồn Đạc) có 100% hộ nghèo, lý do nghèo trước đây được đưa ra là đường sá xấu không phát triển được các mô hình kinh tế, nhưng nay hệ thống đường đã được cứng hoá, vậy mà vẫn chẳng hộ nào muốn đăng ký thoát nghèo. Cũng nói về chuyện đường, thì tuyến đường 329 (Mông Dương - Ba Chẽ) đi qua Đồng Mỏ là khu dân cư nghèo nhất TP Cẩm Phả và các thôn Nam Kim, Nước Đừng của xã Đồn Đạc (Ba Chẽ). Vậy mà khi con đường này được hoàn thành thì số hộ nghèo của Đồng Mỏ chỉ còn 4,5% do người dân biết nỗ lực làm ăn phát triển kinh tế. Thế nhưng, Nam Kim vẫn bình chân với 70%, Nước Đừng thì còn tới 90% hộ nghèo.
Một lãnh đạo xã Đồn Đạc cho biết: “Chúng tôi cũng đã đưa các mô hình trồng cây ăn quả và mô hình nuôi gà đồi vào 2 thôn này giúp bà con xoá nghèo nhưng không thực hiện được. Vì người dân không quen với việc chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hoá và tiếp thị bán hàng, mà chỉ quen với lối sản xuất cầm chừng, làm đến đâu ăn hết đến đấy. Làm nhiều thì sợ không biết bán hàng kiểu gì”.
Việc tuyên truyền xoá nghèo ở Nước Đừng thì không chỉ cán bộ xã, thôn mà ngay cả các giáo viên dạy học ở điểm trường Nước Đừng (Trường PTCS Đồn Đạc) cũng phải vào cuộc. Một cô giáo cho hay: “Thật mệt, khi tuyên truyền để bà con phun thuốc trừ sâu cho lúa, họ kiếm đủ lý do, nào là: “Không có thuốc thì phun sao được”, hay “tôi không biết phun”, hoặc “tôi không có tiền mua thuốc sâu”. Mất mùa, cũng đồng nghĩa với việc học sinh phải nghỉ học ở nhà chăn trâu để bố mẹ đi rừng đào củ ba kích bán lấy tiền, rồi cô giáo lại phải đến từng nhà vận động học sinh đến trường còn mệt hơn”.
Vậy nên, công tác xoá nghèo nếu chỉ có nỗ lực ở phía các đơn vị chức năng thì chưa đủ. Bản thân người được xoá nghèo nếu cứ thích nghèo để được hưởng các ưu đãi của Nhà nước thì cứ xoá mờ chỗ nọ sẽ lại đậm ở chỗ kia, bao giờ mới hết được.
Bình luận (0)