Sau gần hai tiếng vật lộn với mặt đường trơn nhẫy, lầy lội, chúng tôi mới vào đến trung tâm xã Đak Sông, huyện Kông Chro (Gia Lai).
Khác hẳn với khí trời mát mẻ của mùa mưa, ở đây cái nắng ương ương cùng những cơn gió thông thốc táp vào da mặt. Cách nhà rông làng Kte không xa, một thanh niên ngồi chống gậy giữa khoảng nắng lọt xuống từ hai vách nhà sàn, run cầm cập.
Thấy tôi nhìn với vẻ tò mò, đám thanh niên gần đó cười rộ. Một người trong số đó giải thích: “Nó bị mù đấy. Nó vừa tắm xong lạnh quá nên ngồi phơi nắng cho ấm”- “Bị mù bẩm sinh à?”- ”Không, năm ngoái nó uống rượu nhiều quá nên bị mù...”.
Chừa… uống rượu?
Người thanh niên bị mù tên là Đinh Mich ở làng Kte. Đó là kết quả tai hại sau trận rượu chí tử của sáu anh em họ của Mich hồi tháng 8-2010, bởi tất cả phải đi cấp cứu vì ngộ độc rượu.
Trong số đó, một người tử vong. Mich lâm vào tình trạng nguy kịch nhưng các bác sĩ đã cứu được. Tuy vậy, đôi mắt của Mich vĩnh viễn không nhìn thấy nữa. Sau tai họa đó, Mich chỉ quanh quẩn ở nhà, người gầy xọp, dật dờ.
Nghèo khó, hiểm họa vẫn là nỗi lo dưới mỗi nếp nhà sàn này ở làng Kte- xã Đak Sông. Ảnh: Hoàng Ngọc
Trường hợp của Mich không phải là duy nhất ở làng Kte này. Đinh Hơng cũng bị mù như Mich. Ngồi bên hông cửa nhà sàn lắng nghe câu chuyện của chúng tôi, Hơng lên tiếng: “Mình mù sau thằng Mich không lâu. Lần đó không nhớ uống rượu nhân dịp gì nhưng làng mình có tới 4 người chết, còn mình thì không nhìn thấy gì nữa”.
Đôi mắt nâu thẫm, trong veo rất đẹp của Hơng bất động khi nhắc lại chuyện cũ. Già làng Blin thở dài khi có người khơi lại chuyện buồn của làng: “Từ ngày dân mấy làng quanh đây không uống rượu cần mà chuyển qua uống rượu nấu, có nhiều người bị mù, bị chết. Trước đây uống rượu do đám phụ nữ tự làm thì đâu có xảy ra chuyện gì, say hôm nay, mai vẫn đi rẫy được”.
Già Blin cho biết, từ ngày xảy ra những cái chết thương tâm, dân làng ít uống rượu hẳn. Nhất là khi nghe tin ở những xã lân cận cũng có những trường hợp tương tự do uống “rượu có chất độc” (thực ra là rượu có chất methanol cao gấp nhiều lần cho phép-P.V) được lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng thì người ta mới bắt đầu sợ rượu. Còn Hơng, Mich thì chừa rượu hẳn.
Tuy vậy, có những thanh niên trong lúc ham vui mà quên đi hiểm họa khôn lường, vẫn mua rượu về uống đến mềm môi trong những cuộc vui. Già Blin thở dài: “Đám trẻ mà cứ uống rượu kiểu này thì hư hết, lấy ai đi làm”.
Trẻ ở nhà, già lên rẫy
Từ ngày bị mù, Hơng chẳng dám đi đâu, đôi chân nhiều khi phát cuồng. Người như bị côn trùng đốt, lúc nào cũng ngứa ngáy. “Cái xe mình để rỉ cả ra vì ngoài mình ra cả nhà không ai biết đi cả”- Hơng nói và hướng mặt vào góc nhà, nơi đó, chiếc Dream Tàu được trưng dụng để vắt áo quần và một vài thứ lặt vặt.
Hơng cho biết: Nhà làm gần 1 ha lúa, trồng thêm ít bắp nếp nữa nhưng vẫn không đủ ăn, có khi chỉ đủ tiền cày, tiền sạc bắp, tiền giống, tiền phân bón. Nhắc đến chuyện nương rẫy, Hơng buồn bã: “Giá mình đừng uống rượu thì giờ này mình có thể đi rẫy”.
Còn Mich sau lần thập tử nhất sinh vì rượu, sức khỏe sa sút hẳn. “Mình không thể làm được gì giúp gia đình nữa. Cha mẹ già yếu rồi nhưng hàng ngày vẫn phải đi làm rẫy…”- Mich nói.
Phó Bí thư Đoàn xã Đak Sông- Đinh Hlong gãi đầu gãi tai khi được hỏi về chuyện uống rượu của thanh niên trong xã: “Nhiều khi, thanh niên vẫn tụ tập uống rượu. Ở đây, nếu không làm thế thì thanh niên không có chỗ nào khác vui chơi…”. Anh cho biết thêm, phong trào Đoàn ở đây chỉ hoạt động cầm chừng. Hoàn cảnh của đa số thanh niên còn nghèo nên việc họ lo cho cái ăn quan trọng hơn mọi chuyện khác.
Lực lượng lao động chính trong gia đình chính là thanh niên. Nhưng có những người lại sớm trở thành gánh nặng cho gia đình như Mich, như Hơng. Sự nghèo khó của gia đình họ sẽ còn kéo dài đến đâu khi lao động chính lại mất khả năng lao động.
Nếu không làm rốt ráo công tác tuyên truyền, giáo dục thì một lớp người trẻ của vùng đất này (và nhiều nơi khác) sẽ ra sao trước sự hủy hoại khôn lường của loại rượu giả, kém chất lượng vẫn bán nhan nhản khắp các buôn làng?
Bình luận (0)