Người dân xã Đa Lộc (Hậu Lộc) bắt cá còi
Nghề đào bắt cá còi ở vùng biển xứ Thanh nhiều nhất chỉ ở vùng biển Hậu Lộc, vì diện tích vùng triều rộng, màu mỡ nên cá còi tập trung sinh sống nhiều.
Cá còi dài khoảng 15 cm, lớn bằng ngón tay và có hình dáng giống cá bống, tươi lâu, chế biến được nhiều món ăn ngon như: kho khô, lẩu, rán, nướng, nấu cháo...
Bắt cá còi là một trong những nghề phụ phổ biến của người dân xã Đa Lộc. Hàng ngày cứ khoảng 8 giờ sáng, khi thủy triều bắt đầu xuống có hàng trăm người ở các thôn Ninh Phú, Vạn Thắng, Đông Hải... kéo nhau ra biển lần dò trên những bãi triều dùng tay đào, bắt cá còi.
Chị Cần ở thôn Vạn Thắng, cho biết: “Việc bắt cá còi cần sự dẻo dai, chịu đựng. Mỗi buổi từ 8 giờ sáng cho đến 2 giờ chiều trung bình bắt được 1,5 kg.
Các điểm thu mua cá ở trên bờ, mỗi khi có người vào là ào ào chạy ra tranh nhau mua. Chị Thanh, cho biết: “Ở đây nếu không quen thì không thu mua được cân cá nào, mọi người vào đến đâu là phải đón ngay, thậm chí phải lội xuống dặn họ bán cho mình. Bây giờ có bao nhiêu tôi cũng mua hết, không kể số lượng.
Mỗi cân cá còi có giá từ 100 đến 120 nghìn đồng, sau đó chúng tôi nhập cho các mối lái ở Hà Nam vào thu mua với số lượng lớn”.
Mùa cá còi kéo dài từ tháng giêng đến cuối tháng 5 âm lịch. Nghề bắt cá còi có từ lâu, nhưng rầm rộ nhất là mấy năm trở lại đây do cá ngày một hiếm, giá cao. Nếu chịu khó, một buổi bắt cá còi có thể kiếm từ 150 đến 200 ngàn đồng.
Chị Hoa ở thôn Đông Tân vui vẻ nói: “Cá còi năm nay được giá nên thu nhập cũng ổn định. Một năm chỉ có 5 tháng có cá còi nên phải tranh thủ kiếm tiền phòng những tháng thất nghiệp.
Tuy vậy trong thời gian qua bãi triều dành cho dân đánh bắt tự do đã bị một số người đã tự động cắm cọc, làm khu vực riêng nuôi trồng hải sản khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép”...
Ông Bùi Thế Sinh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết. Trong thời gian vừa qua vùng triều dành cho dân đánh bắt tự do bị chiếm dụng nên người đi bắt cũng khó khăn. Chúng tôi vừa phối hợp với bộ đội biên phòng giải tỏa hành lang khu vực bãi ngang tính từ chân kè biển ra 500 m, cho lực lượng an ninh xuống nhổ cọc, để người dân được đánh bắt tự do và thuyền bè của ngư dân ra vào thuận lợi.
Bình luận (0)