Mùa này, leo núi Dài Nhỏ, núi Két sẽ thấy những vườn bồ quân trổ trái lủng lẳng dưới tán rừng. Những quả bồ quân thoạt trông như quả sung, khi chín thì ửng đỏ và tròn đều. Điều khá lạ là với loại trái này, khi chín, muốn ngon, người ăn thường vò nó trong lòng bàn tay cho giập giập. Lúc đó, vỏ bồ quân càng căng mọng và phần thịt quả bên trong như chực vỡ ra, trông rất hấp dẫn. Nhà vườn Bảy Núi ví von, quanh năm cây bồ quân hút tinh chất của đất trời nên đã cho vị ngọt lạ thường! Cũng chính loại trái cây này đã đem lại thu nhập khá cho nhà vườn Bảy Núi. Do đó, những năm qua, cây bồ quân được bà con trồng rất nhiều.
Cây bồ quân.
Ghé thăm lán trại ông Huỳnh Phương Vinh (ấp Núi Két, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên), một trong những chủ nhân ăn nên làm ra từ vườn bồ quân xen canh nhiều loại cây ăn trái khác. Với diện tích hơn 1 héc-ta dưới chân núi Két, ông Vinh trồng xen canh khoảng 30 cây bồ quân dưới tán rừng. Hiện tại, mỗi gốc cây bồ quân của ông Vinh có bề hoành khoảng 4 tấc, tầng tán rậm rạp. Bình quân một cây cho thu hoạch khoảng 50kg trái/vụ.
Ông Vinh kể, hồi trước, khu vườn này do người chú của ông khai hoang và lập nên. Lúc ấy, trong vườn chỉ trồng vài cây bồ quân để ăn chơi, còn lại trồng xoài, điều, nhãn… Về sau, ông Vinh tiếp nhận khu vườn này. Thấy nhu cầu thị trường tiêu thụ trái bồ quân mạnh, ông Vinh đã chặt bỏ nhiều loại cây có giá trị kinh tế thấp thay vào đó là trồng xoài cát Hòa Lộc, xoài ghép bưởi và cây bồ quân. Dưới tán rừng, ông trồng màu gồm: Ớt, cà, bầu, bí…
Từ cách chuyển đổi phù hợp, khu vườn đã cho thu nhập khá. Riêng những cây bồ quân, mỗi vụ ông Vinh thu hoạch hơn 4 tấn trái, bán với giá 8.000 đồng/kg, kiếm cũng được trên 30 triệu đồng.
“Cây bồ quân trồng chơi mà ăn thiệt! Loại cây này rất dễ trồng, chủ yếu chiết nhánh nên rất “mau ăn”. Khi trồng xuống đất, sau 3 năm là cho trái. Lấy cây bồ quân so sánh với cây xoài thì cây bồ quân hiệu quả hơn. Bởi trong quá trình trồng, cây bồ quân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mà chỉ bón lót phân chuồng sau thu hoạch để kích thích cây sinh trưởng mạnh. Đặc biệt, cây bồ quân rất thích nghi với khí hậu vùng núi và chịu rập. Nhờ đặc tính này mà nhà vườn có thể trồng xen canh với các loại cây khác. Cây bồ quân cho trái 2 đợt, vào đầu và cuối mùa mưa…”, ông Vinh tâm đắc về cây bồ quân.
Trái bồ quân.
Vào lúc thu hoạch cao điểm, ông Phục và ông Điền bẻ mỗi ngày khoảng 700kg bồ quân. Như vậy, với giá 8.000 đồng thì mỗi ngày 2 ông này bỏ túi hơn 5 triệu đồng. Ông Phục trồng gần 60 cây bồ quân gần mỏ núi Két cho biết, trước đây, bồ quân cho chẳng ai thèm, bây giờ lại cho giá trị kinh tế cao. Trồng bồ quân không cần công chăm sóc cũng như vốn liếng, cứ đến vụ là thu hoạch. Nhờ trồng bồ quân mà mỗi vụ tôi bỏ túi vài chục triệu đồng. Mấy năm nay, trái bồ quân được thị trường nước bạn Campuchia ăn mạnh nên lượng bồ quân Bảy Núi không đủ để cung cấp.
“Nói thiệt, nếu nói về lợi nhuận giữa cây bồ quân với các loại cây đặc hữu vùng Bảy Núi thì chỉ cây bồ quân là cho thu nhập bền vững mà không lo tốn chi phí giai đoạn đầu…”, ông Phúc nói.
Hiện tại, bồ quân Bảy Núi được tiêu thụ mạnh ở nhiều nơi, nhất là các chợ đầu mối như: TP. Hồ Chí Minh, Tân Châu, Campuchia. Chị Nhạn, chủ vựa thu mua trái bồ quân cho hay, trái bồ quân khi mua về lựa và phân thành 3 loại: Loại 1 bán chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh, loại 2 bán chợ Tân Châu, loại 3 xuất sang thị trường Campuchia. Ngoài ra, còn cung cấp cho các chợ sạp dọc theo Tỉnh lộ 948 để bán cho khách du lịch.
Bình luận (0)