Hẳn nhiều người vẫn luôn nghĩ lên Sa Pa phải vào mùa hè mới thú, nhưng có lẽ, khái niệm ấy giờ đây đã thay đổi.
Chị Trương Thu Hương, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu hàng không Việt Nam đã cùng chồng và mấy người bạn bay từ Sài Gòn ra chỉ để cảm nhận chút giá lạnh của mùa đông phương Bắc ở Sa Pa trong hai ngày nghỉ cuối tuần.
Chị Hương tâm sự: Chỉ mất hơn 6 giờ đồng hồ từ Hà Nội lên Sa Pa là chúng tôi đã được hít hà không khí trong lành của xứ sở mù sương. Trước đây tôi nghĩ, chỉ đi du lịch châu Âu mới được tận hưởng cảm giác tuyệt vời này, mà không biết ngay ở nước mình cũng có những không gian du lịch thần tiên như vậy.
Lần đầu đến Sa Pa, dù không đúng dịp có tuyết rơi như vẫn nhìn thấy trên truyền hình, nhưng được cùng chồng dạo bộ quanh phố cổ Cầu Mây, được ngắm sương mù trong cái lạnh tê tái dưới chân nhà thờ, khiến chị Hương có rất nhiều cảm xúc. Chị thấy chuyến du lịch tận hưởng mùa đông Sa Pa thật nhiều ý nghĩa.
Mùa đông ở Sa Pa.
Không chỉ có chị Hương, mà rất nhiều du khách trong và ngoài nước gần đây rất thích khám phá nét quyến rũ riêng của mùa đông Sa Pa. Trò chuyện với anh Phan Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai, chúng tôi được biết, hai năm trở lại đây, nhất là khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động, mỗi dịp cuối tuần có rất nhiều đoàn khách Việt đến Sa Pa tham quan và nghỉ dưỡng.
“Đón đầu” được việc tăng lượng khách lên Sa Pa, từ đầu tháng 11/2014, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh đã tổ chức Chợ đêm Sa Pa, trong đó tái hiện chợ tình Sa Pa, nhằm tạo thêm điểm vui chơi, mua sắm phục vụ du khách. Đây chính là điểm nhấn thu hút du khách trong nước và quốc tế chọn Sa Pa làm điểm đến trong hành trình du lịch mùa đông năm nay.
Nhiều năm trước, khách Việt đến Sa Pa vào mùa đông giảm mạnh, chủ yếu là khách nước ngoài, nhưng năm nay thì khác hẳn. Dễ thấy nhất là số lượng phòng khách sạn tại Sa Pa luôn trong tình trạng “cháy”. Dịp Tết dương lịch 2015 cũng vậy. Từ trước lễ Noel, mấy người bạn nhờ đặt phòng nghỉ ở Sa Pa, nhưng liên hệ mãi tôi đều nhận được câu trả lời hết phòng, nhất là những khách sạn 2 - 3 sao.
Đứng bên bờ hồ Sa Pa để cảm nhận cái thú vị của mùa đông và nhìn dòng người qua lại, điều dễ thu vào tầm mắt nhất là hình ảnh những du khách và người dân bản địa thả bộ trong sương mù. Cũng trong làn sương mù rét buốt ấy, những phụ nữ dân tộc Mông, Dao ở Sa Pa địu con trên lưng, vừa đi vừa xe lanh, thêu thổ cẩm; những đứa trẻ theo mẹ xuống phố đi trong gam màu xám bạc; những phụ nữ gùi cỏ non trở về nhà để chăm sóc trâu trong mùa đông giá rét… tất cả tạo nên vẻ đẹp rất riêng của vùng đất Sa Pa.
Cậu bạn đi cùng tôi ví khung cảnh bên bờ hồ Sa Pa như bức ảnh tự nhiên mà người nghệ sỹ chỉ cần giơ máy ảnh lên là có tác phẩm Sa Pa mù sương tuyệt đẹp. Chúng tôi cứ đứng đó hồi lâu, chụp không biết bao nhiêu bức ảnh mà vẫn cứ muốn chụp mãi. Rồi khi đứng trước Nhà thờ đá, hình ảnh Sa Pa hiện ra thật quyến rũ với nhưng hàng cây sa mu vươn lên ngạo nghễ dưới làn sương mù.
Người dân nơi đây vẫn nói vui với nhau, sa mu giống như dáng đứng của Sa Pa, thể hiện sức vươn mạnh mẽ, nghị lực vượt qua khó khăn của bà con, tạo nên một Sa Pa đầy mộng mơ và huyền thoại.
Với những “tay săn ảnh” chuyên nghiệp, ngoài mây núi, phong cảnh, con người Sa Pa thì không thể thiếu những bức ảnh sương mù. Và chính những bức ảnh ghi lại cuộc sống của người dân Sa Pa dưới sương mù mới thể hiện đậm chất Sa Pa…
Rời thị trấn mù sương xinh đẹp, tản bộ xuống Tả Phìn, chúng tôi gặp nhiều đoàn khách du lịch tỏ ra rất thích thú với cảm giác được thả mình trong sương mù. Đối với những người yêu thiên nhiên, phong cảnh, thì mùa đông là thời gian tuyệt vời nhất để lưu giữ nét Sa Pa riêng có. Chính vì thế, nhiều “tay săn ảnh” sương mù Sa Pa ở thành phố Lào Cai cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước đều lên Sa Pa trong những ngày này.
Mới đến đầu bản Tả Phìn, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những phụ nữ dân tộc Dao đỏ đang ngồi sưởi bên bếp than hồng, thêu những vuông thổ cẩm nhỏ rất đỗi bình dị, tạo nên khung cảnh ấm áp, khiến không ít du khách tha hồ bấm máy với những góc chụp riêng…
Thú nhất là lên Sa Pa mùa này, ngoài vãn cảnh đẹp, săn ảnh, thì thưởng thức những hương vị đặc sắc của ẩm thực Sa Pa còn là điều khiến du khách “khó cưỡng”. Đó là khi ngồi dưới chân nhà thờ đá nhâm nhi những bắp ngô nếp nương của đồng bào nướng thơm lừng, dẻo ngọt; hay ngồi trong quán nhỏ nhâm nhi tách cà phê nóng, ngắm nhìn con phố và cuộc sống thường nhật của người dân cũng khiến nhiều người có cảm giác rất yên bình.
Và có lẽ, điều mọi du khách rất muốn khám phá trong thế giới ẩm thực phong phú của người Sa Pa là món lẩu cá Hồi, cá Tầm, thịt hun khói xào cải nương, ngọn su su xào, nấm hương tươi xào… để tìm chút ấm trong cái lạnh tê tái.
Anh Đỗ Trọng Nguyên, Giám đốc Công ty Du lịch Khám phá Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa cho biết: Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lượng khách đăng ký tour tại công ty đông hơn, nhất là du khách Việt tăng hơn mọi năm. Đây là tín hiệu vui cho du lịch Sa Pa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung, nhưng cũng đặt ra cho những người làm du lịch áp lực về chất lượng dịch vụ.
Hiện tại, theo nhận định của Công ty, phần lớn du khách lên Sa Pa vì muốn đi trên tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, do đó, thời gian lưu lại Sa Pa chưa nhiều, bởi ngoài tham quan bản làng, vãn cảnh thì các dịch vụ mua sắm và khu vui chơi ở Sa Pa còn thiếu và yếu...
Sa Pa luôn được coi là điểm nhấn, “hạt nhân” quan trọng trong bản đồ du lịch Lào Cai. Hiện tại, huyện Sa Pa đã và đang đặt ra nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài trong phát triển và quản lý du lịch. Trong đó, chú trọng việc tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo mang bản sắc riêng có của Sa Pa, với chất lượng dịch vụ tốt, mang tính chuyên nghiệp. Rất nhiều công ty kinh doanh dịch vụ, lữ hành du lịch đều có chung hy vọng, với những cơ chế, chính sách của Nhà nước trong đầu tư phát triển du lịch, cùng sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh, Sa Pa sẽ có nhiều dịch vụ thu hút du khách lưu lại lâu hơn...
Bình luận (0)