xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mùa mưa, dân phố đổ đi săn đặc sản vườn

Theo LÊ SƠN (Báo Vĩnh Long)

Không đợi phải về sông ăn cá hay về đồng ăn cua, ở giữa phố thị, nhiều người cũng học cách thôn quê để săn đặc sản vườn.

Mưa đầu mùa. Ễnh ương rên rỉ nghe não nuột. Dàn nhạc “giao hưởng đồng quê” cứ lê thê theo cơn mưa chiều rả rích đến sẫm tối mà cũng không biết chừng nào mới ngớt hột.

Lọt thỏm giữa phố thị này bỗng thấy nhớ nhà, nhớ quê, nhớ luôn những món đặc sản miệt vườn mà lâu rồi không có dịp thưởng thức…

Mùa mưa, dân phố đổ đi săn đặc sản vườn - Ảnh 1.

Bắt cá vườn ở phố.

          

Kề sông Cái Cam, khu phố nhỏ ở Khóm 2 (Phường 9- TP Vĩnh Long) thuộc dạng nằm ngoài đê bao nên mùa lũ lên, mưa xuống là tràn nước.

Có người gọi đây là “Xóm Bún mới” vì có hơn chục nóc nhà của dân Xóm Bún chính hiệu, trước ở Phường 2, sau khi nhà giải tỏa làm bờ kè thì đã chọn nơi đây làm chỗ tái định cư phân tán.

Xóm này còn nhiều khoảnh đất trống được phân lô bán nhưng chưa có người mua nên vẫn còn hoang sơ với cỏ dại và sậy cao khỏi đầu người…

Sẫm tối, khi cơn mưa còn chưa tạnh hẳn, anh Trương Nhựt Quới qua nhà mượn cái đèn pin để “làm công chuyện”. Tôi buột miệng hỏi: “Anh soi cóc hả?”

Anh Quới lắc đầu, trách móc: “Xong phim! Coi như bữa nay không bắt được con nào, đi soi cóc mà ông nói tên nó ra thì nó trốn mất tăm. Ông bà mình thường nói vậy”.

Đúng là lỡ mồm lỡ miệng, thường ngày lúc chạy xe nhiều khi thấy con cóc muốn tránh cũng không được, thì nay đi soi cả buổi cũng không thấy bóng dáng con nào.

Anh Nguyễn Hữu Đức nhớ lại, trước đây cũng vào mùa mưa. Một buổi tối khi đèn đường đã mở. Mưa xuống.

Mối cánh bu quanh bóng đèn rồi bị mưa ướt cánh nên rớt xuống đường và làm mồi cho cóc. Nhờ vậy mà với cái đèn pin, anh đi dọc theo tuyến đường đan chỉ hơn chục cột đèn đã bắt được hơn 20 con cóc tổ chảng.

          

Theo anh Đức, một số người kỹ tính thường không ăn thịt cóc vì sợ ngộ độc trứng cóc còn sót lại, nên khi làm thịt cóc thì phải làm thật kỹ, bỏ hết bộ đồ lòng, rửa sạch dưới vòi nước chảy để đảm bảo an toàn. Thịt cóc được bằm nhuyễn xào với tỏi cho thơm rồi bỏ vào nồi cháo, nếu có thêm đậu xanh thì ngọt ngất, khó có thịt nào sánh nổi.

Chú Tư Phước là người có tuổi, được thưởng thức chén cháo đầu tiên. Chú nói giọng hề hà, nồi cháo quá ngon.

Chỉ cần 5-7 con cóc thôi thì đã ngọt rồi, đằng này nồi cháo có hơn 20 con cóc, ăn vô nó mát tối ngủ… khỏi đội nón! Mà chú nói thiệt, mỗi lần soi cóc nấu cháo chủ yếu là ăn chứ ít khi uống nhiều rượu. Vì ai cũng chừa bụng ăn cháo.

Nhưng đó là chuyện của mùa mưa lần trước. Còn hiện tại, không soi được con cóc nào, anh Quới quyết định thay nồi cháo cóc bằng nồi cháo… ễnh ương. Đầu mùa mưa, ễnh ương con nào con nấy mập ú.

Mà nó mập cũng chỉ nhờ cái bụng ễnh ương của nó, chứ con nào lớn lắm cũng chỉ bằng ngón chân cái, nhưng tiếng kêu của nó thì không thua tiếng một… con bò!

Khoảng nửa tiếng đồng hồ, gần 30 chục con ễnh ương mập ú nằm gọn trong xô. Anh Huỳnh Thành Thiện cho mớ cơm nguội vào nồi nấu cháo.

Ễnh ương trụng nước sôi, lột da, làm sạch, bằm nhuyễn, xào với tỏi cho thơm rồi cho vô nồi cháo. Chú Tư Phước cho hay, cháo ễnh ương thì một đời “ngậm đắng nuốt cay” của chú cũng chỉ thưởng thức có đôi lần và “nói thiệt nó ngon không thua gì cháo cóc”.

Mưa đầu mùa, cá rô theo nước lóc lên cả mặt đường. Bác Hai Dân chỉ đứng trên bờ cũng lượm được cả ký cá rô. Chuyện đứng trên bờ cũng bắt được cá nghe đã lạ.

Chú Sáu An thì kể câu chuyện hy hữu. Số là khi nước lũ tràn. Một đêm chú nằm võng trước thềm thì nghe tiếng nước động, nhìn ra thì một con cá trê tổ chảng phóng lên định đi theo con nước.

Chú lấy cái rổ úp lại bắt gọn. Vậy mà cũng chưa hết, lát sau, một con nữa lại phóng lên bờ. Vậy là chỉ cần ngồi trên bờ mà chú cũng bắt được cặp cá trê to tướng.


Sau mỗi mùa lũ, cá theo nước vào rồi cũng theo con nước đi ra, số còn lại thì chém vè ở những cái mương vườn đầy cỏ dại trong khu nhà.

Năm nào cũng vậy, đợi nước rút bớt thì dân trong khu phố lại dọn cỏ 3 cái mương này để bắt cá. Nếu không để ý thì cũng không nghĩ đó là cái mương sâu vì cỏ ken đầy, lục bình và rau mát um tùm. Phải mất một buổi mới dọn hết cỏ.

Thành quả sau một ngày tát “mương phố” bắt cá là hơn chục ký cá đủ loại gồm lóc, rô, sặt, trê. Cá được chia mớ cho từng hộ trong khu nhà. Số còn lại thì được cho vào nồi canh chua cơm mẻ với rau muống đỏ giòn rụm cũng hái dưới “mương phố”.

Con cá lóc cửng bằng ngón chân cái nhưng thịt chắc và ngọt lịm. Bỏ vô miệng rồi mới thấy mấy con cá lóc ngoài chợ ở lại một khúc!

Ngoài trời, cơn mưa chiều vẫn lâm râm. Nồi canh chua cá lóc vườn cạn dần, nhưng tình làng nghĩa phố ở “Xóm Bún mới” thì chan chứa và nồng ấm tự khi nào…


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo