Nấm keo hái về được phơi khô để dành ăn dần, hoặc đem bán.
Vào rừng hái nấm
Mờ sáng, tôi theo chân một nhóm người đi hái nấm keo ở thôn Trung Hội, xã Mỹ Trinh, ngược tỉnh lộ 631 lên rừng đèo Bằng Lăng. Chị Nguyễn Thị Tâm đưa tôi đến trảng keo non giữa đồi, hái ngay một tai nấm, bảo: “Xem cho biết nấm keo. Rừng này mới trồng lại vài năm, nhiều nấm hơn rừng già”. Tôi cầm tai nấm quan sát, cây nấm cao chừng 8-9cm, toàn thân nấm màu nâu bóng loáng, mặt dưới tai nấm có màu hồng nhạt. Tôi đảo mắt một lượt, thấy lố nhố nấm mới mọc dày quanh gốc keo.
Dừng tay gom nấm, tôi phát hiện xung quanh còn có rất nhiều người, có cả các em nhỏ. Lê Đức Nghĩa, 11 tuổi, ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh, cho biết: “Hai năm nay, năm nào cháu cũng theo mọi người đi hái nấm. Bạn cháu cũng có nhiều đứa đi hái nấm bán, tụi nó hái giỏi, được nhiều nấm”. Bà Ba Lan, 62 tuổi, ở thôn Trung Hội, xã Mỹ Trinh, đang hái nấm cạnh Nghĩa, nói thêm: “Năm nay nấm keo mọc ba đợt, đợt cuối này nhiều nấm nhất. Có người từ đầu mùa đến nay đã hái, phơi được vài, ba mươi cân nấm khô rồi!”.
Ở nhiều rừng keo trên địa bàn huyện Phù Mỹ mùa nấm keo cũng nhộn nhịp không kém. Anh Trần Xuân Bình, ở thôn Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ, hái nấm tại rừng hồ Diêm Tiêu, nói: “Nấm ở đây mọc dày, tai to. Người hái nấm ngày càng nhiều nên phải đi xa, vào sâu”. Đến trưa, đứng trên triền đồi nhìn xuống con đường ĐT 631 vẫn còn thấy nhiều người tay xách nách mang vào rừng, xe gắn máy, xe đạp dựng bãi. Chị Lê Thị Phượng đi cùng nhóm cho biết: “Người vào rừng hái nấm để ăn nhiều lắm, đếm không hết. Riêng người hái nấm bán chỉ tính thôn tôi ở đã có đến 25 nhà”.
Mang nấm xuống núi, tôi gặp nhiều người vừa chăn bò, làm rẫy vừa tranh thủ hái nấm. Anh Nguyễn Văn Nghiêm, ở thôn Lạc Sơn, xã Mỹ Trinh, bỏ dở việc phát chồi, xen rừng hái nấm, nói: “Nấm keo chỉ mọc trong một thời gian nhất định, nên ai cũng tranh thủ hái, phơi để dành ăn. Có người từ thị trấn Phù Mỹ lên tận rừng Hoài Ân hái nấm mang về phơi, bán. Những ngày này, rừng không ngớt người tới lui”.
Nấm keo ở rừng Phù Mỹ.
Làng vui
Mùa nấm keo, nhiều làng ven rừng ở huyện Phù Mỹ rộn ràng hẳn. Ban đêm, cánh đàn ông quây quần bên ấm trà bàn chuyện hái nấm. Sáng sớm, tiếng người gọi nhau lên rừng í ới. Người đi, người về vội vã, khẩn trương. Sân phơi các nhà ven đường trải đầy nấm keo. Nấm mới về mươn mướt, phơi đầy sân. Nấm rải nong, nia gác ngọn hàng rào. Nấm khô vào bao cất lên gác bếp chờ thương lái đến cân… Người phơi nấm vào - ra nhìn nắng, nhìn trời, loay hoay trở, dồn quên cả giấc trưa.
Nấm keo về làng được người hái chọn lấy nấm đẹp làm quà biếu, phần còn lại phơi khô để dành ăn dần, hoặc đem bán. Mùa nấm, làng ven rừng được dịp ăn nấm thỏa thuê. Nhà không có người lên rừng và những người già neo đơn vẫn được người làng cho nấm. Bà Nguyễn Thị Hiểu, 64 tuổi, sống một mình ở thôn Trung Bình, xã Mỹ Trinh, khoe: “Hôm qua, thằng Bảy cho một rổ nấm keo, nay ông Chung cho mấy cân nữa, ăn được mấy ngày”.
Đa số dân ven rừng Phù Mỹ đều hảo món nấm keo. Theo chị Tâm, nấm keo tươi, khô chế biến được nhiều món ngon như xào, trộn, nấu canh, nấu cháo. Khi nấu, nấm tỏa mùi ngai ngái, vị ngọt pha chút đắng, ăn ngon miệng, rất mát. Ngon nhất là món nấm keo khô nấu lagu hoặc ninh nhừ. Bữa cơm cũng ngon hơn nhờ có món nấm keo.
Chị Lê Thị Hồng, ở thôn Trung Hội, xã Mỹ Trinh, tâm sự: “Năm nay được mùa nấm, một ngày tôi hái được tới ba, bốn chục cân. Sáu cân nấm tươi phơi được một cân nấm khô. Hai đợt trước, nắng tốt, nấm đẹp, giá 80.000 đồng/kg. Đợt này mất nắng, giá nấm giảm còn 50.000 đồng/kg. Tính ra cả mùa, tôi hái, phơi bán được 30 cân, thu được gần 2 triệu đồng, đủ mua đồ dùng học tập và nộp học phí cho con”.
Anh Nguyễn Văn Thanh, người thu mua nấm keo ở thôn Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ, cho biết thêm: “Riêng đợt cuối này có nhiều người hái, bán trên 20kg nấm keo khô. Đại lý của tôi đã gom trên 3 tạ nấm khô và còn tiếp tục gom nữa. Bà con được mùa nấm, chúng tôi cũng vui lây”.
Bình luận (0)