Cá linh non đầu mùa!
Bữa cơm gia đình ông tư Thắng (Trần Văn Thắng, kênh Bảy Xã) thật đông vui, đầy đủ cả ba thế hệ cùng ăn với chúng tôi là khách từ Long Xuyên lên. “Lâu lắm rồi, các con mới về thăm, bà đãi mấy đứa một bữa cá linh thứ thiệt, chứ chẳng có thịt thà gì. Nhà quê, có chi dùng nấy, các con cứ ăn uống tự nhiên đi” – bà tư Thắng xởi lởi.
Gắp rau muống, bông điên điển, bông súng ma, dừa nạo để vô chén, chan mắm kho rồi gắp cá linh ăn, cắn thêm miếng ớt nữa, như vậy mới đã. Nói không quá, thịt cá ở chợ khó qua cá linh kho mắm miệt vườn. Đầu mùa nước lên, cá linh còn nhỏ mới ngon, chứ cỡ tháng bảy, bước sang rằm tháng tám thì con cá linh lớn, chuyển sang chế biến món khác…
“Ủa, cá linh mà sao cũng có giả nữa, bà Tư”, chúng tôi bắt chuyện. Cả nhà cười ồ, mấy đứa nhỏ nói năng huyên thuyên, như tỏ ra mình cũng am hiểu. “Các anh, các chị không biết đó thôi. Cá linh giả đầu mùa là có đó. Sở dĩ xảy ra như vậy, là vì ai cũng thấy người thành thị hiếu kỳ, bạn hàng mới lấy cá duồn giả làm cá linh non để bán. Tại người ta khoái” – út Huệ lanh miệng. Còn ông tư Thắng chậm rãi: “Chẳng qua là giá cả thôi con à. Thấy cái gì bán được giá, người ta hay bày ra đủ kiểu để… gạt người mua”.
Hai Sĩ, con trai thứ hai của ông tư Thắng, có tiếng “văn võ song toàn” ở vùng kênh Bảy Xã này, nãy giờ trầm ngâm như thể nghiền ngẫm món cá linh non kho mắm của quê mình, đột nhiên lên tiếng: “Thôi, vô đi, nói chuyện hoài. Nhỏng đít nghe!”. Cầm ly rượu đế, anh ực một hơi ngọt xanh, khiến anh em phải làm theo, đứa nào cũng ướm nước mắt mà không dám la, lịch sự mà. Dân miệt vườn hiếu khách như vậy đó.
“Vui vẻ chút ít, ấm bụng, tiêu cơm vậy thôi. Chứ, tụi em biết các anh, các chị còn đường xa, xe cộ lu bu lắm. Mà, muốn chơi đã thì phải ở đêm mới được” – hai Sĩ dặn chừng. Con cá linh là “đề tài” vùng đầu nguồn này, nhiều chuyện để nói lắm, hấp dẫn vô cùng, chuyện giả con cá linh non đầu mùa chỉ là một khía cạnh của mùa nước nổi và năm nào cũng vậy, chỉ có người thành thị mới… bị gạt, chứ dân miệt vườn khó qua mặt được!
Đâu có rẻ như bèo?
Có lẽ, trung tâm chợ Long Xuyên là nơi “xuất xứ” con cá linh non giả và năm nào báo chí cũng đưa tin, bài, ảnh… sớm nhất. Hôm đến Vĩnh Hội Đông, chúng tôi ghé thăm nông dân hai Sinh (Nguyễn Văn Sinh, ngọn Cả Hàng) và đem chuyện này ra hỏi. Ông bảo: “Làm gì có, đầu mùa hay cuối mùa cũng vậy, có chi bán nấy, cần gì phải là giả”. Mà, ở xứ đầu nguồn, giữa tháng sáu âm lịch thì có cá linh non xuất hiện rồi, chỉ có điều giá cả hơi đắt thôi; dần dần nước nổi, cá lớn, sản lượng đánh bắt nhiều, khai thác cũng mạnh hơn.
Tại bữa cơm ở nhà ông năm Thiện (Đỗ Thanh Thiện, ở Đồng Đức), gia đình cho chúng tôi thưởng thức nào là cá linh kho lạt, chiên bột ăn với rau muống bóp xổi trộn bông điên điển, kẹp lá bằng lăng, đọt đinh lăng, lá gừng… quá đã. “Mấy đứa muốn ăn cá linh nhúng dấm, nướng, chiên hoặc nấu canh chua… thì giữa tháng tám quay trở lên, vợ chồng tôi đãi. Miệt vườn mà, mình mần được thứ gì thì cứ ăn cái nấy, đâu có mua mà sợ tốn kém” – bà năm Thiện nói vui.
Cá linh được xem là một trong những sản vật độc đáo mùa nước nổi, các chợ vùng đầu nguồn, như: Khánh An, Khánh Bình, Bắc Đai, Vĩnh Hội Đông… đều có bày bán; thậm chí hàng ngày có mặt theo 3 buổi chợ nhóm. Người ta nói, cấm sử dụng ngư cụ đánh bắt và khai thác cá linh non, nhưng không thấy bắt người bán cá linh non bao giờ! Do vậy, giá một ký gấp 2 – 3 lần so với giá gà ta, giá các chợ trung tâm (huyện, thị xã, thành phố) cỡ 100.000đ – 150.000đ/kg, còn mua tại gốc chí ít 70.000đ – 100.000đ/kg. Đó là đầu mùa lúc tháng sáu âm lịch, chứ thời điểm tháng bảy và bước sang rằm tháng tám âm lịch hiện nay, giá cá linh giảm còn 2/3 so với trước, do mực nước đồng dâng lên thì cá lớn và mọi người đánh bắt được cũng nhiều hơn.
Bình luận (0)