Mùa này các cánh đồng ở ấp Phước Giang, thuộc xã Phước Lưu đều ăm ắp nước. Lũ chuột đồng từ các nơi kéo nhau chạy lụt về tụ tập ở các gò cao và trở thành mục tiêu săn lùng của nhiều bà con lúc nông nhàn. Anh Nguyễn Thành Nhân - trưởng ấp Phước Giang cho biết: “Những cánh đồng ở Phước Giang bị chuột cắn phá rất dữ. Lúc đầu bà con đi săn chuột chủ yếu để bảo vệ mùa màng. Nhưng sau này, chuột đồng trở thành đặc sản có giá nên đây còn là nguồn lợi cho thu nhập đáng kể”.
Bà con ở Phước Giang thường chuẩn bị các bẫy lồng xách theo khi đi đăng cá hoặc thăm đồng. Anh Nhân khi rảnh cũng đi đặt bẫy, một đêm có thể thu được khoảng vài ba ký chuột, theo lời anh, thì so với dân chuyên nghiệp thế vẫn chưa thấm vào đâu.
Riêng xã Phước Chỉ, nhiều năm nay bỗng dưng “nổi tiếng” vì là một trong những nơi cung ứng chuột đồng có cỡ. Chúng tôi tìm đến lão nông Phạm Văn Cống, một tay săn chuột có nghề ở ấp Phước Dân, ngỏ ý xin theo săn chuột ra đồng, ông cười khà đồng ý và nói vui: “6 giờ chiều nay có đợt truy quét chuột trên 2 cánh đồng gần đây, chiến dịch sẽ kết thúc chừng chín giờ đêm”.
Đúng hẹn, chúng tôi quay lại đã thấy nhóm săn chuột đã chuẩn bị đồ nghề lỉnh kỉnh, vác ra ruộng. Đồ nghề gồm 100 mét lưới (loại lưới dùng để quây vịt), 100 mét dây thừng buộc đầy vỏ lon bia (bên trong vỏ lon bia chứa đầy những cục đá nhỏ) và một chiếc rọ.
Chuẩn bị truy quét giặc chuột
Khép chặt vòng vây
Khiêng “chiến lợi phẩm” về nhà
Ra tới cánh đồng, ông Cống chỉ huy đám thanh niên căng lưới khép góc hai bờ thửa ruộng tạo thành góc vuông. Đoạn ống nhựa được đặt tại góc vuông này - đây sẽ là đường chạy của chuột khi bị dồn vào góc ruộng. Đoạn cuối của ống nhựa là chiếc rọ.
Sau khi chăng lưới, đóng cọc cố định lưới, trời cũng vừa sụp tối. Lúc này “chiến dịch” truy quét mới chính thức bắt đầu. Gần chục người cầm dây thừng có gắn vỏ lon bia kêu xủng xoảng, xúm nhau… la hét vang trời dậy đất. Đàn chuột trên đồng hoảng hốt rẽ lúa quáng quàng chạy. Vòng vây càng lúc càng siết chặt, người trên bờ, người dưới ruộng càng hò hét lớn khiến lũ chuột càng… điên đầu.
Đám lúa rung bần bật, dưới ánh sáng loang loáng của đèn pin, chúng tôi thấy lũ chuột béo múp míp, cuống quýt nháo nhào tìm đường thoát thân nhưng vòng vây khép góc dần, chúng chỉ còn nước chui tọt vào đường ống nhựa rồi chạy thẳng vào… rọ. Cái lồng chuột được khiêng lên, ước chừng gần 40 ký chuột. Ở thửa ruộng bên kia, một đội săn chuột khác cũng đã vào cuộc “truy quét”. Không khí như ngày hội. Âm thanh rộn rã vang trên khắp các cánh động.
Anh Lê Hoàng Nhơn, quê Tiền Giang, lên Tây Ninh đã hơn chục năm nay và cũng trở thành thợ săn chuột đồng ngần ấy thời gian. Anh từng có kinh nghiệm săn chuột đồng từ hồi còn ở Tiền Giang nhưng săn rầm rộ và “chuyên nghiệp” như ở Phước Chỉ mới là một trải nghiệm lạ và thú vị đối với anh. Anh sẵn sàng gia nhập đội săn bắt chuột khi bà con nhờ đi “cứu lúa”. Một đêm đi săn chuột, anh em “thợ săn” được chủ ruộng bồi dưỡng một vài trăm ngàn.
“Chiến lợi phẩm” thu được đem bán cũng bộn tiền. Tính ra, chuột đồng đang có giá. Thương lái đến mua tận nơi, giá từ 17.000 đến 25.000 đồng. Mấy con chuột chết thì đem “khuyến mãi” cho các hộ nuôi trăn trong vùng. Kết thúc một đêm săn chuột, mỗi đội có thể thu gom được trên 60 ký chuột.
Sau khi bán cho thương lái, đem tiền chia nhau, mỗi người cũng kiếm được hơn trăm ngàn trở lên. Tính ra, một ngày làm công chưa chắc kiếm được ngần ấy. Nhờ các đội săn chuột hoạt động rầm rộ mà diện tích lúa thu đông trên gò cao thoát khỏi nạn giặc chuột hoành hành.
Ban đêm đi “truy quét” chuột, ban ngày, bà con nông dân lại trở về với nhịp sống bình thường. Ai có ruộng ngập thì đi đăng cá, kiếm việc làm thêm. Ai ruộng không ngập thì đi thăm lúa, đặt bẫy, điều nghiên, “chỉ điểm” cho đội săn bắt chuột. Khi chiều buông xuống, trên các cánh đồng lúa lại lấp lánh ánh đèn pin, loảng xoảng tiếng vỏ lon bia đuổi chuột xen với những tiếng reo hò vang trời- những âm thanh đặt trưng của mùa săn chuột đồng.
Bình luận (0)