Ve sữa mùa hè
Đây là loại ve còn nhỏ nằm sâu dưới lớp đất cát dày khoảng 4-5 tấc, kích thước bằng ngón tay út và chưa mọc cánh. Muốn ăn ve non (người dân tộc còn gọi là ve sữa) chiên giòn thực khách phải nán lại trong ngày để đi theo bà con dân tộc Khơ-me len lỏi qua các khu vườn, đồi tìm kiếm hang đào bắt thì mới có.
Được sự chỉ dẫn của người quen, chúng tôi đến nhà của ông Chau Khua, ngụ xã An Cư (Tịnh Biên), một hộ chuyên đi đào ve sữa để cùng tháp tùng chuyến đi “săn” ve.
Chỉ với cây cuốc, chiếc xuổng và cái xô đựng nước muối, ông Chau Cua lội bộ dưới tán rừng, vườn xoài, vườn điều để tìm nơi ve trú ẩn.
Khi hỏi tại sao phải đem theo chiếc xô đựng nước muối? Ông Chau Khua bật mí: “Ban đầu mới vào nghề này cũng xớ rớ, tưởng dễ ăn, nhưng khi đào được con đầu tiên bỏ vào chiếc thau thì tiếp tục đào con thứ 2, thứ 3… những con trong thau gặp ánh sáng và gió đã nhanh chóng lột xác, mọc cánh bay mất. Từ đó, tôi mới nghĩ ra cách đem nước muối theo, hễ đào dính con nào thì nhanh tay cho vào thau nước muối để ve đừng lột xác”.
Quả thực đi “săn” ve còn cực hơn đi đào chuột ở ngoài đồng. Cả buổi sáng theo chân ông Chau Khua đi vài ba cây số dưới vườn điều mà chỉ đào bắt được khoảng chục con ve sữa.
Có tận mắt chứng kiến động tác “săn” ve thì mới thấy hết sự kiên nhẫn của người dân. Một lúc sau đi ngang dưới vườn xoài rợp bóng, nhiều mô đất đùn đống, ông Chau Khua tiết lộ những chỗ như vầy ve trú ẩn nhiều lắm.
Chỉ với một nhát xuổng phụp xuống lớp cát thì đã thấy hàng đàn ve “lộ thiên”. Chắc có lẽ nơi đây là vùng đất pha cát, độ tơi xốp cao nên ve sinh nở nhiều.
Sau khi đào thấy ve, ông Chau Khua bắt đầu nhẹ tay gỡ ve dính trong những lớp đất, rồi bỏ vào thau muối. Ông cho biết: “Hổm rày đi đào nhiều chỗ, riêng chỉ khu vực Ba Xoài này là có nhiều ve sữa. Trong quá trình đào bắt ve cũng phải biết con ve nằm trong hang ở độ sâu bao nhiêu tấc để còn biết mà lần theo chứ cứ bổ thí thì nhát cuốc sẽ xắn đứt ve, coi như công cốc.
Trung bình mỗi ngày tôi “săn” được khoảng 500-700 gram, bữa nào trúng thì kiếm được 1kg, các nhà hàng nơi đây thu mua với giá 110.000 đồng/kg”.
Cái nghề bắt ve đã gắn với ông gần chục năm nay. Thông thường, vào khoảng tháng giêng ông đã bắt đầu chuẩn bị đồ nghề để đi đào ve sữa bán. Cuộc mưu sinh theo mùa kéo dài đến tháng 5 mới chấm dứt. Trong xóm cũng có khoảng chục người đi đào ve để kiếm thêm thu nhập như ông.
Đi bắt ve đêm
Đêm buông dài trên vùng Bảy Núi sau những đám mưa đầu mùa nặng hạt, hai cha con của ông Lê Tùng Lâm, ngụ khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên cùng người hàng xóm là ông Trần Thanh Tuyền lỉnh kỉnh xách theo đồ nghề, trong đó có chiếc đèn bình ắc- quy lần theo các gốc xoài, gốc điều để bắt ve.
Thông thường ấu trùng ve sữa sống trong lớp đất dưới những tán cây rừng, khi mùa mưa đến chúng chui lên, rồi leo lên gốc cây để lột xác bắt đầu cho một vòng đời mới. Tuy thời điểm này ve không ngon bằng khi còn nằm dưới lớp đất sâu, nhưng rất dễ bắt.
Thấy vệt sáng của chiếc đèn bình, từ trên cây những con ve bắt đầu bay tới đâm đầu vào bóng đèn rớt lộp độp. Chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ, hai cha con ông Lâm đã bắt hơn 1kg ve.
Ông cho biết: “Ve mọc cánh như vầy ăn không ngon, chúng tôi chỉ bắt những con nào từ dưới lớp đất mới bò lên. Thời gian lột xác của con ve rất nhanh, khoảng 15 phút, ve mọc cánh bay mất”.
Một lúc sau, nhóm của anh Tuyền cũng bắt được hơn nửa ký ve non. Hai bên rủ nhau vào nhà làm món ve xào đậu phộng và chiên giòn để thưởng thức.
Anh Tuyền hướng dẫn cách chế biến ve: “Trước nhất phải rửa ve thật sạch, để ráo vài phút. Sau đó, bắc chảo mỡ lên phi một ít tỏi, rồi đổ ve vào ram đều, nêm nếm gia vị như đường, muối, bột ngọt sao cho vừa ăn. Thấy ve ngã vàng, rắc lớp đậu phộng rang sẵn lên, rồi bắc xuống dùng”.
Con ve được chế biến xong có màu vàng ươm, trông phát thèm. Mùi thơm phức của món ăn xông vào mũi không chịu nổi, bỏ con ve vào miệng nhai giòn rụm, vị ngon ngọt của gia vị, vị béo của ve sầu hòa quyện trên đầu lưỡi, thật tuyệt!
Ve sầu sau khi giao phối, ve cái đào những rãnh nhỏ trên vỏ cành cây để đẻ trứng. Khi trứng nở, ấu trùng rơi xuống và đào hang sâu trong đất. Hầu hết, loài ve có vòng đời từ 2-5 năm. Cứ vào mùa xuân, khi các loại cây bắt đầu ra hoa, những giọt mật và protein từ hoa sẽ chảy ra, rơi xuống và thấm vào bộ rễ của cây. Ve sầu ở trong lòng đất hút lấy thức ăn từ rễ cây và đó chính là lúc chiếc đồng hồ sinh học của loài côn trùng này được “kích hoạt”. Ve sầu hồi sinh, bò lên khỏi lòng đất và bắt đầu một chu kỳ sống mới…
Bình luận (0)