Bà Hai Dữ làm phép vào đĩa thuốc
“Thuốc tiên” tự chế
Bà mở đầu công đoạn chữa trị bằng lời cảnh báo: “Trước đây nó không đòi hút thuốc, mấy năm nay nó cứ đòi hút mỗi lần ba gói Hero mới chịu”. Theo lời giải thích của bà thầy: Nó chính là cậu- tức người khuất mặt khuất mày thường nhập hồn vào bà, muốn biết người bệnh bị bệnh gì phải nhờ cậu nhập hồn vào, bà mới coi được. Chúng tôi làm bộ “à ra thế” rồi lật đật chạy ra đầu đường mua 3 gói thuốc đem vào. Bà bảo để lên bàn thờ rồi thắp nhang cúng vái.
Làm “thủ tục” xong, bà bảo chúng tôi đến ngồi cạnh bà trên bộ ván. Bất ngờ bà dộng gót chân tạo ra tiếng “cộp” thật mạnh xuống ván, rồi huơ tay phải lên, đọc câu thần chú bằng thứ tiếng gì đó chắc chỉ có trời mới biết để gọi… binh tướng về.
Sau một lúc “trao đổi” với cậu, bà thầy quay sang phán: “Chú bị con vợ bé- con nhỏ xấu hơn vợ cậu, ếm bùa Chà và bùa Miên rồi” (cũng may là tôi đến nhà bà với nữ đồng nghiệp, chứ đi với vợ, không biết giải thích ra sao). Chúng tôi liền làm ra bộ lo lắng, nhờ bà thầy gỡ bùa cứu mạng.
Bà thầy bảo: muốn hết bệnh, phải ra chợ mua những thứ sau: một chai dầu phộng, một bịch bông gòn, một gói trà, một xị rượu đế, một bình gas mini, 2 cây đèn cầy nhỏ, hai cái trứng gà lạt và vài trăm gram gừng. Chúng tôi ra chợ Tân Hưng mua đầy đủ những thứ theo yêu cầu của bà thầy.
Bà lại bảo chúng tôi lấy dao bào gừng ra thành từng lát mỏng, lấy bông gòn ra se thành 6 sợi dây, mỗi dây cỡ bằng ngón tay út, dài khoảng 30cm. Chuẩn bị xong, bà bảo ra ngoài sân lấy vào một cái đĩa inox và một miếng ván. Ra sân, chúng tôi thấy có 4 - 5 cái đĩa inox và ván gỗ bị đốt nhiều lần, dính khói bụi đen thui để chồng lên nhau. Tôi liền đem vào một bộ.
Bà thầy để cái đĩa inox lên miếng ván rồi hướng dẫn chúng tôi lần lượt sắp các sợi dây gòn chéo qua mặt đĩa, lấy dầu phộng rưới một lượt lên các sợi dây gòn. Kế tiếp, bà trộn trà và gừng lại với nhau, đổ hỗn hợp này lên đĩa và rưới dầu phộng lên một lần nữa.
Sau cùng, bà thắp đèn cầy cho nhểu sáp lên đĩa và 3 lần ngậm lửa đèn cầy phun lên đĩa để làm phép. Chúng tôi tò mò hỏi có phải đây là phương thuốc gia truyền hay không. Bà thầy trả lời gọn lỏn: “Chẳng phải thuốc gia truyền hay Đông y gì cả. Đây là thuốc… tiên, do tôi tự chế”.
Sau khi đã làm xong mẻ thuốc, bà Hai bảo chúng tôi ra trước hàng ba, giăng cái mùng lên. Chúng tôi nhìn thấy một cái mùng màu đen và một cái mùng màu tím sẫm, cả hai đều bằng loại vải kaki dầy cũ kỹ và… bẩn thấy ớn. Chúng tôi lấy đại cái màu tím, giăng lên.
Bà thầy đưa cho tôi một đĩa “thuốc tiên” tự chế hồi nãy, thêm cái hộp quẹt và một con dao, bảo: “Chui vào mùng, cởi hết quần áo ra, châm lửa vào đĩa cho cháy đều mấy cái tim gòn này. Để cái đĩa lửa sát vào người. Đây là lửa… tam muội trên trời rất linh, nó sẽ đốt cháy tất cả bùa ngải thư ếm trong người”.
Bà thầy không ra ngoài hàng ba kiểm tra được nên nằm luôn trên ván gỗ để… “điều khiển từ xa”. Trong nhà còn có các con và dâu của bà thầy cứ vô ra dòm ngó, nên một trong hai người chúng tôi đành phải bấm bụng… thoát y chui vào cái mùng dầy cộp, đốt lửa lên, gồng mình chịu đựng sức nóng và sự ngột ngạt do khói đen từ đĩa dầu phộng cộng với hơi cay của gừng bốc lên, đặc quánh trong mùng.
Ngồi trong mùng chưa đầy 30 phút mà mồ hôi, nước mắt, nước mũi của tôi thi nhau túa ra ròng ròng, đầu óc bắt đầu choáng váng, quay cuồng. Chịu hết xiết, tôi đành… tốc mùng ra, viện cớ này nọ để “thoát” nhưng bà thầy không chịu. Từ trong nhà, bà nói vọng ra với giọng cương quyết: “Phải xông trong đó ít nhất một tiếng rưỡi, đến khi cháy hết đĩa thuốc đó mới được ra. Đã làm phép rồi, bây giờ bỏ về giữa chừng, bệnh dội lại người là… bị phản đó. Khi nào thấy ngộp quá thì hé mùng lên, quạt cho khói bay ra bớt”. Không còn cách nào khác, tôi đành ngồi trong đó chịu trận cho đến khi tàn lửa.
Một bà già vén mùng cho khói bay ra bớt và lau mồ hôi cho con
Ra được khỏi mùng, tôi mừng quýnh, vội vàng mặc lại trang phục nhưng chưa phải đã hết chuyện. Bà thầy đưa hai cái hột gà, bình gas mà tôi mua về hồi nãy, bảo cô bạn đi cùng tôi xuống bếp lấy nồi luộc trứng cho chín. Trứng luộc xong, đem lên còn nóng hổi, bà kêu nữ đồng nghiệp của tôi mang một trứng ra cái miễu phía trước đốt nhang cúng tổ, phải đọc bài bùa chú mà bà ghi sẵn trên tờ giấy đặt trong miễu, đại loại là gọi các vị lỗ ban, chúa, tổ… nào đó.
Quả trứng còn lại bà bảo tôi cầm lăn lên bụng, lên ngực cho tan mớ bùa ngải đang bị… con vợ nhỏ ếm trong người. Tôi cũng ra vẻ ngoan ngoãn làm theo lời bà, lăn đến khi trứng nguội thì đem xuống bếp luộc lại rồi lăn tiếp, lặp lại 3 lần như vậy.
Xong màn lăn trứng, đến trò phun rượu trị bệnh. Bà thầy bảo tôi quỳ xuống, bà cầm ly rượu đưa lên trán, lẩm bẩm đọc thần chú, rồi hớp rượu phun phèo phèo lên đầu, lên mặt và khắp người tôi. Sau khi “tắm rượu” cho tôi, bà còn bắt tôi đứng tấn trước cửa, mặt quay, cung nắm tay, đấm vào… không khí theo nhịp đếm từ chậm đến nhanh của bà.
Tôi đấm một lúc, bà lại “lịnh” cho tôi chuyển sang… đá, đá từng chân vào không trung cũng theo nhịp đếm, cho đến khi mệt lè lưỡi, không còn đấm đá nổi mới thôi. Sau các màn xông lửa, tắm rượu và “biểu diễn võ thuật” như thế, tôi từ một người đang khoẻ mạnh bỗng thành… lảo đảo, phải gượng lắm mới khỏi… té cái rầm!
Trị bệnh từ xa
Theo lời bà thầy dặn, phải đến trị 7 ngày liên tiếp như thế mới khỏi bệnh, sáng hôm sau chúng tôi trở lại. Mới khoảng 10 giờ mà trong nhà bà thầy đã có 5 người đến đây để nhờ bà chữa trị. Trong mùng, một phụ nữ không rõ họ tên đang ngồi xông lửa. Chốc chốc, người mẹ của bệnh nhân này vén mùng lên cho khói bay ra bớt và lau mồ hôi cho con.
Cạnh đó, một cô gái đang lui cui làm đĩa thuốc để chuẩn bị xông cho mình. Thấy cô gái này có vẻ thành thạo, tôi lân la làm quen. Cô giới thiệu tên N., 25 tuổi, nhà ở xã Bình Minh, Thị xã Tây Ninh. Theo lời kể, cô có quen anh bạn trai, cô nghi người bạn này… ếm bùa, khiến cô mắc bệnh lạ. Hơn một tháng nay, cô đến đây nhờ bà thầy chữa trị. Cô thấy mỗi ngày có cả chục người cũng đến đây nhờ bà thầy cho xông thuốc. “Có khi không còn chỗ giăng mùng, em phải giăng mùng ngoài sân”- N. nói.
Ngoài N. và hai người phụ nữ đang ngồi xông trong mùng, chúng tôi còn thấy có cặp vợ chồng trẻ ở huyện Hoà Thành, chậm có con, cũng đem trái cây, đường, sữa đến đây nhờ bà trị bệnh.
Không chỉ chữa trị bệnh tại nhà mà bà thầy Hai Dữ còn nhận trị bệnh từ xa. Trong thời gian hai ngày tới lui nhà bà, chúng tôi không ít lần nghe có người điện thoại đến nhờ bà chữa cho người thân vì đang bị sốt, bị đau bụng, ói mửa… hoặc tìm giúp con cái đã bỏ nhà đi hoang. Tất cả những trường hợp đó, bà thầy đều giậm gót chân, đọc thần chú rồi hướng dẫn cách chữa trị qua điện thoại di động (?).
Bà kể cho chúng tôi nghe, bà đã làm nghề trị bệnh thế này từ hồi 15 tuổi, không chỉ trị cho người dân trong tỉnh mà còn trị cho nhiều người ở các tỉnh, thành khác, thậm chí ở nước ngoài (?). Bà đã “đào tạo” 4 đệ tử để phụ bà chữa bệnh, khi nào đông khách quá thì bà gọi họ đến phụ giúp. Bà chỉ cho chúng tôi xem chiếc tủ thờ, bàn thờ, đôi hạc bằng đồng đang thờ cúng trong nhà và cái miễu trước cửa, khoe: “Các thứ này đều do bệnh nhân hiến tặng, chứ tôi không mua sắm gì cả”.
Chính quyền không hay?
Chờ đến trưa mà chưa đến lượt trị bệnh, chúng tôi kiếm cớ ra ngoài mua đồ rồi “biến”. Có điều chúng tôi thắc mắc: lẽ nào chính quyền địa phương không hay biết việc hành nghề trị bệnh theo kiểu… tầm xàm, phản khoa học của bà Hai Dữ trong khi việc này đã tồn tại hàng bao năm qua?
Bình luận (0)