Mấy ngày gần đây, nhiều bệnh nhân và người nhà đang điều trị tại Bệnh viện Hàm Thuận Bắc (thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) rất hoang mang khi bị một loại côn trùng lạ đốt gây ngứa rát, phồng rộp, loét da.
Kiến ba khoang bu dày trong khu vực Bệnh viện Hàm Thuận Bắc
Loại côn trùng này được xác định là kiến ba khoang, có chiều dài hơn kiến thông thường, thân có 2 màu đen và cam. Trước đây, loại kiến này từng xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khác làm nhiều người rất hoang mang, lo lắng khi vết đốt gây nhiễm trùng nếu không điều trị đúng cách và kịp thời. Những ngày qua, loại kiến này xuất hiện dày đặc trong khu vực Bệnh viện Hàm Thuận Bắc và đã đốt rất nhiều người.
Chị Phạm Thị Kim Vui – xã Hàm Phú cho biết: “Sau khi bị kiến đốt, tôi cảm thấy rất ngứa, càng chà xát thì vùng da xung quanh càng đỏ, rát và phồng rộp, xuất hiện mụn nước…”.
Cũng bị kiến ba khoang đốt, nhiều bé đang điều trị tại Khoa nhi Bệnh viện Hàm Thuận Bắc rơi vào trường hợp tương tự. Mẹ em Trương Cao Hằng (5 tuổi) – xã Hàm Phú lo lắng: “Ban đêm loại kiến này theo ánh sáng bay vào khắp phòng.
Không ai nghĩ nó độc đến vậy. Ban đầu bé bị kiến đốt, trên tay chân xuất hiện nhiều nốt đỏ. Mấy bé thấy ngứa cứ gãi liên tục, càng gãi thì vết loét càng rộng, mụn nước lan đầy. Nhiều người không biết đến loại kiến này, nên sau khi bị đốt vết thương lan rộng cứ nghĩ là giời leo”.
Cận cảnh loại kiến độc
Thông tin ban đầu, kiến ba khoang thường sống gần ruộng lúa, vườn cây để ăn rầy. Tuy nhiên, đây là thời điểm người dân đã thu hoạch lúa nên kiến theo gió bay vào những nơi có ánh sáng. Bệnh viện Hàm Thuận Bắc lại nằm lọt thỏm giữa vùng ruộng lúa. Do đó, kiến ba khoang tập trung dày ở khu vực này. Đây là lần đầu tiên người dân thấy loại kiến này xuất hiện. Đã có nhiều bệnh nhân xin xuất viện điều trị ngoại trú sau khi bị kiến ba khoang tấn công.
Vết thương do kiến ba khoang gây ra
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Xuân Việt – Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính bệnh viện cho biết: “Mấy ngày qua, bệnh nhân bị kiến đốt phản ánh rất nhiều. Ban ngày kiến bu dày ở các vách tường, ban đêm mới theo ánh sáng bay vào phòng.
Chúng tôi đã nhắc nhở bệnh nhân nên mắc mùng vào ban đêm, đóng các cửa sổ. Ngoài ra, bệnh viện đã yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng huyện phối hợp phun xịt hóa chất nhằm tiêu diệt phần nào hoặc có giải pháp để bệnh nhân an tâm điều trị tại bệnh viện”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì loại kiến này rất khó diệt, ngay cả phun hóa chất cũng không chết. Độc tố của loại kiến này rất cao nhưng không gây nguy hiểm tính mạng vì lượng độc tố tiếp xúc nhỏ và chỉ ngoài da.
Bác sĩ Bùi Thị Thu Thảo – Bác sĩ tại Bệnh viện Hàm Thuận Bắc khuyên: “Nếu thấy kiến bò trên da, không nên dùng tay giết kiến để hạn chế chất độc lan rộng. Nếu trong trường hợp đã bị kiến đốt, cần rửa vết thương bằng xà phòng. Sau đó bôi thuốc có chứa chất corticoid để điều trị tại chỗ. Lưu ý, không được chà xát chỗ kiến đốt, tránh gây tổn thương da, nhiễm trùng. Hiện nay, các bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt đã được bệnh viện chỉ định cho bôi thuốc hoặc dùng kháng sinh để điều trị vết thương.
Bệnh viện Hàm Thuận Bắc nằm lọt thỏm giữa ruộng lúa…
Bình luận (0)