Nghề cha truyền con nối
Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam công bố quyết định công nhận Làng nghề vấn chổi đót Chiêm Sơn. Từ bao đời truyền lại, ban đầu chỉ có vài người làm, rồi nhiều người trong làng làm theo lâu dần hình thành và phát triển thành làng nghề truyền thống.
Công nhân đang gia công để bắt đầu cho ra 1 chiếc chổi mới
Làng nghề vấn chổi đót hiện có hơn 200 hộ thành viên, trong đó khoảng 20 hộ có quy mô sản xuất lớn, sử dụng từ 4 đến 20 lao động, thu nhập bình quân 2.000.000 đồng/người/tháng.
Năm 2018 làng nghề đã cung cấp ra thị trường trên 2,6 triệu sản phẩm các loại, tổng doanh thu ước tính trên 50 tỷ đồng. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân đã đa dạng hóa với nhiều sản phẩm như chổi bện mây truyền thống, chổi quấn dây thép, dây cước, cán thân đót, cán nhựa, chổi quét vôi…
Công nhân đang làm chổi
Khởi sắc đa dạng từ các sản phẩm mới
Để có được một chiếc chổi đót bền, đẹp thì phải trải qua nhiều khâu xử lý nguyên liệu, sự khéo léo của đôi tay người thợ. Đót làm chổi phải được phơi khô để tránh ẩm mốc. Theo cách làm thủ công là tra bó đót vào cán, bện chổi, sau đó được kết chặt vào cán chổi bằng sợi mây.
Những chiếc chổi đang trong công đoạn hoàn thành
Để đạt năng suất và chất lượng, dùng máy ở công đoạn cưa cán, cắt đót vừa nhanh vừa đẹp, sản phẩm cũng vì thế mà ngày càng đa dạng đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Nhất Tuấn -chủ một cơ sở vấn chổi đót thuộc loại lớn nhất của làng Chiêm Sơn, chia sẻ: "Bản thân ông đã đi tham quan và học hỏi nhiều làng nghề vấn chổi đót, tham gia các hội chợ trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh để có thêm kinh nghiệm, và đề ra chiến lược tiếp cận thị trường".
Không khí làm việc những ngày cuối năm tất bật, nhộn nhịp khắp làng Chiêm Sơn, tất cả đều chuyên tâm với công việc của mình để sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất.
Những chiếc chổi đã hoàn thành với mẫu mã bền đẹp
Ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ tịch UBND xã Duy Trinh, cho biết :"Định hướng của địa phương là đưa Làng nghề vấn Chổi đót Chiêm Sơn lên một tầm cao. Để khẳng định thương hiệu thì trước mắt làng nghề phải tự khẳng định mình để các cơ quan chức năng biết đến và công nhận làng nghề có trên trăm năm tuổi này là làng nghề truyền thống. Hiện nay địa phương đang xúc tiến thành lập tổ hợp tác Làng nghề vấn chổi và tiến đến sẽ hình thành một hợp tác xã làng nghề tham gia vào chuỗi giá trị OCOP và hoạt động kinh tế du lịch của huyện Duy Xuyên".
Về Chiêm Sơn hôm nay để thấy được sự đổi khác, ngõ xóm sạch đẹp, nhiều ngôi nhà mới khang trang được mọc lên, phần lớn là nhờ vào nguồn thu nhập từ Làng nghề. Hy vọng trong một tương lai không xa, Làng nghề vấn chổi đót Chiêm Sơn cùng với các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử ở vùng đất này sẽ khai thác được thế mạnh để phát triển du lịch.
Bình luận (0)