xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghề khai thác dầu rái

Theo Lê Hồng Khánh (Quảng Ngãi Online)

Mở miệng lấy dầu là một thao tác đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, giàu kinh nghiệm để xử lý làm sao cho miệng càng ngày càng cho dầu nhiều hơn. Những người non tay nghề, vạt miệng không đúng kỹ thuật, không những dầu khai thác được ít mà còn làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây.

Dầu rái (dầu nước, dầu sơn) là một loại nhựa lấy từ thân cây dầu rái. Đây là loại cây nhiệt đới, thân gỗ, họ dầu, có thể cao đến 40 – 50 mét, mọc thành rừng trên các triền núi cao. Ở nước ta, rừng dầu rái tập trung dọc theo vùng núi rừng phía tây các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Đông Nam bộ.
 
Rừng dầu rái ở núi Lớn (núi Dầu) thuộc địa phận giáp ranh 3 huyện Ba Tơ, Đức Phổ và Nghĩa Hành là nơi duy nhất ở tỉnh Quảng Ngãi cây dầu còn mọc thành rừng và có khả năng khai thác.
 
Theo nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, dưới thời các chúa Nguyễn, nghề lấy dầu rái ở Đàng Trong đã được Nhà nước phong kiến quản lý phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
 
img
 
Cây dầu rái.
 
Cây dầu rái bắt đầu cho dầu từ năm 2 - 3 tuổi, chu vi thân cây chừng 40 phân. Càng nhiều năm lượng dầu khai thác càng tăng lên. Muốn lấy dầu, người thợ phải mở miệng và vạt máng. Miệng là một khoảng cắt ở thân cây, rộng 15 - 20 phân, sâu vào thân chừng 2- 3 phân, hình lòng chảo. Đây là nơi dầu từ thân cây thoát ra ngoài. Người ta dùng một dụng cụ có hình dáng như chiếc cuốc nhỏ gọi là dời để mở miệng. Những cây dầu lớn, người ta mở 2 đến 3 miệng.
 
Mở miệng lấy dầu là một thao tác đòi hỏi người thợ phải có  tay nghề, giàu kinh nghiệm để xử lý làm sao cho miệng càng ngày càng cho dầu nhiều hơn. Những người non tay nghề, vạt miệng không đúng kỹ thuật, không những dầu khai thác được ít mà còn làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây.
 
Khi đã mở miệng, người thợ dùng đuốc hơ lửa vào đó để dầu chảy xuống máng. Máng được đặt trong một lỗ đào sâu dưới đất, ngay phía dưới miệng. Đuốc làm bằng thân cây bông vang (hoặc cây dẻ) chẻ nhỏ, bó thành từng bó, dài 1- 2m, có niềng bằng kim loại để khi đốt phần trên không bị xòa ra.
 
Người thợ có nghề, khi hơ lấy dầu cũng đồng thời làm cho dầu chín (có màu trong veo), rồi dùng  một chiếc cọ vuốt cho dầu chảy ngay xuống máng. Dầu trong máng khi đầy được đổ vào xô. Đầy xô thì đổ vào thùng. Thùng và xô đều làm bằng gỗ. Mỗi thùng có dung tích chừng 20 lít.
 
Sản phẩm từ cây dầu có 2 loại chính là dầu tía (nước lỏng) và dầu trắng (nước lỏng để đặc lại). Mỡ dầu làm váng nổi trên mặt, được coi là sản phẩm tốt nhất, dùng để đánh bóng nón lá (gọi là kéo dầu). Dầu rơi vãi ra ngoài máng, khô cứng lại gọi là ngược chai. Loại chai khô đóng trên mặt máng, xô, thùng, gọi là chài chò hay chai bóng.

img

Mô hình thuyền Hoàng Sa, lườn thuyền bằng nan tre trát dầu rái.
 
Dân gian dùng chai chò tán nhỏ, trộn vào cháo cho trẻ sơ sinh ăn để “chặt  dạ” hoặc rắc vào than hơ lên cơ thể cho “rắn chắc da thịt”.
 
Phần lớn sản phẩm dầu rái dùng để đánh bóng lên nón, ghe, thúng, xiểng, thùng quảng. Có nơi còn trát lên phên tre, ngói lợp nhà. Ngày nay, nhựa dầu rái còn dùng trong kỹ nghệ hóa mỹ phẩm, làm sơn, dầu bóng, vec ni, công nghệ in, kỹ nghệ dược phẩm, làm đuốc thắp sáng...
 
Dầu rái là một cây trồng làm bóng mát rất quan trọng của các tỉnh phía Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thủ Dầu Một, Buôn Ma Thuột... Từ đầu thế kỷ XX, dầu rái đã được người Pháp mang ra Hà Nội, trồng ở vườn Bách Thảo. Những cây dầu rái trồng ở miền Bắc, chủ yếu cũng lấy giống từ các cây này.
 
Ngày trước, khai thác dầu là một nghề nguy hiểm, phải đối mặt thường xuyên với bệnh tật, rắn độc, thú dữ, nên người thợ có rất nhiều điều cấm kỵ và nghi lễ cầu phúc. Trước khi vào rừng lấy dầu mà gặp chim hót buổi sáng tiếng cộc lốc, cây ngã chắn ngang lối đi, rắn hoặc rùa bò ngang đường, có ai từ phía sau gọi giật lại... họ đều cho đó là điềm xấu, phải dời lại ngày khác. Hằng năm, vào dịp đầu xuân, những người làm nghề khai thác dầu rái tổ chức lễ cúng mở rừng để cầu mong một năm làm nghề được êm xuôi, thuận lợi.
 
Dưới thời phong kiến, người thợ lấy dầu, đóng thuế cho nhà nước bằng dầu và được miễn sưu dịch. Dầu rái là nguyên liệu quan trọng trong kỹ nghệ đóng ghe bầu miền Trung nổi tiếng một thời. Cùng với vỏ cây xác mắm, dầu rái được dùng để chống thấm, chống mối mọt, tăng thêm độ bền mà vẫn giữ được độ đàn hồi cho các nan tre đan thành lườn ghe bầu, ghe câu, thúng chai...
 
Bom đạn chiến tranh tàn phá khốc liệt rừng dầu. Những năm gần đây, nạn phá rừng bừa bãi lại một lần nữa làm thu hẹp đáng kể diện tích rừng dầu trong cả nước. Nhiều nơi, cây dầu đã hoàn toàn mất dấu tích. Rừng dầu ở núi Lớn sở dĩ còn tồn tại vì người dân tự giác bảo vệ rất nghiêm ngặt và biết tổ chức khai thác hợp lý. Nhu cầu về dầu rái hiện vẫn còn rất đáng kể. Đất rừng miền tây Quảng Ngãi nhiều nơi rất thích hợp với cây dầu rái. Vì vậy cần nghiên cứu, nhân giống để dầu rái trở thành một trong những giống cây phủ xanh đất trống đồi trọc, làm giàu rừng, đồng thời mang lại nguồn lợi đáng kể cho người trồng.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo