Tòa án Nhân dân huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức xét xử lưu động đối với bị cáo Đinh Văn Bông (SN 1998), thường trú tại thôn Tà Bi, xã Sơn Thủy (Sơn Hà) về tội cố ý gây thương tích cho người khác.
Nguyên nhân được xác định, Đinh Văn Bông chung sống với Đinh Thị Chung (SN 1999) như vợ chồng và đã có với nhau 1 đứa con. Trong thời gian sống chung, Bông thường nghi ngờ vợ ngoại tình và có hành vi đánh đập vợ, nên Đinh Thị Chung đã bồng con về nhà mẹ đẻ (ở cùng thôn) để sống. Đến khoảng 19 giờ ngày 31.7.2016, sau khi uống rượu về, Bông đến nhà mẹ đẻ của Chung gọi Chung ra nói chuyện.
Trong lúc nói chuyện, Bông đã dùng dao đâm Đinh Thị Chung 3 nhát vào đùi và bụng, rồi tự đâm vào bụng mình một nhát, nhưng bị thương nhẹ. Đinh Thị Chung được gia đình đưa đi cứu chữa kịp thời, nên giữ được tính mạng. Đến ngày 5.8.2016, Đinh Văn Bông bị Công an huyện Sơn Hà bắt giữ. Tại bản giám định pháp y của Phòng Giám định pháp y – Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tỷ lệ thương tích của Đinh Thị Chung là 60%.
Áp dụng các điều, khoản của Bộ luật Hình sự, Tòa án Nhân dân huyện Sơn Hà tuyên phạt Đinh Văn Bông 2 năm tù giam. Tuy nhiên, dư âm sau phiên tòa lại một nỗi buồn. Thiết nghĩ, nếu chính quyền địa phương và gia đình quan tâm hơn đến các em thì sự việc không ra nông nỗi. Bởi Đinh Văn Bông và Đinh Thị Chung về sinh sống như vợ chồng và có với nhau một đứa con từ năm 2014, khi đó Bông 16 tuổi và Chung chỉ mới 15 tuổi, cái tuổi mà đáng ra các em phải được vui chơi như những đứa trẻ vừa bước qua tuổi thiếu niên với các bạn cùng trang lứa.
Nhiều năm nay, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương của huyện Sơn Hà rất chú trọng đến công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, đặc biệt là nạn tảo hôn. Thế nhưng, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện vẫn còn cao, một phần là do trình độ học vấn thấp, hiểu biết pháp luật của bà con còn hạn chế, nên dẫn đến tình trạng trên. Các em gái 14, 15 tuổi có chồng ở miền núi được người dân xem là rất bình thường, cũng không ít trường hợp các ông bố, bà mẹ không ngăn cản, mà còn khuyến khích các em lập gia đình sớm.
Ở một số nơi việc quản lý đăng ký kết hôn chưa chặt chẽ, các chế tài để răn đe chưa hiệu quả. Nhiều lãnh đạo cấp xã thì cho rằng, khi các cặp vợ chồng cưới nhau dưới 18 tuổi xã chưa thể phạt, bởi họ không lên xã đăng ký, nhất là có thai rồi, xã có biết cũng phải để họ cưới khi "sự đã rồi". Sợ bị phạt, một số cặp vợ chồng trẻ dù đủ tuổi rồi, cũng không dám đi đăng ký kết hôn, do đó họ thiệt thòi rất nhiều về quyền lợi.
Tham dự phiên tòa với tư cách là người bị hại, dáng người nhỏ nhắn, bồng đứa con gần 2 tuổi, Đinh Thị Chung nói với Tòa, “xin Tòa đừng bắt “nó” đi tù, cảnh cáo “nó” thôi, để “nó” ở nhà làm ăn và nuôi con với cháu.
Một bản án thích đáng với những kẻ vũ phu nhưng cũng đọng lại cho những người có mặt tại phiên tòa đôi điều suy ngẫm. Một phiên tòa mà bị cáo và bị hại đều còn quá trẻ. Thiết nghĩ, chính quyền, các hội, đoàn thể ở các địa phương cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết pháp luật, nhất là Luật Hôn nhân và gia đình, để hạn chế hậu quả do tệ nạn tảo hôn gây ra.
Bình luận (0)