Võ Thanh Phong trước vành móng ngựa.
Bóng ma của quá khứ
Cha và mẹ Phong chia tay nhau sau quãng thời gian chung sống ngắn ngủi. Mẹ y quyết định đặt tên con bằng họ của mình, như một cách cắt đứt mối liên lạc cùng người chồng cũ.
Nhiều ngày trong tuổi thơ trôi qua, Phong sống trong nhiều mối dằn vặt liên tiếp: Vì sao mình không được hạnh phúc như người khác? Vì sao mình cứ mãi nghèo khổ? Đến 24 tuổi, y gánh trên vai một người vợ, một đứa con. Những cuốc xe ôm của y chưa bao giờ nhóm lên ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình mình, cũng như chưa bao giờ làm tắt tiếng cằn nhằn của vợ.
Miếng ăn còn bấp bênh, y biết. Vợ con không hài lòng vì y chưa cố gắng hết sức, y biết chứ. Nhưng y không thể nào mang lại cuộc sống sung túc cho họ, vì y đã trót gửi đam mê vào cờ bạc, cá độ và những cuộc bù khú cùng bạn bè. Nhiều tháng liên tiếp, bao nhiêu tiền kiếm được, y tiêu sạch vào các trận bóng đá.
Hết tiền, y làm liều mượn chiếc xe môtô của gia đình đem vào gửi… tiệm cầm đồ, lấy hơn 7 triệu lại gửi vào… cá cược. Thua sạch. Quá chán ngán với bản chất của y, chủ xe đã yêu cầu xử lý hình sự. Phong vào tù 6 tháng, với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Ra tù, y nhìn cuộc đời bằng con mắt khác, cộc cằn, dữ dội hơn. Và dĩ nhiên, người đời lẫn người trong nhà cũng nhìn y bằng con mắt khác. Đó là ánh mắt sợ hãi, dè chừng. Họ đâu thể biết trước, liệu đứa con bất trị ấy có cải tà quy chánh được không? Nó sẽ làm gì nếu có cơ hội?
Bà Võ Tần Giáng Nga, mẹ Phong giật bắn người khi nghe con hỏi mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn nhà bà đang ở (số 422, khóm Châu Long 3, phường Châu Phú B, Châu Đốc). Y định đem thế chấp, vay tiền ngân hàng làm vốn mở tiệm rửa xe cho mình, cất thêm quán cà phê nhỏ phía sau cho vợ buôn bán, với lời hứa chắc nịch: “Con quyết chí làm ăn rồi, không chạy xe ôm nữa, bấp bênh lắm”. Bà Nga không đồng ý, vì 6 tháng tù kia còn ràng ràng ra đó. Nếu lỡ Phong làm bậy, mất căn nhà thì mọi người biết sống ở đâu?
Buồn vì ý định tốt đẹp của mình không thành, Phong đi nhậu cùng bạn bè suốt. Ngày 4-2-2011 (mùng 2 Tết) y nhậu đến gần 11 giờ khuya. Vợ y tìm đến chỗ nhậu, giật ly bia trên tay y uống hơn phân nửa, chỉ liếc mắt nhìn chồng một cách giận dữ rồi bỏ về, không nói một lời nào. Y nóng mũi, cũng đứng dậy theo về để “dạy” vợ.
Bao nhiêu ấm ức mấy ngày trước, y dồn vào câu chửi mẹ ruột và vợ. “Tao đốt nhà! Tao đốt nhà cho tụi mày coi!” – y gào lên trong cơn say. Quá quen với câu nói ấy, người nhà y lẳng lặng bỏ đi ra phía trước, còn y được bạn nhậu kè vào nhà ngủ. Y giả vờ đồng ý, rồi khóa trái cửa, tắt cầu dao điện và điên cuồng quơ lấy quần áo của mình chất thành đống giữa nhà.
Chạy ra bàn thờ, y lấy quẹt lửa châm. Chỉ ít phút sau, đám lửa bùng lên, lan sang những cây gỗ, ván ép (trước đó mấy ngày y lau bằng dầu bóng để đón Tết). Tự nhủ mình sẽ chết cùng căn nhà, y bình thản đứng nhìn. Nhưng hơi lửa bỏng rát táp vào mặt khiến y sực tỉnh rượu. Nhưng ngọn lửa đã liếm khắp căn nhà. Quá sợ hãi, y tung cửa chạy ra và bị lực lượng Công an tóm gọn.
Nỗi đau của sự trắng tay
Vừa bước qua khoảnh khắc sáng ngày mùng 3 Tết, ba gia đình lân cận nhà bà Nga đã thức giấc trong sự hốt hoảng đến cùng cực. Căn nhà họ trang hoàng đẹp đẽ trong mùa Tết giờ chỉ là đống tro tàn. Tất cả cháy rụi hoàn toàn. Họ không kịp đem ra một món đồ vật nào, dù nhỏ. Thì ra ngọn lửa từ căn nhà Phong đốt đã cháy lan sang 3 nhà khác.
Bốn căn nhà bị thiêu bao gồm nhà mẹ ruột, nhà ngoại, nhà dì ruột y và một người hàng xóm. Gia đình Phong không thể tin vào mắt mình, khi đứa con, đứa cháu vô đạo đức của họ dám làm chuyện tày trời như thế. Không cho y mượn giấy tờ thế chấp thì giờ họ cũng chẳng còn nhà để ở. Giữa ngày Tết thiêng liêng, họ trở thành người, vô gia cư!
Phía bên kia, người bị hại duy nhất không liên quan huyết thống với Phong cũng khóc trong uất nghẹn. Ông H., 70 tuổi, một nhà giáo bao năm chắt chiu, dành dụm tiền của bản thân và con cháu biếu để cất căn nhà bằng gỗ quý, trị giá vĩnh cữu với thời gian. Ngày định mệnh ấy, ông sang nhà đứa con trai chơi. Đêm khuya, ông giật mình hay tin dữ: Nhà cháy.
Tức tốc trở về, ông gần như hóa điên nhìn tài sản duy nhất của mình đang cháy rụi. Mấy đứa cháu ôm chặt ngang bụng ông, la lớn “Ông ba ơi, ông đừng vô, nhà gỗ cháy nguy hiểm lắm!”. Sức già của ông sao chống lại được đám trai tráng ấy, ông đau đớn đứng nhìn từng phần, từng phần của căn nhà biến dạng.
Ông thở dài với tôi: “Sau này bình tâm lại, tôi chua chát làm câu thơ “Bảy mươi tuổi chẳng còn gì/ Hai bàn tay trắng như khi ra đời”. Buồn lắm! Có được cái nhà là hạnh phúc của đời người. Vậy mà chỉ trong phút chốc, tôi mất sạch. Công an kêu tôi thống kê thiệt hại căn nhà. Tôi cũng gắng gượng mà làm. Nhưng bộ ngựa bằng gỗ mun tổ tiên để lại biết tính bao nhiêu tiền?
Chiếc xe cúp tôi mua từ ngày xưa ở Nhật, không dám chạy nhiều, chỉ bảo quản trong nhà nên mới nguyên, chưa tróc nước sơn, tính bao nhiêu? Đối với mọi người, mấy cái đó không quan trọng, nhưng với tôi đó là cả cuộc đời mình”. Cái giá của kỷ niệm có gì mà đong đếm được!
Hiện tại, các hộ dân có nhà cháy đã được Mạnh Thường Quân, nhân dân và chính quyền địa phương hỗ trợ cất lại căn nhà đơn sơ để che nắng, che mưa. Riêng bà Nga vẫn ở tạm trong hai vách nhà cũ. Tổng thiệt hại của 4 căn nhà trên 2 tỷ đồng, nhưng chỉ có bà Nga và ngoại của Phong là không yêu cầu bồi thường. Bị cáo “chỉ” phải bồi thường trên 1,6 tỷ đồng cho 2 hộ còn lại. Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt Phong 13 năm tù với tội danh “Hủy hoại tài sản”.
“Con xin lỗi mẹ, xin lỗi ngoại và mọi người. Con sai rồi, con hứa sẽ cải tạo tốt, sau này về chí thú làm ăn để bồi thường thiệt hại cho mọi người” – lời hứa của y chìm trong tiếng nấc của ai đó, nghe quặn lòng trong buổi trưa nắng gắt.
Bình luận (0)