xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngọt mùa nấm mối

Theo TẤN PHƯỚC (Bình Định Online)

Khi những cơn mưa dầm tạm ngớt, gió bấc se se làn da, dân ven rừng lại vào mùa hái nấm mối. Mùa nấm mối năm nay ở huyện Phù Mỹ-Bình Định tuy đến hơi muộn, nhưng nấm vẫn nhiều và ngọt ngào như mọi năm

 
img
Hái nấm mối ở rào quanh nhà
 
Theo hơi, hái nấm
 
Nấm mối là loại nấm tự nhiên, thường tìm thấy ở giữa rừng hoặc những khoảnh đất ven rừng. Nấm mọc ở những vùng đất có khoang mối, dưới những lùm cây, bờ rào rậm rịt. Nhờ những đường mối đi trong đất, lớp đất mặt nhẹ, xốp, cộng với lá khô rơi mục và mưa dầm, làm cho đất mọc lên loại nấm mang tên nấm mối.
 
Nấm mối có ba loại. Nấm mối mỡ có thân cao chừng 8cm, to bằng ngón tay út; tai nấm hình nón, toàn thân có màu trắng, mọc thành đám từ vài trăm đến bốn, năm ngàn cây. Nấm mối than có thân thấp chừng 5-6 cm, tai nấm nhỏ, phần chóp tai nấm có màu nâu, mọc thành luồng trong vùng ánh sáng yếu, từ vài trăm đến sáu, bảy ngàn cây. Loại thứ ba là nấm mồ côi, mọc đơn lẻ, cao to gấp đôi nấm mối mỡ.
 
Anh Nguyễn Viện, người có nhiều kinh nghiệm hái nấm ở Mỹ Trinh, cho biết: “Nấm mối ở đất rừng Bình Định mọc sau những ngày mưa dầm, trời rông gió bấc. Nấm mọc vài ba đợt trong mùa, từ tháng chín đến tháng mười một âm lịch. Khi mọc, nấm mối tỏa mùi hơi tanh. Đứng ngược hướng gió, sẽ nghe được mùi. Đến vùng nặng mùi, nhìn kỹ nơi lớp lá mục sẽ thấy nấm”.
 
Theo chân anh Viện lên rừng, dọc đường, chúng tôi gặp nhiều người tay xách, nách mang đi hái nấm mối. Đi được vài trăm mét, anh Viện chậm lại, lom khom nhìn sát chân lùm dây rậm. Chợt, anh bảo: “Đây rồi! Vào hái đi!”.
 
Tôi nhìn sâu vào vùng ánh sáng yếu dưới chân lùm dây, ngỡ ngàng, lạ lẫm. Nấm mọc tràn một vùng bụi rậm. Mùi nấm mới mọc, trộn lẫn mùi lá ẩm mục xông lên nghe ngai ngái. Lớp nấm búp đội lá nhô lên. Lớp nấm mỡ trắng muốt, đội nón tròn xoe, đứng che nấm búp. Nấm sắp tàn, đứng nghiêng nghiêng che vành nón lá, chen chúc nhau trong khoảnh đất 4m2, trông thật hấp dẫn.
 
Tôi vội chui vào hái nấm. Hồ hởi hái không biết mỏi. Có lúc ham nấm, tôi rướn qua cả cây, dây, mặc cho gai cào, muỗi đốt. Âm thanh sựt sựt từ nấm bị bứt gốc hòa với tiếng lá mục lạo xạo nghe thật sướng tai.
 
Hái xong đám nấm thứ nhất được nửa bao, anh Viện tiếp tục dẫn tôi đến luồng nấm thứ hai, thứ ba. Toàn nấm mối than. Tôi tiếp tục lao vào hái nấm. Dồn hết nấm vào bao cũng là lúc giữa trưa. Chúng tôi tạm biệt rừng nấm ra về, chừng còn nhiều tiếc nuối.
 
Một số người hái được nhiều nấm, ăn không hết, đem ra chợ huyện bán. Giá nấm mối hiện nay khoảng 70-80 ngàn đồng/kg. Người bán thì ít, trong khi nhu cầu về các loại thực phẩm sạch như nấm mối không ngừng tăng cao, nên nấm mối ngày càng có giá.
 
img
Bữa cơm gia đình với các món chế biến từ nấm mối
 
Ngọt, thơm tình người
 
Nấm mối hái về rửa sạch, người kỹ tính ngâm với nước muối chừng mười phút, rồi vớt ra để ráo. Nấm xào với dầu lạc hoặc nấu canh với ngọn khoai lang, lá bồ ngót thì thật tuyệt vời. Người dân quê cũng rất “kết” món bánh xèo nấm mối. Nấm nấu canh, nấm xào bốc hơi thơm lừng góc bếp, làm cồn cào bụng dạ cả nhà. Nấm có vị ngọt, tính lành. Người ven rừng bao đời ăn nấm mối luôn thấy ngon miệng, mạnh tay, dẻo chân.
 
Nấm mối từ rừng về nhà, phần giữ làm thức ăn trong vài ngày, phần biếu, cho bà con hàng xóm ăn lấy thảo. Anh Viện cho biết: “Mùa nấm nào tôi cũng gởi vài ký bằng xe đò vào Quy Nhơn cho anh trai. Anh ấy hảo nấm mối hơn bất kỳ món ăn nào!”.
 
Ở Phù Mỹ, những nhà neo đơn vẫn luôn được hàng xóm cho nấm. Cụ Nguyễn Thị Gậy, 87 tuổi, sống một mình ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh, khoe với tôi: “Sáng ra, thằng cháu mang đến cho một rổ nấm. Trưa, ông Sáu cạnh nhà cho một rổ nữa, ăn hai ba ngày mới hết!”.
 
Còn anh Nguyễn Ngọc Sơn, ở thôn Trung Bình, lại vui niềm vui của người có nấm làm quà. Anh chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, rảnh ra là tôi tranh thủ hái thật nhiều nấm mối, vừa để ăn, vừa chở xuống vùng biển biếu bà con dưới đó. Mùa cá cơm, họ thường muối sẵn mắm, chở lên cho. Năm nay, tôi hái được hơn chục cân, đủ làm quà biếu rồi!”.
 
Còn anh Tuấn, một “thợ hái nấm” nổi tiếng ở Mỹ Trinh thì đắc chí kể: “Tôi mang nấm về biếu một ít cho bà chị hàng xóm. Chị ấy rất mừng, sang nhà cảm ơn và kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm về Trường Sơn. Chị bảo, nấm mối rừng ngày ấy đã cải thiện được nhiều bữa ăn cho bộ đội, giúp nhiều thương binh chóng khỏe, nhanh chóng trở lại mặt trận. Nhiều đôi chiến sĩ nên vợ thành chồng cũng từ những món nấm mối rừng ý vị!”.
 
Bữa cơm ngày mưa có nhiều món chế biến từ nấm. Con gái lớn của tôi ngày thường ít quan tâm đến bữa cơm, hôm nay lại nhanh nhẹn so đũa, bới cơm, săm soi từng món ăn. Cha tôi bưng chén canh nấm, bùi ngùi nhớ chuyện cũ: “Tội cho má bay, cả đời khoai sắn, chưa biết ăn miếng cơm suông, canh nấm mối lần nào!”…
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo