Từ tháng 2 âm lịch hằng năm bà con dân tộc Kor đã chuẩn bị đặt tổ chim trên thân cây rừng cổ thụ.
Thường thì chim nhồng có thói quen đẻ một năm một lần vào tổ cũ, nên người đi săn chim làm tổ bằng ống gỗ khoảng 40 cm, rộng 10cm, đặt vào vị trí thuận lợi trên một thân cây rừng lớn. Một người thường làm 4 - 5 tổ đặt ở các thân cây khác nhau.
Ông Diệp Văn Danh đang căm sóc chim nhồng non
Nếu cặp chim những năm trước còn sống thì 100% chúng sẽ vào đẻ lại ổ cũ nên người dân thường nắm chắc phần thắng khi làm tổ cho chim nhồng.
Bình quân một ổ chim nhồng có từ một đến hai con nhưng đa phần là hai con, và sau hơn 10 ngày nở bà con sẽ bắt chim nhồng về bán cho những ai có nhu cầu.
Với thời giá hiện nay, một cặp chim non không dưới 1,5 triệu đồng, nếu nuôi lớn khi chim tự ăn được thì không dưới 3,5 triệu đồng một cặp, cho nên một mùa chim, nếu có được 5 cặp chim người săn chim cũng thu được trên 15 triệu đồng.
Ông Hồ Văn Trọng ở xã Trà Phong cho biết: Khi đến mùa chim nhồng đẻ ông thường đặt khoảng 6 ổ chim, và thường xuyên lên thăm ổ để bắt chúng đúng thời điểm. Thường thì ông bắt được 4 đến 5 cặp chim mỗi năm, kiếm được tiền triệu.
Trong một thôn có khoảng 5 - 6 người chuyên đi đặt tổ chim và họ làm việc này thường xuyên hằng năm. Ngay sau khi mang tổ chim non về nhà thì đã có nhiều người đến hỏi mua, có lúc người mua còn đặt tiền cọc trước.
Thường thì các quán buôn bán ở trung tâm huyện Tây Trà mua để bán lại cho những người nuôi chim ở miền xuôi. Vì thế không những người đặt tổ chim nhồng có tiền, mà các quán buôn cũng có tiền.
Một cặp chim non như thế này không dưới 1,5 triệu đồng
Anh Diệp Văn Danh, người chuyên đi mua chim về nuôi bán lại cho biết: "Chỉ chịu khó tập cho chúng và cho ăn đủ thức ăn, chim sẽ phát triển rất nhanh và bán rất được giá, một năm anh nuôi, chăm sóc 4 – 5 cặp chim cũng kiếm được trên 10 triệu đồng”.
Chuyện kiếm tiền nhờ làm tổ và nuôi chim nhồng thì khỏi phải bàn, nhưng khi thú chơi ngày một phổ biến và người đi làm tổ, săn bắt ngày một tăng lên thì loài chim nhồng quí hiếm này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tiền thì có, nhưng chim có còn mãi cho chúng ta săn bắt nữa hay không?
Bình luận (0)