Người ta nói dân Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long uống “dở ẹt”. Bởi để đo tửu lượng, chính những nơi uống “mạnh dạn” là những nơi uống rượu ngon. Rượu trong vắt, đốt cháy lửa xanh lè, uống vào cảm giác có con rắn lửa chạy lan khắp châu thân! Không hiểu sao ở những vùng ít lúa gạo nước lợ, rượu lại ngon; còn đất An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long nhiều lúa gạo nước ngọt quanh năm, rượu lại ít ngon, đa số pha trộn lung tung, nhất là cồn. Có phải những vùng này ngoài lúa còn có mía ép đường, lấy bọt đường đem đi nấu rượu, nấu cồn?
Ở các con rạch Ô Môn, Thới Lai ở Cần Thơ hay con đường từ Vàm Cống về Long Xuyên, nhiều xóm đua nhau nấu cồn chẳng khác gì kỹ nghệ. Rượu ngon nổi tiếng trước hết phải nói xứ Châu Đốc ngày xưa. Thời Pháp, ở đó có hãng Vĩnh Phong Long bán rượu ra khắp miền Nam, trở thành thương hiệu nhiều người còn nhớ. Hiện nay, nổi tiếng nhất là rượu Gò Đen (Long An). Rượu Gò Đen hiện đang mất dần chất lượng nếu đem so với rượu Xuân Thạnh ở Trà Vinh. Rượu Xuân Thạnh được nấu với nếp cái, rót ra ly thấy bọt li ti.
Nhưng xứ có rượu ngon vẫn chưa hẳn có tửu lượng cao. Dân miền Tây uống rượu bằng ly nhỏ (ly uống cà phê đen), ly lớn (loại uống nước đá chanh) và ly cối ít được uống hơn - chỉ dành cho các trận hảo hớn thách đố. Ly nhỏ, cái vạch ngang chia ra phân nửa ly gọi là “chệt đẻo” (tiếng nói chơi trở nên thông dụng, ý nói do chệt (người Hoa) đã làm định mức cái ly như vậy). Dân chơi gặp nhau cụng ly thường uống trọn, quất trót ly rượu. Dân ba tỉnh kia, rượu đã dở, cụng ly chỉ uống tới “chệt đẻo”.
Như đã nói, “con đường men” càng về cuối miền đất nước càng “tợn”, từ thị xã Cà Mau trải xuống các huyện U Minh, Năm Căn, Ngọc Hiển rồi vô sâu rừng tràm, rừng đước, chúng ta bắt gặp cảnh tượng uống rượu với ly lớn, đàn bà con gái uống rượu không thua cánh đàn ông. Tại xã Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), nơi cuối cùng đất nước nhìn ra hòn Khoai lịch sử, đôi bà mẹ họp nhau “vật ngã” 3-4 lít rượu, cười ngắt nga ngắt nghẻo là chuyện bình thường.
Từ Rạch Gốc đi xa nữa ra các hộ ngoài biển, ngoài các hòn có tiếng như Sơn Rái, Hòn Nghệ, Thổ Chu, Cổ Tron, Hải Tặc, Bà Lụa, Hòn Tre còn có mấy chục hòn lớn nhỏ nhấp nhô trên mặt đại dương. Ở đó, các cô cầm nguyên ca rượu uống không khác đàn ông và lái xuồng chạy bon bon giữa biển mịt mùng giăng lưới cá xanh xương (một loại cá dữ có mũi cứng, nhọn, cá lao tới có thể làm thủng xuồng). Ở mỗi đảo, gia đình nào tới trước lập nghiệp được gọi là chúa đảo nhưng tại Hòn Nghệ, tôi và nhà văn Anh Động bắt gặp một mộ bia ghi “Chưởng môn phái Người Nhạn Trắng. Từ trần ngày... ”, tò mò tìm hiểu thì hóa ra ngoài chúa đảo, ở nhiều hòn có thêm ông chưởng môn cầm đầu đám uống rượu!
Có thể kể phái Người Nhạn Trắng, phái Cánh Buồm Đen, phái Gió Mùa Đông giống như sách kiếm hiệp. Ông chưởng môn một ngày đẹp trời nào đó rảnh rang thời vụ, không cần phải đợi dịp cúng kiếng, phát thiệp mời các môn phái khác tới đảo mình quyết đấu. Đồ nhậu ở phía biển thì ngon phải biết! Cuộc thi tài không kém phần quyết liệt chia ra làm nhiều đợt. Đợt một kéo dài cho tới buổi chiều, sau đó các môn phái kiểm điểm lại quân số coi ai còn ngồi được. Đợt hai cho tới hừng đông sáng. Nếu còn nữa thì tiếp tục đợt ba. Tiếng hò hét cổ vũ vang một góc biển. Cánh đàn bà phục vụ vất vả, lo khăn nước cho đám đấu rượu. Có lẽ đây là cái mả chết vì rượu có bia mộ duy nhất ở nước ta (!?).
Là dân miền Tây, người nào không biết uống rượu thì rất ít bạn bè và bị thiên hạ cho là khó chơi, là không xài được (!). Đây là suy nghĩ của cá nhân hay là mỗi vùng đất có một lối suy nghĩ đã trở thành quán tính, ảnh hưởng tới hoạt động và thói quen của con người. Xin nói ngay dân Nam Bộ ưa có lối suy nghĩ bằng bụng. Thói quen này từ chỗ những người lưu dân tìm tới vùng đất mới khai phá, người đi sau cần tới sự giúp đỡ của đồng hương đi trước. Thiên nhiên phương Nam khắc nghiệt nhưng phì nhiêu, trù phú, lưu dân cần sự gan dạ. Do đó, người phương Nam ưa lấy bụng hào hiệp, bụng ở đời, lấy bụng đo sự tốt - xấu, thiện - ác... Lối suy nghĩ bằng bụng trở thành tập quán, làm việc gì cũng ăn trước như lúc đi tát đìa, đi cấy, đi gặt. Nếu chủ nhà lo bữa ăn hà tiện, lần sau dù có trả tiền công cao thợ thầy cũng không muốn tới.
Dân miền Tây đánh giá một chủ tịch huyện, một ông bí thư xã trước hết qua việc bụng tốt hay xấu, chịu chơi hay không, sau đó mới nói chuyện tài năng, thông minh. Tác phong một ông quan bình dân không khác gì ông anh hai trong nhà. Do nếp nghĩ từ bụng đã sinh ra tật nhậu nhẹt. Cần thay đổi lối nghĩ bụng chăng, khi người ngày một đông, đất ngày một chật, cuộc sống khó khăn không cho phép đem bụng ra nghĩ mãi!
Bình luận (0)