Người ta khó lòng để không có sự tranh cãi hoặc bàn luận về những gì cảm thấy khi bước vào bên trong căn nhà anh Lại Phú Hùng, khu phố 8 phường Tân An, thị xã La Gi. Một căn nhà mà sau cái vẻ bình dị lại có phần nhỏ hẹp, đã chứa đựng một thế giới đồ gỗ mỹ thuật, được tạo tác bởi người thợ mộc có tâm hồn của một nghệ sĩ.
“Tôi làm thợ mộc đến nay gần 20 năm”, anh Hùng bắt đầu câu chuyện một cách chậm rãi khi chúng tôi cùng ngồi xuống nền một gian phòng gỗ nhỏ, (có lẽ là phòng đọc sách hoặc dùng cho mục đích tương tự như thế. Bởi những bức tranh treo trên tường và chiếc bàn thấp kiểu như bàn ngồi uống trà của người Nhật) cạnh cầu thang dẫn lên gác cũng bằng chất liệu gỗ màu vàng, kiểu vàng của gỗ mít, hoặc gỗ hương.
Anh đang kể với tôi lý do anh tạo nên căn nhà bằng thứ gỗ tận dụng mà miếng lớn nhất, bạn có hình dung không, chiều dài cỡ hai bàn tay hoặc nhỏ hơn một chút. Chúng được ghép thành miếng, thành tấm một cách kỹ càng, công phu.
Tôi lắng nghe, hình dung ra công việc người thợ mộc này làm. Nó giống hoặc gần giống cảnh một người khi thuyền bị chìm, trôi dạt vào một hoang đảo, đã kiên nhẫn ngồi kết những quả dừa cho đến khi hàng ngàn trái dừa trở thành chiếc bè vượt biển. Một công việc pha trộn giữa niềm đam mê và sự khao khát chứng minh.
“Nghề nào ăn theo nghề nấy. Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ…”, ông bà ta nói vậy. Mười hai tháng trong 1 năm tôi sống với gỗ, đóng không biết bao nhiêu món đồ cho thiên hạ, vì vậy gỗ đầu thừa đuôi thẹo là vô số. Có người thấy gỗ vụn nhiều quá thì bỏ đi, hoặc cho ai đó làm củi, còn tôi thì giữ lại hết với suy nghĩ sẽ có lúc làm được cái gì đó”- anh Hùng nói.
Mặt tiền căn nhà của anh Lai Phú Hùng
Đam mê nhà gỗ
Tại Bình Thuận, gần 10 năm nay, nhà gỗ khá được ưa chuộng. Nhiều người tìm lên Tánh Linh, Đức Linh, mua nguyên căn nhà gỗ, sau đó tháo ra chở về Phan Thiết làm quán cà phê, làm nơi thư giãn của gia đình… Ở Hàm Minh huyện Hàm Thuận Nam, một số chủ vựa thanh long đã tậu những căn nhà gỗ hơn trăm năm tuổi với giá gần tỷ bạc cho một căn.
Trong những ngày đi làm thuê, anh Hùng không ít lần gần gũi những người hoài cổ, nghe họ kể chuyện, lý giải cái lợi ích của nhà gỗ, nhà gỗ với phong thủy, với sức khỏe của vợ chồng, con cái… vì vậy mà niềm đam mê nhà gỗ hình thành trong anh. Tuy vậy, vốn dĩ nghèo, anh chưa bao giờ dám mơ ước căn nhà gỗ bạc tỷ, nhưng lại nghĩ tới chuyện: bằng cái nghề của mình sẽ tạo căn nhà gỗ chẳng giống ai mà cũng chẳng ai giống mình.
“Tình cờ, đọc mấy cuốn tạp chí Nhà Đẹp thấy trong đó: ngoài chuyện đăng hình các kiểu nhà gỗ độc đáo, người ta còn khuyến khích tận dụng các loại vật liệu cho nhà ở, điều đó càng làm tôi thêm quyết tâm” - anh Hùng giải thích.
63 loại gỗ trong căn nhà
Cách đây 3 năm, sau nhiều năm dành dụm được một số tiền, vợ chồng anh Phú Hùng quyết định xây căn nhà có gác. Khi thợ xây hoàn thành một phần vỏ của căn nhà, thì anh quyết định toàn bộ phần bên trong sẽ do anh thiết kế và tạo tác.
“Ngày làm việc nuôi con, tối đến tôi dùng máy bào những mảnh gỗ nhỏ đến một độ mỏng nhất định rồi ốp nó lên tường. Những chỗ như vách phòng ngủ, cầu thang.. thì làm khung rồi ghép từng mảnh một hoặc từng tấm”.
Kiên trì như kiến. Hàng trăm ngàn mảnh gỗ nhỏ cuối cùng được anh Hùng ghép, ốp lên tường. Sơ bộ tới 63 loại gỗ trong căn nhà. Đó là mít nài, cẩm xe, giáng hương, gõ đỏ, gõ mật, gỗ trường… Và, tuy không nhiều nhưng có một ít gỗ sưa. Loại gỗ lúc nào cũng thoang thoảng mùi hương trầm. Mùi hương trầm của sưa và mùi thơm phảng phất của giáng hương cùng mùi xá xị của gỗ xá xị... mỗi thứ một ít, nhẹ nhàng lan tỏa trong từng ngóc ngách căn nhà của người thợ mộc ngoài 40 tuổi; lắm lúc ướp cả vào trong quần áo của nữ chủ nhân, vì vậy khi chị bước đi, mùi hương cứ lan theo, đến độ khách vào nhà cứ tần ngần, không hiểu vì sao có hương thơm và hương thơm từ đâu...?
Toàn bộ vật dụng trong nhà đều được ghép bằng gỗ tận dụng. Ảnh: T.Tú
Những hợp đồng
Từ ngày làm nên căn nhà gỗ anh Lại Phú Hùng có khá đông khách tìm thăm. Có người như anh H, ngụ trong xóm nhà thờ Tân Tạo (cùng phường Tân An) sau khi thăm, thay vì lót gạch men cho sàn nhà mới đã thuê anh Hùng lót sàn gỗ. “Cái sàn ấy làm rất công phu. Được chạy vân như gạch hoa. Sàn gỗ mà soi được mặt người là nhờ mình đánh bóng tốt” - anh Phú Hùng nói về sản phẩm mới.
Hiện nay người thợ mộc này thường nhận các hợp đồng ốp gỗ các loại với giá 700.000 đồng/m2. Một căn nhà 100m2, nếu ốp gỗ, chủ nhân phải chi thêm 70 triệu đồng. “Tuy vậy, không ít vợ chồng trẻ vẫn quay về với phòng ngủ bằng các loại gỗ có hương. Dường như ngủ trong những căn phòng gỗ như thế, tình cảm vợ chồng thăng hoa hơn”- anh Phú Hùng nói rồi cười. Điều này chưa thể kiểm chứng, nhưng ít nhiều giải thích vì sao hiện nay anh thường xuyên có hợp đồng thiết kế phòng ngủ cho những đôi vợ chồng trẻ…
Bình luận (0)